Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tôi phượt từ Trung vào Nam vẽ cảnh biển

Không giống những phượt thủ khác, hành lý của tôi là toan vẽ, màu acrylic, cọ, khay màu và giá tranh. Trong 30 ngày, tôi vẽ hơn 25 bãi biển nổi tiếng của miền Trung và Nam.

phuot Viet Nam anh 1

Tôi đi khắp miền Trung và Nam, trực họa những cảnh biển nổi tiếng để truyền cảm hứng yêu biển đến nhiều người.

Tôi là Trần Văn Mạnh (40 tuổi), một họa sĩ tự do tại Quảng Ngãi. Ngoài điểm màu cho những bức tranh, tôi cũng đam mê du lịch.

Tôi lớn lên ở một làng chài, tuổi thơ nồng mùi biển cả. Trước đây, tôi từng đi phượt nhiều lần, nhưng chỉ chạy lướt qua, ít dừng lại lâu. Cuối năm 2023, tôi nảy ra ý tưởng vừa đi phượt vừa vẽ lại cảnh biển. Mục đích lưu giữ, đưa hình ảnh đẹp của vùng biển, làng chài và đất mũi của Việt Nam đến gần với nhiều bạn trẻ. Đồng thời truyền cảm hứng khám phá, bảo tồn thiên nhiên hoang sơ.

Đầu tháng 3, tôi tạm đóng cửa phòng tranh, vác chiếc balo đựng đầy dụng cụ vẽ lên đường. Tôi chia thành 2 lần phượt và hoàn toàn không lên kế hoạch trước, ở mỗi địa điểm, tôi dừng chân đến khi cảm nhận đủ mới rời đi.

12 ngày vẽ biển miền Trung

Chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm mốc cho lần phượt đầu tiên, sau hơn một ngày lái môtô, tôi bung nét vẽ đầu tiên tại đèo Nước Ngọt. Cung đèo này uốn cong theo hình chữ C, ôm trọn lấy bờ biển và chân núi Minh Đạm. Bên dưới, những đợt sóng đánh vào ghềnh đá, bọt tung trắng xóa.

Sau đó, tôi di chuyển đến Bình Thuận, vẽ lại bãi biển Cổ Thạch ngập rêu xanh và ngọn hải đăng lâu đời ở mũi Kê Gà. Những địa điểm tiếp theo lần lượt là mũi Dinh, vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) và đảo Bình Ba (Khánh Hoà).

Vì ấn tượng mạnh với khung cảnh hoang sơ và làn nước biển xanh màu ngọc của Phú Yên, tôi quyết định vẽ 3 bức tranh tại mũi Điện, hải đăng Gành Đèn và Gành Đá Đĩa. Mỗi bức tranh, tôi thường mất khoảng 3-4 tiếng, nhưng địa hình "xứ hoa vàng cỏ xanh" lại ngốn của tôi gần 2 ngày.

Ghềnh đá khấp khểnh là đặc trưng của mũi biển Phú Yên, việc dựng giá tranh không dễ dàng. Thời tiết miền Trung cũng gây nhiều trở ngại, cái nắng gắt phủ rám da tôi từ sáng đến chiều, thi thoảng còn có những cơn gió thổi mạnh đến mức khó giữ yên tay vẽ, giá tranh suýt bị hất tung. Tuy nhiên, khi hoàn thành bức tranh, mọi khó khăn chỉ làm tăng thêm cảm giác phiêu lưu, khuyến khích tôi vững tinh thần.

Rời Phú Yên, tôi dành khoảng 6 ngày lưu lại Bình Định. Địa điểm đầu tiên tôi đến là bãi biển Hoàn Hậughềnh ráng Tiên Sa thuộc thành phố Quy Nhơn. Nơi đây có làn nước trong xanh thấu đáy, những vách núi xanh màu thực vật và bãi đá trứng tròn được thiên nhiên gọt đẽo.

Hòn đảo Cù Lao Xanh của Bình Định vẫn chưa chịu nhiều sự tác động của du lịch, địa hình phức tạp và thưa người. Để tiếp cận bãi đá Thảo Nguyên trên đảo, tôi phải trèo qua những tảng đá chênh vênh trên vách núi, dành thời gian từ trưa đến chiều để hoàn thành tranh.

Trước khi tạm biệt Bình Định, tôi quyết định vẽ thêm mũi Vi Rồng (xã Mỹ Thọ). Nơi đây ít người biết đến, dù dùng bản đồ để dò đường, tôi vẫn bị lạc vài lần. Đổi lại là khung cảnh hùng vĩ ngoài sức tưởng tượng. Đứng nhìn từ xa, thắng cảnh này hiện ra như một tảng đá khổng lồ với hang động ở giữa. Bao quanh là ghềnh đá nhô ra biển, sóng bạc xô vào tung bọt cao khoảng một mét.

Những ngày rong ruổi ở miền Trung, tôi thường dựng lều ngủ ở bãi đất trống sát biển. Ăn hải sản mới đánh bắt ở làng chài với giá rất rẻ. Thậm chí, đến một số địa điểm, tôi còn được người dân mời ăn bữa cơm gia đình. Đây đều là những trải nghiệm tôi chưa từng có ở những chuyến phượt trước đây.

18 ngày vẽ biển Nam Bộ

Trở về nhà khoảng một tháng, ngày 21/4, tôi tiếp tục hành trình phượt lần 2 đến những bãi biển miền Nam. Điểm xuất phát lần này là biển Cần Giờ (TP.HCM). Khác với biển miền Trung, bãi biển này có làn nước tối màu do phù sa bồi đắp, kết hợp cùng bãi cát đen và bãi đá nhiều hình thù.

Cái khó khi phượt và vẽ tranh ở miền Tây là không có cung đường dọc ven biển liền mạch, tôi phải chạy lòng vòng và nhiều lần qua phà. Chưa kể, địa hình nhiều bùn đất cũng không thể di chuyển bằng mô tô, mỗi địa điểm tôi đều bộ khá xa với chiếc balo nặng trịch trên vai.

Lần đầu trong đời, tôi tận mắt ngắm biển Tân Thành (Tiền Giang) với dòng phù sa nặng trĩu và bãi cát dài 7 km. Người dân nơi đây tận dụng môi trường bùn dưới dáy biển để nuôi nghêu, những chiếc chòi canh nghêu cắm dọc bờ cũng tạo thành điểm nhấn riêng biệt trong bức tranh.

Sau Tiền Giang, những địa điểm kế tiếp tôi ghé đến là biển Thạnh Phú (Bến Tre), biển Hiệp Thạnh (Trà Vinh) và biển Hồ Bể (Sóc Trăng).

Tôi vẫn nhớ rõ lần đến xóm Đất Mũi (Cà Mau). Khi đó, tôi ngồi vẽ trên cây cầu duy nhất bắc qua sông, người dân không nề hà việc tôi chiếm lối đi. Trái lại, họ chào đón tôi bằng tất cả sự hào sảng, hỏi thăm đủ thứ, những đứa trẻ trong xóm cũng liên tục mang nước đến mời, cầm dù che nắng cho tôi.

Điểm đến khép lại hành trình phượt của tôi là mũi Nai (Kiên Giang). Đa số người Khmer đều sống tại đây, sinh kế bằng nghề đánh bắt tôm, ghẹ. Bãi biển này có hình thù của một chú nai đang cúi mình uống nước, làn nước trong xanh quanh năm và những triền cát thoai thoải. Tôi mất khoảng 4 tiếng vừa vẽ vừa ngắm sóng vỗ.

Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ tiếp tục hành trình vẽ những bãi biển từ Quảng Ngãi ra đến thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), nối lại thành dải đất hình chữ S. Thể loại tranh tôi chọn vẫn là trực họa để trau dồi khả năng nhìn nhận, có nhiều thời gian tận hưởng không khí thiên nhiên, từ đó giúp tôi có nhiều cảm hứng sáng tác về sau.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Tôi là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Ama Dablam

"Hạnh phúc", "xúc động", "tự hào", "vỡ òa"... là những cụm từ gói ghém hết cảm xúc của tôi trong 5 ngày chinh phục Ama Dablam - đỉnh núi mơ ước của những người leo núi thực thụ.

Tôi đưa con gái 3 tuổi 'phượt' châu Á, châu Phi

Không gò bó trong "chiếc hộp" chật hẹp, tôi đưa con gái đi khắp châu Á và châu Phi. Những chuyến đi chính là trường học lớn nhất, nơi con được tự do khám phá thế giới đa dạng.

Trúc Hồ (ghi)

Ảnh: Trần Văn Mạnh

Bạn có thể quan tâm