Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng Thanh tra: Tài sản do phạm tội mà có thường sử dụng vung vãi

Ông Lê Minh Khái cho rằng thông thường tài sản do phạm tội mà có thường sử dụng vung vãi, tiêu xài thoải mái. Vì vậy cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát để ngăn chặn.

Sáng 22/5, Quốc hội cho ý kiến, thảo luận ở tổ về báo cáo kinh tế - xã hội. Phát biểu tại tổ của mình, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng thời gian gần đây việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật của một số bộ, ngành chưa được chu đáo. Do đó, chương trình xây dựng pháp luật phải điều chỉnh nhiều.

Ông cho hay kỳ họp này, Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm tham gia trình 2 dự luật là Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Về Luật Tố cáo, nội dung rất lớn Quốc hội đang thảo luận thống nhất là hình thức tố cáo thông qua điện tử, fax, điện thoại. Nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng gần đây, phương án đã chốt lại như luật cũ (tố cáo trực tiếp và bằng đơn).

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, ông Khái cho rằng vấn đề cần quan tâm nhất là thu hồi tài sản tham nhũng và muốn thu hồi được phải phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý, tránh bị tẩu tán.

Tai san pham toi ma co tieu vung vai anh 1
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại tổ. Ảnh: Thắng Quang.

"Thông thường, những tài sản do phạm tội mà có thì người đó sẽ vung vãi, tiêu xài thoải mái. Những vụ mới có dấu hiệu đã phát hiện thì sẽ thu hồi được tài sản, không gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, về con người, về cán bộ. Thanh tra Chính phủ và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để làm sao phát hiện kịp thời và có giải pháp ngăn chặn để răn đe", ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Quy trách nhiệm xây dựng luật thiếu chất lượng

Cũng liên quan đến việc xây dựng pháp luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho ý kiến về những tồn tại trong công tác này. Theo bà, việc xây dựng pháp luật, chưa có quy định về trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót. Nhiều luật, trong thực tế khi đưa vào thực tế lại cần sửa đổi, bổ sung.

Chương trình xây dựng pháp luật của chúng ta "cứ đưa vô lại xin rút ra" mà không có đánh giá được trách nhiệm là thuộc về ai. Bà đề nghị Quốc hội phải nghiêm minh về vấn đề này. Khi Quốc hội đã ra Nghị quyết, Thường vụ Quốc hội trong điều hành của mình phải có sự theo dõi, đánh giá quá trình chuẩn bị của Chính phủ như thế nào để đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết xây dựng pháp luật.

Tai san pham toi ma co tieu vung vai anh 2
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM thảo luận tại tổ. Ảnh: Thắng Quang.

Đại biểu TP.HCM đánh giá Quốc hội hoàn toàn bị động trong quá trình xây dựng pháp luật. "Chúng ta đề ra nghị quyết, nếu Chính phủ không trình được, hoặc trình không đảm bảo chất lượng thì chúng ta cho rút ra. Như vậy, chúng ta không có một đội ngũ làm luật chuyên trách cho đảm bảo", bà nói.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng một số luật có "tuổi thọ thấp", cần sửa đổi như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Cán bộ công chức, Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách…

"Các Luật này có nhiều bất hợp lý khi áp dụng qua thực tiễn đã bộc lộ hạn chế ngay cần phải điều chỉnh, nhưng mình rất chậm để điều chỉnh vấn đề này. Quốc hội phải quan tâm thấu đáo hơn đối với công tác xây dựng pháp luật", Phó bí thư Thành ủy TP.HCM nêu.

Bộ trưởng Tài nguyên nói về việc cấp dưới gom đất nông trường

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết việc Thứ trưởng Trần Quý Kiên mua đất nông lâm trường là do "anh em ở quê có khó khăn", đưa ra Hà Nội để làm nông nghiệp.


Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm