Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tôi 'săn mây' đẹp kỳ ảo trên đỉnh Fansipan

Đứng trên đỉnh Fansipan ở độ cao 3.127m, tay tôi lạnh buốt khi chạm vào mây. Đây cũng là thời điểm Sa Pa trong mùa "săn mây" đẹp nhất năm với những màn mây dày đặc, đẹp kỳ ảo.

Đỉnh Fansipan (thuộc thị xã Sa Pa, Lào Cai) quanh năm đều có mây bao phủ, nhưng phải từ tháng 11 trở đi, ngọn núi hùng vĩ này mới chính thức bước vào mùa "săn mây" đẹp nhất. Lúc này nền nhiệt độ xuống thấp, kết hợp với độ ẩm cao khiến mây nhiều và dày đặc hơn.

Tôi là Nguyễn Quỳnh Trang (28 tuổi, ngụ Hà Nội), một người có sở thích du lịch khám phá, đặc biệt là những trải nghiệm thú vị thuộc vùng núi cao Tây Bắc, Việt Nam. Ngày 13-15/11, tôi có dịp tham quan Sa Pa và thành công "săn biển mây" kỳ ảo tại nơi được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương".

Sa Pa anh 1

Lá cờ đỏ sao vào được kéo lên, tung bay trên "nóc nhà" cao nhất Đông Dương khiến tôi không khỏi xúc động.

Chạm mây, dự lễ thượng cờ

Nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Fansipan được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương" với độ cao 3.143 m. Để đến được đây, tôi di chuyển bằng ba chặng đi tàu và cáp treo.

Chặng một xuất phát từ ga Sa Pa nằm tại tầng 1 của tòa nhà Sun Plaza, trung tâm thị xã.

Sau khoảng 6 phút tàu chạy, tôi ghé Bản Mây, tham gia Lễ hội hoa sen đá Fansipan 2024 thuộc khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Lào Cai). Đây là một trong những sự kiện mở đầu cho chuỗi chương trình kích cầu du lịch lớn nhất trong năm do Hiệp hội Du lịch tỉnh tỉnh Lào Cai tổ chức mang tên "Chạm Sa Pa, chạm những tầng mây" cùng với sự tham gia của hơn 130 doanh nghiệp và các chương trình khuyến mãi lên đến 50%.

Chính quyền địa phương phối hợp doanh nghiệp tổ chức các sự kiện văn hóa lễ hội rực rỡ, đem đến cho du khách những trải nghiệm và cảm xúc đáng nhớ khi đến với Sa Pa mùa mây và mùa cao điểm du lịch cuối năm.

Sa Pa anh 2

Tàu leo núi Mường Hoa kết nối từ thị trấn Sa Pa đến ga cáp treo Fansipan dài 1,6 km.

Bên cạnh không gian truyền thống đậm nét văn hóa của người dân tộc ở Bản Mây, tôi đặc biệt thích thú với hàng nghìn bông hoa sen đá được trưng bày bắt mắt tại sự kiện.

Được biết, có hơn 50 loài sen đá độc đáo tại đây. Mỗi bông hoa sẽ đá truyền đi thông điệp tích cực hồi phục và Sa Pa sau cơn bão số 3 Yagi. Sen đá như những con người Sa Pa, với khả năng nở hoa rực rỡ trên những dốc đá khô cằn, tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ giữa khó khăn. Chúng mang đến bình yên cho tâm hồn và thể hiện vẻ đẹp tinh khiết của tự nhiên.

Từ Bản Mây, tôi tiếp tục chặng 2 hành trình bằng chuyến cáp treo Fansipan xuất phát từ ga Hoàng Liên đến ga Fansipan (gần đỉnh núi). Dịp này, vé cáp treo lên đỉnh Fansipan và tham quan lễ hội được giảm 30%, chỉ còn 550.000 đồng dành cho du khách Việt.

chặng 3, ga Fansipan còn cách đỉnh núi 600 bậc thang, tôi quyết định sử dụng tàu hỏa leo núi di chuyển từ ga Đỗ Quyễn đến Ga Trúc Mây để lên đến đỉnh.

Đặt chân lên đến đỉnh Fansipan, tôi cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của thời tiết, không khí loãng cũng như áp suất khi ở độ cao hơn 3.000 m. Gió thổi mạnh khiến từng lớp mây vờn nhau, cuồn cuộn lướt qua. Tay tôi chạm vào những tầng mây. Cái buốt lạnh kèm theo từng đợt gió thổi, mây trôi xuyên qua da thịt khiến mọi giác quan như ngưng trệ.

Từ trên đỉnh, tôi dễ dàng ngắm nhìn cảnh tượng ngoạn mục của một nơi được xem là điểm giao nhau giữa đất - trời. Xa xa là những chóp núi của dãy Hoàng Liên Sơn nhấp nhô ẩn mình trong dải mây trắng xóa.

Thông thường, lễ thượng cờ trên đỉnh Fansipan sẽ diễn ra vào khoảng 10h00 – 10h30 sáng các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần. Tuy nhiên, lần này tôi may mắn được tham dự lễ thượng cờ vào chiều thứ Năm. Cảnh thượng cờ thiêng liêng, tráng lệ khi lá cờ đỏ sao vào được kéo lên, tung bay trên "nóc nhà" cao nhất Đông Dương khiến tôi không khỏi xúc động.

Sa Pa anh 9

Không chỉ ngắm nhìn, check-in với biển mây bồng bềnh, khi đứng trên đỉnh Fansipan, tôi đã thực sự chạm tay vào những cuộn mây trắng mờ ảo.

Sa Pa còn nhiều điều tuyệt vời hơn thế

Trong hành trình 3 ngày 2 đêm ghé thăm "xứ sở sương mù", không chỉ đỉnh Fansipan mà thực tế có rất nhiều trải nghiệm tại Sa Pa khiến tôi thích thú và không ngừng trầm trồ.

▸ Bản Cát Cát - ngôi làng cổ đẹp nhất Tây Bắc là điểm đến đầu tiên tôi ghé trong chuyến đi lần này.

Cát Cát tọa lạc ngay dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào người dân tộc H’Mông. Nơi đây cách thị xã Sa pPa chừng 3 km theo hướng về phía đỉnh Fansipan.

Đi men theo từng bậc thang xuống bản, tôi không khỏi trầm trồ trước nền văn hóa độc đáo, kiến trúc đặc trưng của bản làng giao hòa nhịp nhàng với thiên nhiên thơ mộng, với tiếng nước đổ rì rào từ ngọn thác Cát Cát.

Sự mộc mạc, đơn sơ trong mỗi nếp nhà ở Cát Cát, tấm thổ cẩm, nụ cười của con người chân chất tạo nên cảm giác bình yên, thân thuộc.

▸ Thưởng thức ẩm thực địa phương cũng là trải nghiệm đáng thử khi đến Sa Pa. Các món ăn ở đây thường sử dụng nguyên liệu tự nhiên, từ rau củ quả trồng trên núi, đến thịt cá từ đồng bào dân tộc nuôi và săn bắt. Gia vị chủ yếu là các loại thảo mộc, hạt dổi, mắc khén, tạo nên vị thơm cay, nồng đặc trưng.

Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi ngồi quây quần bên mâm cơm ấm nóng ở Bản Mây. Những món ăn "đúng điệu" của Tây Bắc được lần lượt bày ra như xôi ngũ sắc, khâu nhục, rau tai mèo, thịt lợn chua,... khỏa lấp chiếc dạ dày đang réo.

▸ Hoạt động đốt lửa trại kết hợp với nhảy sạp là một trải nghiệm văn hóa đặc sắc không thể thiếu tại nhiều bản làng ở Sa Pa. Tại đây, tôi có dịp được hòa mình vào không khí sôi động, náo nhiệt ấy, xem các điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Khoảnh khắc ánh lửa cháy bập bùng, cùng người dân vui vẻ nhảy múa xung quanh tôi tạm thời quên đi những muộn phiền của cuộc sống, cảm nhận trọn vẻ vẹn sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

▸ Cuối cùng, qua nhiều trải nghiệm, tham quan ở Sa Pa, điều tôi cảm thấy chân quý nhất chính là con người nơi đây rất thân thiện, mạnh mẽ vượt qua khó khăn. Cảm phục trước tình đoàn kết, nỗ lực vươn mình khắc phục hậu quả bão của người dân, chính quyền và nhiều doanh nghiệp tại Sa Pa.

Hiện tại, gần 2 tháng sau ảnh hưởng bởi bão số 3, Sa Pa đã hoàn toàn đảm bảo các điều kiện giao thông và cơ sở vật chất lưu trú để đón du khách trở lại.

Phát biểu tại lễ chào mừng đoàn Fan Trip "Chạm Sa Pa - Chạm những tầng mây", ông Tô Bá Hiếu - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai, cho biết sự kiện “Chạm Sa Pa - chạm những tầng mây” là dịp để Sa Pa đưa du khách khám phá vẻ đẹp khác lạ, mới mẻ thông qua những điểm đến thân quen như Cát Cát, Bản Mây, Fansipan,... trong "chiếc tấm mới".

Chương trình được Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phát động từ ngày 2/11 đến hết 30/12, đến nay đã nhận được sự chung tay ủng hộ của hàng trăm doanh nghiệp, với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn chưa từng có. Ngoài Sun World Fansipan Legend, nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác tại Sa Pa như Vườn đá Tả Phìn, Vườn Hồng Mộng Mơ cũng miễn phí toàn bộ vé tham quan cho du khách; Khu du lịch Cát Cát áp dụng miễn phí trải nghiệm ẩm thực Tây Bắc.

Theo ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, bên cạnh lễ hội hoa sen đá, sắp tới Sa Pa có thêm các chương trình, sản phẩm du lịch hấp dẫn khác như Lễ hội hoa Anh đào diễn ra tại đồi chè Ô Long (Ô Quy Hồ); Lễ hội tại Bản Mây, Ga đi cáp treo Fansipan; Giải Marathon vượt núi Quốc tế (từ ngày 28/11-1/12/2024); Các hoạt động du lịch thể thao chào mừng kỷ niệm 74 năm thành lập Đảng bộ Sa Pa; Đặc biệt, đêm nghệ thuật Giao thừa 2025 sẽ mang đến không khí Tết sôi động với sự kiện Countdown được chuẩn bị chu đáo và hoành tráng, hứa hẹn một năm mới hứng khởi đến với thị xã Sa Pa.

Với tôi, "xứ sở sương mù" kỳ ảo này vẫn còn nhiều điểm lý thú để khám phá và trải nghiệm. Nơi đây sẽ luôn là địa điểm tôi yêu thích và luôn muốn quay trở lại.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Tôi đến 'thành phố ma' ở Trung Quốc

Thành phố Urho nằm ở khu mỏ Wuerhe, hạ lưu sông Gia Mộc, thuộc khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc). Địa danh này được ví như "thành phố ma quỷ" bởi địa hình phức tạp và tiếng gió rít vào mùa gió bão.

Tôi ngắm mưa sao băng trên ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam

Sau những cơn mưa mùa hạ, mũi Kê Gà phủ cỏ xanh mướt, tôi chọn cắm trại, ngắm mưa sao băng Perseids cực đại và dải Ngân Hà đẹp siêu thực tại đây

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm