Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi phải làm gì để đòi lại tiền khi bị bạn 'bùng nợ'?

Tôi cho bạn mượn 100 triệu đồng, không lãi trong thời hạn một năm. Quá hạn nhưng anh ta không trả mà tắt điện thoại, chuyển đi nơi khác sống, vậy tôi phải làm gì để lấy lại tiền?

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) tư vấn cho độc giả Mạnh Hùng (Vĩnh Phúc) như sau:

Bạn không nói rõ khi cho vay tiền có xác lập hợp đồng, giấy tờ gì không… nhưng theo quy định của pháp luật thì giao dịch này có thể được thực hiện bằng lời nói hoặc văn bản. Do đó, người mượn tiền phải có nghĩa vụ trả nợ đúng thời hạn.

Tuy nhiên, ở đây người ta không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho bạn, trái lại còn tắt điện thoại, chuyển đi nơi khác sống nên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất, nếu biết chỗ ở mới của người nợ tiền, bạn có thể khởi kiện dân sự để lấy lại số tiền đã cho vay.

Theo đó, bạn phải chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ: Đơn khởi kiện, bản sao hợp đồng vay (nếu có), các giấy tờ, tài liệu chứng minh có quan hệ cho vay trên thực tế như hóa đơn, biên lai, giấy nhận tiền, lời khai của người chứng kiến hoặc biết đến giao dịch vay… Bên cạnh đó là các giấy tờ về nhân thân của chính bạn và địa chỉ của bên vay tiền.

Sau đó, bạn lựa chọn tòa án có thẩm quyền giải quyết là TAND cấp huyện nơi người đã vay tiền đang cư trú. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu tòa án buộc bên bị kiện thực hiện nghĩa vụ trả nợ là 3 năm kể từ thời điểm đến hạn mà bên vay không trả nợ…

Thứ hai, người này cố tình lẩn trốn, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bạn không có cách nào liên lạc cũng như không thể tìm thấy địa chỉ hiện tại của anh ta thì có thể tố cáo ra pháp luật, đề nghị xem xét, điều tra, giải quyết vụ việc cho mình.

Bạn có thể nộp đơn tố cáo lên cơ quan công an nơi mà hành vi phạm tội của người này diễn ra (có thể là nơi cư trú của bạn).

Sau khi nhận được đơn tố cáo của bạn, cơ quan cảnh sát sẽ điều tra, xác minh xem có hay không dấu hiệu của tội phạm. Nếu sau khi điều tra xác định thấy có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp này, người mượn tiền bạn có thể bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Theo khoản 2 Điều 140, Bộ luật Hình sự, người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng…

Vân Thanh ghi

Bạn có thể quan tâm