Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương ngày 22/2. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc tiếp ông Tần Cương ngày 22/2, ông Widodo nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa hai nước, bao gồm việc hoàn thành dự án đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung, xây dựng khu công nghiệp xanh ở Kalimantan và xây dựng thủ đô mới Nusantara, Nikkei đưa tin.
Indonesia, chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm Đông Nam Á của ông Tần Cương kể từ khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Trung Quốc vào tháng 12/2022.
"Hai bên sẽ tiếp tục nâng cao mức độ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư", ông Tần Cương nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc cam kết các công ty nước này sẽ mở rộng đầu tư vào Indonesia trong các lĩnh vực hạ tầng xanh và kinh tế số. Ông Tần Cương không nhắc đến các dự án cụ thể hay nhắc đến Nusantara - thủ đô mới được Indonesia dự kiến xây dựng trên đảo Borneo.
Tổng thống Widodo tiếp ông Tần Cương ngày 22/2. Ảnh: Reuters. |
Trong quý IV/2022, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Indonesia. Các dự án của Trung Quốc tại Indonesia bao gồm đường sắt cao tốc, dự kiến chạy thử vào cuối tháng 5.
Trong buổi họp báo, ông Tần Cương cũng cho biết các dự án trọng điểm trong sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ được xây dựng "đúng tiến độ".
Nói về bối cảnh bất ổn địa chính trị, ông Tần Cương khẳng định các quốc gia trong khu vực không nên bị ép phải chọn bên.
"Chúng tôi tin rằng Indonesia và ASEAN sẽ đưa ra những đánh giá độc lập và tự chủ, trên tinh thần là động lực cho sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực", ông nói.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, ông Tần Cương nói rằng việc thảo luận Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ được đẩy mạnh trong năm nay. Vòng đàm phán COC sẽ bắt đầu vào tháng 3.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.