Chi phí di chuyển, lưu trú cao là vấn đề khiến nhiều người lo ngại khi quyết định đi du lịch muộn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Cách dịp 30/4-1/5 nửa tháng, công ty của Hoàng Anh (26 tuổi, quận 8, TP.HCM) mới chính thức công bố lịch nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Trước đó, bạn bè của Hoàng Anh phải chờ thông tin từ phía cô để “chốt” địa điểm du lịch.
“Nếu tôi chỉ được nghỉ 2 ngày, cả nhóm định chọn điểm đến trong nước như Đà Nẵng hoặc Huế. Nếu kỳ nghỉ lên đến 5 ngày, chúng tôi tính đi Thái Lan”, nữ nhân viên văn phòng 26 tuổi nói.
Tuy nhiên, kế hoạch du lịch của hội bạn không suôn sẻ vì tốn kém khi đặt vé máy bay, phòng khách sạn sát ngày. Gần dịp nghỉ lễ, giá vé máy bay khứ hồi chặng TP.HCM - Bangkok chạm mốc 10 triệu đồng chưa kể thuế phí, cao gấp 3 ngày thường.
Hơn nữa, vì book phòng khách sạn gần ngày đi, nhóm bạn của Hoàng Anh cũng không tìm thấy phòng trống trong khu vực trung tâm Bangkok. Nếu quyết thực hiện chuyến du lịch, cô và bạn bè phải chấp nhận lưu trú xa địa điểm ăn chơi với mức giá không khác ở trung tâm.
Nhân sự loay hoay sắp xếp lịch trình, buộc phải lên kế hoạch du lịch sát ngày vì doanh nghiệp thông báo lịch nghỉ lễ muộn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Ngày 12/4, Thủ tướng Chính phủ chính thức thông qua lịch nghỉ lễ 5 ngày trong dịp 30/4-1/5. Sau thông báo này, nhiều doanh nghiệp mới công bố thời gian nghỉ lễ chính thức đến người lao động.
Hoàng Anh là một trong nhiều nhân sự chung cảnh tốn kém vì đặt vé máy bay, book phòng khách sạn, tour du lịch muộn. Khi chi phí đi chơi đội lên cao, một số “bấm bụng” rút ví, nhiều người lại ngậm ngùi huỷ chuyến du lịch.
Tốn kém
Dù nhân viên liên tục hỏi han để sắp xếp lịch trình cá nhân, lãnh đạo công ty Mỹ Linh (24 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) chỉ chính thức công bố lịch nghỉ lễ sau khi Nhà nước ra quyết định.
Trước khi Mỹ Linh nhận thông báo từ phía doanh nghiệp, gia đình cô đã lên kế hoạch thực hiện chuyến du lịch đến Nha Trang (Khánh Hoà) trong dịp 30/4-1/5 này.
Nếu được nghỉ 2 ngày, Linh sẽ tận hưởng khoảng thời gian này tại TP.HCM, tranh thủ gặp gỡ bạn bè. Nếu kỳ nghỉ kéo dài đến 5 ngày, cô dự định tham gia chuyến nghỉ dưỡng cùng gia đình.
Để đảm bảo các thành viên trong gia đình không phải chờ đợi, Mỹ Linh khuyên bố mẹ và chị gái đặt vé máy bay, phòng khách sạn trước. Khi nhận lịch nghỉ 5 ngày từ phía công ty, cô mới truy cập website các hãng hàng không để đặt chuyến.
Đặt vé muộn hơn gia đình 2 tuần, Mỹ Linh giật mình khi giá vé của cô cao gấp đôi các thành viên khác. Bố mẹ và chị gái cô chỉ tốn 3 triệu đồng/người cho vé khứ hồi chặng TP.HCM đến Nha Trang.
Mỹ Linh đặt vé với mức giá cao gấp đôi các thành viên khác trong gia đình. |
Theo nữ nhân viên văn phòng, đây là giá vé rẻ nhất, được áp dụng cho chuyến giờ xấu. Không thể lên máy bay vào khung giờ đẹp cùng gia đình, Mỹ Linh còn phải trả riêng chi phí di chuyển từ sân bay về khách sạn, không có cơ hội chia tiền xe cùng các thành viên khác.
“Tôi tốn kém đủ đường vì đặt vé muộn nửa tháng. Tuy nhiên, tôi vẫn may mắn khi không phải tìm kiếm chỗ ở sát ngày, chỉ cần bỏ thêm một khoản phụ phí để chung phòng với chị gái”, Linh nói với Tri thức - ZNews.
Dù nhận được lịch nghỉ lễ 5 ngày từ đầu tháng 4, chuyên viên tổ chức sự kiện Hoàng Trần (27 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn chưa thể “chốt” chuyến du lịch Măng Đen (Kon Tum) cùng 2 người bạn thân.
Lịch nghỉ của công ty áp dụng với toàn bộ nhân sự. Song, sự kiện gấp do Hoàng phụ trách vẫn chưa có ngày tổ chức chính thức, có khả năng diễn ra vào đúng dịp 30/4-1/5.
Trong khi bạn bè của Hoàng đã hoàn tất việc đặt vé máy bay, địa điểm lưu trú từ đầu tháng 4, anh vẫn thấp thỏm nhìn giá vé tăng khi truy cập ứng dụng du lịch mỗi ngày.
“Tôi đặc biệt háo hức với chuyến đi này, mong khách hàng quyết định thời điểm tổ chức sớm. Vé máy bay không chỉ tăng giá mà còn có khả năng bán hết”, Hoàng Trần chia sẻ.
Đi hay ở?
Dù phải chịu chi phí di chuyển cao gấp đôi bố mẹ và chị gái, Mỹ Linh vẫn quyết tâm nhấn nút đặt vé đi Nha Trang, chứng kiến tài khoản ngân hàng bị trừ đi hơn 6 triệu đồng.
“Chị gái tôi sinh sống và làm việc tại Australia, hiếm khi về thăm quê. Đây là cơ hội có 1-0-2 để gia đình tôi đoàn tụ, đi du lịch cùng nhau”, Mỹ Linh giải thích.
Nhằm tiết kiệm chi phí đi lại, Linh nhờ bạn chở ra sân bay Tân Sơn Nhất để đỡ tốn tiền taxi, bớt được đồng nào hay đồng đấy.
Cô cũng giảm thiểu tư trang mang lên máy bay, tránh phải trả thêm phí hành lý. Mỹ Linh dự định nhờ chị gái mang theo một số đồ đạc trước nhằm đảm bảo vali nhẹ nhất có thể.
Một số người quyết định "bấm bụng" chi trả mức giá cao cho vé máy bay vì đặt gấp. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Khác với Mỹ Linh, Hoàng Anh và hội bạn quyết định huỷ chuyến đi Thái Lan vì khoản chi dành cho di chuyển và lưu trú đội lên quá cao. Cô vốn chỉ định dành ra hơn 10 triệu đồng cho chuyến du lịch. Tuy nhiên, số tiền này bây giờ chỉ đủ mua vé máy bay khứ hồi.
“Tôi cảm thấy áy náy khi cả nhóm phải huỷ kế hoạch đi chơi vì mình nhận lịch nghỉ muộn, nhưng không còn cách nào khác”, Hoàng Anh giãi bày.
Vẫn mong muốn tạo ra những kỷ niệm đẹp với bạn bè trong dịp nghỉ lễ, Hoàng Anh gợi ý hội bạn chuyển điểm đến thành Đà Lạt (Lâm Đồng).
Khi cả nhóm đồng ý, cô chủ động liên hệ một người quen kinh doanh homestay ở thành phố này để đặt phòng, đảm bảo các bạn có chỗ ở lý tưởng. Nhằm chuộc lỗi, Hoàng Anh cũng đứng ra đặt vé xe giường nằm từ TP.HCM đi Đà Lạt cho bạn bè.
“Lý do chúng tôi chọn địa điểm này là khoảng cách gần, không cần di chuyển bằng máy bay. Hiện giờ, giá vé quốc nội và quốc tế đều tăng đột biến, khiến việc lên kế hoạch đi chơi xa với ngân sách phải chăng trở thành nhiệm vụ bất khả thi”, Hoàng Anh chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.