Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi mở lòng hơn nhờ đại dịch

Sau thời gian giãn cách xã hội, tôi mới biết tên hàng xóm cùng tầng dù sống cạnh nhau đã lâu.

Nhật Quân (TP.HCM)

Sinh viên

Sáng sớm nay, ba mẹ ở quê gọi hỏi thăm. Khi nghe tôi nói đang trông 2 em nhỏ giúp anh chị hàng xóm, ba mẹ tôi hỏi đi hỏi lại vì nghĩ là nghe nhầm. Với ông bà, đứa con trai dạy mãi vẫn không thấm được câu nói "hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau", nay lại trông con giúp họ, là chuyện khó tin.

Ở chung cư 4 năm, không quen ai

Hơn 4 năm nay, tôi dọn về sống ở một chung cư trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh. Cư dân tại đây đa phần là các gia đình trẻ, sinh viên… Đây là nơi tôi gắn bó kể từ khi rời quê lên TP.HCM học đại học.

Bên cạnh đến trường, tôi cũng tranh thủ làm thêm, rảnh rỗi lại đi chơi cùng bạn bè nên quỹ thời gian ở nhà không nhiều. Tôi chỉ biết sát vách là một gia đình trẻ. Đôi lúc chờ thang máy, gặp anh chị, tôi chỉ gật đầu chào lấy lệ. Mấy năm sống như vậy, tôi không buồn bận tâm hàng xóm xung quanh mình là những ai.

Bao hiem Chubb Life anh 1

Sống cùng chung cư nhưng tôi dường như tách biệt với mọi người.

Biết con không giỏi việc bếp núc, ba mẹ tôi ở quê thường chuẩn bị đồ ăn sẵn rồi gửi lên. Tháng nào ba mẹ "tiếp tế" chậm, tôi đặt đồ ăn giao đến tận nhà. Do được "bao cấp", tôi ít khi để ý chuyện "tích cốc phòng cơ", để dành lương thực, nhu yếu phẩm.

Tháng 5, dịch Covid-19 ập đến, tôi không kịp về quê nên phải ở lại TP.HCM suốt hơn 4 tháng. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, tôi không nhận được đồ ăn của bố mẹ, mà việc mua ngoài khá khó khăn. Tôi lúng túng từ việc tìm nguồn thực phẩm đến chuyện vào bếp.

Lệnh giãn cách xã hội cũng cắt đứt mọi trải nghiệm của tôi với cuộc sống bên ngoài. Nhiều ngày liền, tôi chỉ ở trong 4 bức tường. Mọi giao tiếp bị bó hẹp trong màn hình và điện thoại.

Dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp, không được gặp bố mẹ, không quen biết ai xung quanh, tôi trở nên bất an.

Tình làng nơi thành thị

Một ngày, tôi nghe tiếng chuông cửa, thứ âm thanh đã không tồn tại suốt nhiều ngày trước đó. Tôi ngạc nhiên khi thấy ai đó treo sẵn một túi thực phẩm đủ loại đã sơ chế sẵn kèm mảnh giấy viết vội mấy dòng tin nhắn và số điện thoại. Hoá ra anh chị hàng xóm bấy lâu nay tôi chỉ gật đầu chào lấy lệ biết tôi đang ở một mình nên san sẻ phần đồ ăn họ khó khăn lắm mới mua được.

Bao hiem Chubb Life anh 2

Tấm chân tình của anh chị hàng xóm khiến tôi bất ngờ và xúc động.

Tôi vội vàng kết nối Zalo với anh chị. Trưa hôm đó, đứa con trai hậu đậu được ăn một bữa cơm tự nấu ngon lành, sau khi được anh chị "phụ đạo" cách vào bếp gần một giờ qua Zalo. Đó là lần đầu tiên tôi thấm thía câu nói của ba mẹ: "Hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau".

Những ngày sau, anh chị liên tục chủ động nhắn tôi ra cửa nhận thức ăn, có khi là phần thịt xào, lúc là ổ bánh mì nóng giòn tự tay nhồi bột nướng. Ổ bánh mì nhà làm không đẹp như ngoài tiệm, nhưng tôi mừng rỡ như khi còn nhỏ lục giỏ xách của mẹ mỗi lúc đi chợ về. Gần 2 tháng rồi, tôi mới được nghe lại mùi men bánh mì nướng thơm lừng, với tiếng vỏ bánh giòn rụm.

Tôi còn được anh chị mời vào nhóm Zalo của cư dân chung cư. Hoá ra, lâu nay tôi đã bỏ lỡ nhiều thứ. Đằng sau những cánh cửa im lìm mỗi tối tôi lướt qua trên đường về căn hộ của mình là tình người nồng ấm, từ chuyện cập nhật và chia sẻ thông tin về tình hình chung, cách phòng chống dịch bệnh đến những mẹo vặt mua gì, ở đâu ngon mà rẻ.

Bao hiem Chubb Life anh 3

Những ngày sau, anh chị Tư thường xuyên gửi cho tôi thực phẩm nhà làm.

Bước vào cuộc sống bình thường mới

TP.HCM bước vào "bình thường mới". Danh bạ tôi cũng thêm nhiều số điện thoại của hàng xóm. Thỉnh thoảng, nhận được chút quà quê từ ba mẹ, tôi lụi hụi chia nhỏ nhiều phần, mang tặng những người xung quanh. Phần của anh chị Tư (tên thân mật của anh chị nhà bên), tôi luôn thiên vị một chút, như đứa em út đối đãi với anh chị ruột của mình.

Bao hiem Chubb Life anh 4

Tôi chia sẻ một phần quà quê của mình tới anh chị Tư và mọi người trong chung cư.

Đến nay, ban quản lý và các cư dân khác vẫn cập nhật liên tục thông tin về cuộc sống bình thường mới. Bảng quảng cáo ở khu vực chờ thang máy cũng phát những giai điệu vui tươi, báo hiệu nhịp sống đã rộn ràng trở lại.

Biết con trai không còn lầm lũi một mình, ba mẹ tôi vui lắm. Về phần mình, tôi cũng nhận ra khó khăn trong dịch bệnh đã thực sự chuyển hoá bản thân, giúp tôi nhận ra những đốm lửa ấm áp của tình người.

Tôi bắt đầu tập thói quen để mắt đến những người xung quanh, chìa bàn tay đến những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ. Tôi sắp xếp căn hộ gọn gàng hơn, đặt thêm bộ bàn và đôi chiếc ghế, sắm thêm vài bộ chén đũa, thầm vui vì nghĩ đến ngày dịch bệnh được kiểm soát, sẽ tự tay nấu những món ăn vừa học "lóm" trên mạng để đãi anh chị Tư và mọi người.

Kế hoạch "tiến về phía trước" cho cuộc sống bình thường mới của tôi không chỉ dừng ở thích ứng với cách làm việc, sinh hoạt mới, mà còn cả cách sống khác với chính mình trước đây. Đó là học cách trao và nhận tình thương với những "láng giềng gần".

Những chông gai trong cuộc sống, như cách Covid-19 bất ngờ xuất hiện, sẽ vẫn còn. Song, tôi tin một khi lòng mình đầy ắp yêu thương, đôi chân sẽ đủ sức mạnh để vượt qua con đường gập ghềnh, tiến tới chân trời tươi sáng hơn.

Được thực hiện bởi Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life Việt Nam), chuỗi nội dung "Tiến về phía trước" là những câu chuyện có thật đầy cảm hứng về cách vượt qua giới hạn bản thân và nghịch cảnh của nhiều người ở độ tuổi khác nhau trên khắp cả nước. Chuỗi nội dung hứa hẹn tiếp thêm năng lượng tươi mới để độc giả có thêm động lực vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và tiến bước vững chắc về phía trước, cho một tương lai tươi sáng hơn.

Trà An

Bạn có thể quan tâm