Ở giữa độ tuổi 30, tôi bắt đầu tính toán xem mình còn bao nhiêu thời gian nữa để mang thai. Nếu có bầu trong vòng 1 năm sau đó, tôi sẽ làm mẹ khi bước sang tuổi 38.
Thời điểm đó, dù chưa chắc về chuyện sinh em bé, tôi vẫn muốn thử xem xét. Tôi từng đọc rất nhiều bài báo nói rằng khả năng sinh sản của phụ nữ giảm sau 35 tuổi, nhưng điều ấy không khiến tôi bận tâm.
Tôi biết rất nhiều phụ nữ sinh nở sau 35 tuổi.
Nhưng gần 40 tuổi, tôi bắt đầu lo lắng. Nếu muốn có con, tôi phải sớm đưa ra quyết định.
Kayleen Schaefer lo mình không thể sinh con khi ngày càng lớn tuổi. Ảnh: Getty. |
Sinh con hay không là lựa chọn
Trong những năm 1950 và nhiều thập kỷ sau đó, việc sinh con được xem là một phần thiết yếu của cuộc sống. Trở thành cha mẹ là bước cuối cùng để chính thức khẳng định sự trưởng thành.
Ngày nay, điều đó không còn đúng nữa.
Những người ở độ tuổi 30 đang định nghĩa sự trưởng thành theo cách khác biệt. Họ lựa chọn có con cái hoặc không và trưởng thành bất kể quyết định này ra sao.
Sinh con đẻ cái là lựa chọn cá nhân và có thể được trì hoãn thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản khi phụ nữ còn trẻ. Nhiều người biết chắc họ muốn có con, một số khác thì không.
Nhưng có những phụ nữ mắc kẹt ở giữa: họ không chắc mình muốn làm mẹ hay không.
Trong cuộc đời, có con hay không là quyết định mà tôi phải đấu tranh nhiều nhất. Công việc, đối tượng hẹn hò, nơi sinh sống, thậm chí cả người tiến đến hôn nhân - tất cả tôi đều có thể làm lại nếu lựa chọn sai. Tuy nhiên, sự chào đời của một đứa trẻ thì khác.
Ngày nay, sinh con đẻ cái là lựa chọn cá nhân và có thể được trì hoãn thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản khi phụ nữ còn trẻ. Ảnh: Shutterstock. |
Tôi tự hỏi bằng cách nào có thể biết chắc rằng mình muốn sinh con?
Tôi từng mường tượng về viễn cảnh có con sẽ khiến sự nghiệp của mình chậm lại. Làm nghề tự do với thu nhập không ổn định, tôi cũng không chắc mình có đủ khả năng chăm sóc con cái hay không.
Thế nhưng, tôi cũng bắt đầu cảm thấy giằng xé với mong muốn trở thành mẹ, rằng sẽ thật tuyệt nếu nuôi dạy một đứa trẻ.
Vì vậy, khi gần đến độ tuổi mà tôi cho rằng mình không còn khả năng sinh con đẻ cái nữa, tôi chấp nhận sự mông lung của bản thân.
Tôi không biết chắc hành trình làm mẹ sẽ diễn ra như thế nào, nhưng tôi muốn cố gắng mang thai. Nỗi sợ hãi vẫn còn đó, nhưng bản năng mách bảo rằng một đứa con là điều tôi muốn làm trong cuộc đời.
Muốn có con với bạn đời
Tôi từng luôn tự nhủ rằng mình sẽ cảm thấy thoải mái khi làm mẹ đơn thân. Tuy nhiên, sau nhiều đêm mất ngủ, tôi tin rằng mình muốn sinh con với bạn đời.
Tôi biết rõ đối tác mình lựa chọn là bạn trai cũ. Ở độ tuổi 20, chúng tôi từng hẹn hò lâu dài. Với tôi, anh ấy thú vị, quyến rũ, tuyệt vời nhưng đôi khi cũng nóng nảy và điên rồ.
Người đàn ông ấy khó nắm bắt và có hàng triệu đặc điểm khác khiến tôi vừa không thể hiểu, vừa sợ rằng cái tôi quá lớn của anh ấy có thể chi phối mình.
Dù không có mối quan hệ lãng mạn và sống ở hai thành phố khác nhau, chúng tôi vẫn thân thiết, nhắn tin và thăm nhau khi có thể. Chúng tôi cũng có nhóm bạn chung để đi chơi cùng.
Đó là tình bạn phức tạp, nhưng tôi thích làm mọi thứ với người đàn ông này. Anh ấy cho tôi sử dụng tài khoản Amazon Prime để mua sắm, khuyến khích tôi thành lập doanh nghiệp cho công việc kinh doanh tự do của mình. Tôi gọi cho anh ấy khi cá cưng bị chết. Anh ấy tâm sự với tôi vào buổi sáng mà anh nghĩ rằng mình sẽ bị cho thôi việc.
Tôi nghĩ bạn trai cũ có thể muốn đến New York. Cũng có thể anh ấy sẽ cởi mở với việc quay lại và sống chung với tôi. Thế nhưng, tôi không mong anh ấy làm vậy nếu không thực sự quan tâm đến việc cố gắng có con.
Kayleen Schaefer từng muốn làm mẹ đơn thân nhưng khi quyết định có con, cô muốn làm điều này với bạn đời. Ảnh: The Empowered Mama. |
Tôi quyết định gọi hỏi thẳng anh ấy rằng có muốn chuyển đến New York và sinh con với tôi không. Chúng tôi nói chuyện rất lâu.
Trước khi cúp máy, anh ấy nói bản thân cần xem xét mọi thứ, nhưng “thực sự rất vui khi nghe giọng của em”. Tôi nghĩ anh ấy sẽ đồng ý.
Đúng như vậy, chúng tôi gặp nhau 2 lần trước khi anh ấy chuyển tất cả đồ đạc của mình tới nơi tôi ở.
Khi về chung một nhà, chúng tôi bắt đầu suy tính làm thế nào để hòa hợp với nhau, cả việc chia sẻ không gian vật chất và những gì đôi bên mong muốn trong cuộc sống của mình.
Chúng tôi từng là bạn bè và hẹn hò qua lại trong thời gian dài nhưng chưa bao giờ bị ảnh hưởng trực tiếp đến nhau như vậy.
Chúng tôi có những khác biệt nhỏ, như tôi thường thức dậy ngay lập tức còn anh ấy cần chuông kêu như thể hàng trăm lần. Trong khi tôi lạc quan và không muốn lo lắng về tương lai, bạn trai lại luôn phòng bị cho những rủi ro có thể xảy ra. Chúng tôi sẻ chia với nhau nhiều điều và cũng cãi vã.
Đôi khi, tôi bật cười khi nghĩ về việc anh ấy dọn tới đây. Mọi thứ giống như phép màu. Nhưng thực tế, để đến được với nhau, chúng tôi phải xem xét mối quan hệ một cách nghiêm túc. Cả hai nắm lấy tay nhau và đồng ý đi chung đường.
Tôi không dễ dàng mang thai ngay lập tức. Trải qua một năm điều trị khả năng sinh sản và bị sảy thai, tôi mới trở thành mẹ của một bé trai.
Tôi may mắn có cả tiền lẫn bảo hiểm y tế cho những phương pháp điều trị này. Cơ thể tôi cũng đã đáp ứng.
Có những lúc tôi cố gắng có bầu và sợ mình không thể làm được. Nhưng trong thời gian đó, tôi chấp nhận sự không chắc chắn như một phần của thỏa thuận với vấn đề có thể xảy ra hoặc không.
Kể cả khi không thể thụ thai thành công, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn. Tôi chỉ cần thời gian sắp xếp những gì mình mong muốn và làm theo cách bản thân cảm thấy thoải mái.
Tôi từng không sẵn sàng cho mọi chuyện.