Đó là điều mà bà Nguyễn Thu Trang, hiện là người điều phối và dẫn dắt trong các khoá học về Giao tiếp Phi bạo lực, chia sẻ với Zing về vấn đề đảm bảo bí mật riêng tư của trẻ em.
Với bà Trang, sự riêng tư của một người không phải là không cho ai biết, mà là điều được lựa chọn để chia sẻ với ai, khi nào. Tiếc rằng, trong mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, thường con cái lại không có lựa chọn này.
Vì vậy, bà Trang chọn Giao tiếp Phi bạo lực là cách tiếp cận để giúp cha mẹ và con cái. Mục đích là đặt ra ranh giới về sự riêng tư của mỗi người, giúp cho mối quan hệ giữa hai bên cân bằng hơn.
Chuyên gia Nguyễn Thu Trang, hiện là người điều phối và dẫn dắt trong các khoá học về Giao tiếp Phi bạo lực. |
Sự giằng co riêng tư
Bà Trang cho biết khi nhìn chủ đề quyền trẻ em dưới góc nhìn của Giao tiếp Phi bạo lực, bên dưới các quyền trẻ em cơ bản là các nhu cầu phổ quát của con người. Những ranh giới được thiết lập nhằm đáp ứng nhu cầu phổ quát vì nó quan trọng với việc phát triển con người, phát triển cá nhân.
Sự riêng tư liên quan rất nhiều đến cái tôi, bản dạng và những nhu cầu về an toàn, tự do, thể hiện bản thân.
Trong cuốn sách Sự im lặng nho nhỏ - Những lời nói dối nho nhỏ: Khu vườn bí mật của trẻ em, nhà tâm lý học Dana Castro cho biết sau 4 tuổi, trẻ đã hình thành bí mật trong thế giới riêng của mình. Bí mật này giúp chúng phát triển cái tôi, nhận biết ranh giới, phân biệt đâu là thứ của mình, đâu là của cha mẹ.
“Có phụ huynh đã chia sẻ với tôi rằng chị ấy thường kể bí mật của mình cho con và mong con làm điều tương tự. Tuy nhiên, việc chị ấy lựa chọn chia sẻ bí mật riêng tư cho con không có nghĩa con cũng phải làm vậy. Đây là ví dụ thú vị cho thấy ranh giới đang nằm ở đâu".
Bà Trang kể thêm: "Với bậc phụ huynh, trong nhiều chuyện có thể không đặt ra ranh giới với con, nhưng với con cái thì khác hẳn. Đặt ranh giới là điều khó có thể sử dụng một khung tiêu chuẩn nhất định tùy trường hợp để xét".
Bậc phụ huynh trong nhiều chuyện có thể không đặt ra ranh giới với con, nhưng với con cái thì ngược lại. Ảnh: 30seconds. |
Vốn dĩ, sự riêng tư thuộc về cảm giác, mỗi đứa trẻ sẽ có cảm nhận khác nhau về điều này. Chính vì vậy, để đảm bảo được quyền riêng tư giữa cha mẹ con cái cần phải có rất nhiều thảo luận, chia sẻ giữa hai bên, cho đến lúc trẻ thấy đủ an toàn và cha mẹ thấy đủ thoải mái.
Ranh giới đảm bảo riêng tư có thể thay đổi, không có gì cố định. Tức là hôm nay có thể trẻ kể cho cha mẹ điều này không có nghĩa là ngày mai trẻ sẽ phải kể việc đó.
Trên thực tế, đa số phụ huynh đi qua ranh giới riêng tư của con vì muốn bảo vệ và yên tâm về con. Mong muốn kiểm soát này chỉ là từ phía của cha mẹ mà có thể quên đi khả năng con cái mới là người biết điều gì là điều tốt nhất cho mình.
Khi con cái giữ bí mật, tức là chúng có xu hướng muốn bảo vệ bản thân. Nhìn chung, mục đích của hai phía là tốt, nhưng đôi khi hành động lại mâu thuẫn lẫn nhau.
Khi ranh giới bị phá vỡ
Chia sẻ với Zing, Nguyễn Nam (24 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Tôi từng thấy sợ khi cha mẹ muốn biết mình chơi với bạn bè như nào và thấy có dấu hiệu bị kiểm soát khi còn học lớp 8, 9. Ngoài ra, việc ăn mặc, để tóc cũng bị bố mẹ can thiệp chứ không được tự quyết. Tôi không dám nói về việc mình thích gì, muốn làm gì vì sợ bị mắng dù chưa từng thử làm điều này”.
Nam kể thêm khoảng thời gian đó, cậu rất áp lực, không có nhiều bạn bè để chia sẻ và không thoải mái khi ở nhà. Cậu cảm thấy không gian bó hẹp bản thân lại, vừa thương cha mẹ mà vừa sợ hãi nếu họ biết quá nhiều về mình.
Có điều bí mật Nam chỉ muốn giữ riêng bởi chia sẻ ra không hề giúp cho mối quan hệ giữa cậu và cha mẹ tốt lên. Mãi về sau, gia đình Nam mới chấp nhận điều này, nhưng lúc đó cậu đã trải qua vài lần khủng hoảng.
Con cái luôn muốn có một thế giới riêng và không phải lúc nào cũng muốn cha mẹ chạm vào thế giới ấy. Ảnh: CDN Lawyer Monthly. |
Những năm dậy thì, Nam cảm thấy kinh khủng và mong muốn tìm đến bạn bè để tâm sự. Cậu đã sử dụng mạng xã hội để trò chuyện với bạn bè từ xa, chưa từng gặp.
Mỗi lần mâu thuẫn với cha mẹ, cậu thấy buồn và trò chuyện online. Cậu chia sẻ với chị gái về việc thoải mái nói chuyện cùng người lạ. Sau đó, chị gái lo lắng nói lại với cha mẹ và cậu bị cấm sử dụng Internet. Lúc này, Nam vừa thấy có lỗi vì không nói chuyện được với cha mẹ, vừa thấy phụ huynh không hiểu mình.
Cha mẹ và chị Nam đã muốn vượt qua ranh giới để hiểu về thế giới của cậu. Về phía Nam, cậu chỉ muốn họ đứng ở ngoài vì muốn giữ cho cả hai có mối quan hệ tốt hơn.
Nam chia sẻ: “Nhiều bạn mình lựa chọn cách giữ sự riêng tư với cha mẹ, đặc biệt là chuyện về tình yêu, về bạn bè và các mối quan hệ. Cha mẹ biết những chuyện đó cũng tốt, mà không biết cũng không sao. Mối quan hệ của chúng mình, tự chúng mình hiểu cần làm gì để nó ổn hơn.
Nếu cha mẹ biết mà không can thiệp thì tốt hơn, còn nếu cha mẹ can thiệp, khuyên nhủ hoặc lo lắng thì chúng mình cảm thấy rất áp lực. Ranh giới bị phá vỡ bởi cha mẹ sẽ thường làm chúng mình lo sợ hơn là thấy an toàn”.
Nam cho rằng nhu cầu giữ bí mật là nhu cầu cần thiết. Nếu đủ thoải mái, cậu sẽ chủ động trò chuyện và để cha mẹ bước vào, còn lúc đó, cậu biết mình cần giữ khoảng cách an toàn.
Làm thế nào để không vượt qua ranh giới?
Bà Trang cho biết: “Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, đứa trẻ ít khi được dạy về từ chối bởi sự chênh lệch quan hệ quyền lực rất tự nhiên. Cụ thể là con cái phải phụ thuộc vào cha mẹ. Khi cha mẹ ở vị trí quyền lực cao hơn, cha mẹ có lựa chọn nhiều hơn.
Bởi vậy, thường cha mẹ đưa ra yêu cầu gì, các bạn sẽ làm theo. Khi một đứa trẻ nhận ra rằng mình có thể từ chối, khi ấy mọi chuyện sẽ khác. Vì vậy, 'không' là từ mà cha mẹ sợ nghe từ con”.
Có rất nhiều cách cha mẹ bước vào thế giới của con, nhưng cha mẹ chọn cách yêu cầu con phải nói ra bí mật của mình. Điều này không thể khiến cho khoảng cách giữa hai bên gần hơn.
Việc chia sẻ bí mật riêng tư là lựa chọn, không phải điều bắt buộc. Ảnh: ODP Hub. |
Bà Trang cho hay để đặt ranh giới, không xâm phạm vào sự riêng tư của con cái, cha mẹ cần chấp nhận con mình có thể nói “không”. Việc chia sẻ bí mật riêng tư là lựa chọn, không phải điều bắt buộc. Tôn trọng một góc riêng của con và cùng thảo luận về ranh giới là điều mà cha mẹ có thể cân nhắc để làm.
Nhiều người chia sẻ khi con mình tốt theo chuẩn của mình, mình được ghi nhận, được cho là người mẹ, người cha tốt. Tuy nhiên, chúng ta không thể đặt gánh nặng lên vai con chỉ vì mong muốn của bản thân, như vậy sẽ khiến trẻ sống áp lực hơn.
“Tôi nghĩ rằng, khi cả hai cùng có thể nói rõ về nhu cầu của nhau, khi đó cả hai bên mới có thể cảm thấy đủ an toàn để mở lòng và bước vào thế giới riêng của bên còn lại”, bà Trang nói.