Zing trích dịch bài đăng trên Think China, đề cập đến xu hướng sống độc thân của phụ nữ có học thức cao, công việc ổn định ở Trung Quốc.
Năm ngoái, Zheng Hong (33 tuổi) - kế toán tại một công ty phần mềm - mua nhà riêng ở Thâm Quyến với quyết tâm sống độc thân. Trả lời Think China, cô cho rằng hôn nhân chỉ là "hợp đồng kinh tế".
"Nếu tôi có thể sống tốt một mình thì sao phải lấy chồng?", cô tự hỏi.
Nhiều năm về trước, Zheng từng gặp gỡ nhiều người nhằm tìm kiếm đối tượng kết hôn phù hợp. Nhưng sau khi chứng kiến bạn bè đổ vỡ trong hôn nhân, cô không muốn lấy chồng nữa.
Zheng Hong cho rằng hôn nhân giống như "hợp đồng kinh tế". |
"Tôi gặp quá nhiều trường hợp đàn ông phản bội vợ con. Ngược lại, phụ nữ phải chịu quá nhiều áp lực ngoài chuyện gia đình, con cái. Tôi tan làm lúc 22h, chẳng có thời gian tìm hiểu, yêu đương ai nữa", Zheng chia sẻ.
Tại Trung Quốc, số lượng nữ giới có chung quan điểm với Zheng Hong ngày càng gia tăng. Đa số là phụ nữ ngoài 30 tuổi, học vấn cao, công việc ổn định. Họ chọn không lập gia đình vì tự tin có thể sống độc lập, đồng thời nhận ra nhiều nhược điểm từ cuộc sống hôn nhân.
Buộc phải từ bỏ sở thích cá nhân
"Có lẽ tôi phải từ bỏ nhiều thứ nếu lấy chồng", Zhou Yilian (33 tuổi) đến từ Phúc Kiến lo ngại hôn nhân sẽ lấy đi tự do của mình.
Không chỉ là một công chức bình thường, Zhou Yilian còn là một nghệ sĩ đàn tranh, thợ may kiêm cosplayer nổi tiếng trên mạng xã hội. 11 năm trước, cô say mê một chương trình truyền hình và bắt đầu tự học may vá, vẽ tranh, chơi đàn để hóa thân thành nhân vật mình thích.
Zhou Yilian, nữ cosplayer tại Trung Quốc, không muốn từ bỏ sở thích cá nhân để lập gia đình. |
Chia sẻ với Think China, Zhou cho biết bạn bè xung quanh đã sớm lập gia đình, hiếm khi liên lạc vì không còn chung sở thích. Cô dành nhiều thời gian trò chuyện với bạn bè trên mạng và giao lưu với cộng đồng cosplayer.
Thế nhưng, những người bạn mới cũng sớm kết hôn, sinh con và từ bỏ sở thích cá nhân. Điều đó khiến Zhou dần mất niềm tin vào hôn nhân.
"Phụ nữ thường hy sinh tất cả vì gia đình. Những người đã lấy chồng quanh tôi đều cảm thấy tiếc nuối vì đánh mất tự do. Nếu phải từ bỏ mọi thứ để kết hôn, tôi sẽ còn lại gì?".
Người trẻ sợ kết hôn
Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ, tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc có xu hướng giảm trong 6 năm trở lại đây, từ 9,9% năm 2013 xuống 6,6% năm 2019. Các khu vực có kinh tế phát triển như Thượng Hải, Chiết Giang... có tỷ lệ giảm sâu hơn, phản ánh tâm lý "sợ kết hôn" của người trẻ hiện đại.
Thực tế, phụ nữ ngày nay gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc do vấp phải định kiến giới tại nơi làm việc. Do đó, không ít người chấp nhận gác lại chuyện đại sự để phát triển sự nghiệp.
Đáng nói, tỷ lệ ly hôn tại xứ tỷ dân cũng tăng từ 2% năm 2010 lên 3,4% năm 2019. Jean Yeung, giáo sư tại ĐH Quốc gia Singapore, nhận định đa số yêu cầu ly dị đến từ nữ giới.
"Quan niệm xã hội về vai trò phụ nữ trong gia đình không còn phù hợp nữa. Dù vậy, nhà chồng vẫn kỳ vọng con dâu phải lo toan nội trợ, đặt nhiều gánh nặng lên vai phái yếu".
Tan Gangqiang, người đứng đầu một trung tâm tư vấn tâm lý ở Trùng Khánh, nhấn mạnh ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa tới xu hướng chuyển dịch dân số. Giờ đây, giới trẻ Trung Quốc không còn muốn chôn chân cả đời ở một nơi nữa.
Người trẻ Trung Quốc ngày càng sợ kết hôn. |
Zheng Hong, người vừa mua nhà riêng ở Thâm Quyến, dự định chuyển tới nơi khác trong 1-2 năm tới để thay đổi môi trường. Cô chưa có kế hoạch nghỉ hưu, song khẳng định kết hôn và sinh con "không phải biện pháp đảm bảo cho cuộc sống về già".
"Bạn đời có thể giúp đỡ trong cuộc sống, song chưa chắc người đó sẽ tiếp tục đồng hành, chăm sóc khi ta già yếu. Đặt hy vọng vào con cái càng nực cười hơn. Thay vì lo lắng về tương lai bất định, tôi thích sống cho hiện tại hơn", Zheng bày tỏ.
Mùa dịch năm ngoái, Zheng trở về quê nhà ở Hạ Môn trong 2 tháng. Suốt thời gian này, cha mẹ liên tục giục giã lấy chồng, thậm chí còn kéo cô tới công viên mai mối để tìm kiếm đối tượng.
Sau khi đề cập tới việc sống độc thân, Zheng vấp phải sự phản đối từ gia đình. Một lần, khi cô đang cân nhắc xem ai là người thụ hưởng bảo hiểm của mình thì người mẹ liền mắng: "Người khác có chồng con để ghi tên, con không có cả hai thì sao điền được?".
Dù không muốn kết hôn hay sinh con, Zheng hiểu rằng gia đình sẽ không ngừng thúc giục chừng nào cô chưa đổi ý. "Nếu một ngày nào đó tôi kết hôn, đó chắc chắn là vì áp lực gia đình quá lớn".
Phụ nữ càng độc lập, càng khó lấy chồng
Li Miao đến từ Thượng Hải từng 2 lần từ chối kết hôn vì "cảm giác không đúng". Trong số 2 người bạn trai từng ngỏ lời cầu hôn, một người chỉ thích cô ở nhà nội trợ, người kia lại có tính trăng hoa.
Không an tâm khi nắm tay bạn trai bước vào lễ đường, Li quyết định trì hoãn kết hôn. "Tôi muốn có một tình yêu dài lâu, dành 100% lòng tin vào đối phương. Nhiều người nói tôi 'kén cá chọn canh', song tôi không muốn phí thời gian cho một người tệ bạc. Cuộc sống đủ áp lực rồi".
Hiện tại, Li Miao là Giám đốc Sản phẩm tại một tập đoàn đa quốc gia. Cô không lo lắng khi phải sống một mình và đã có kế hoạch nghỉ hưu cùng bạn bè. "Nếu không tìm được người phù hợp, tôi cũng không ngại sống độc thân".
Phụ nữ có học vấn cao, công việc ổn định gặp nhiều khó khăn khi chọn bạn đời. |
Năm 2019, số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy Trung Quốc có khoảng 685 triệu nữ giới, ít hơn nam giới khoảng 30 triệu người. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ sinh viên nữ bậc đại học lại cao hơn nam sinh.
Giáo sư Yeung cho biết phụ nữ ngày càng độc lập, học vấn cao thì việc chọn chồng lại càng khó khăn hơn. Li Miao đồng tình với quan điểm này.
"Tuổi tác không phải vấn đề với đàn ông. Ngoài 30, họ vẫn có thể kiếm được bạn gái xinh đẹp, trẻ trung. Còn với phụ nữ, chúng ta bị coi là 'hết đát' khi bước qua tuổi 25. Đáng nói, nếu lấy phải một chàng trai kém cỏi hơn về điều kiện, nữ giới sẽ bị xã hội đánh giá", Li nói.