Với những văn phòng sang trọng và hệ thống xe buýt điện hiện đại, Nusantara - thủ đô tương lai của Indonesia - được kỳ vọng trở thành một đô thị hào nhoáng giữa khu rừng nhiệt đới rộng lớn của nước này.
Ít nhất đó là hình ảnh trên các tài liệu quảng cáo.
Hơn 3 năm sau khi công bố kế hoạch dời đô, chính phủ Indonesia vẫn chưa ký kết hợp đồng có hiệu lực ràng buộc với bất kỳ đối tác nước ngoài nào - nhóm được kỳ vọng tài trợ 80% dự án, theo các nguồn thạo tin.
Giờ đây, Tổng thống Joko Widodo chỉ còn 18 tháng để hiện thực hóa giấc mơ trước khi hết nhiệm kỳ. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn cho tính khả thi của thành phố Nusantara.
Cơ hội làm nên lịch sử
Tổng thống Joko Widodo rõ ràng có những lý do chính đáng để xây dựng một thủ đô mới. Thứ nhất, dân số đông đang khiến thủ đô Jakarta trở nên quá tải, gây tắc nghẽn giao thông.
Bên cạnh đó, địa hình quá thấp khiến thành phố liên tục chịu những đợt lũ lụt nghiêm trọng và tình trạng này càng tồi tệ hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. BBC năm 2018 ước tính đến năm 2050, 95% khu vực Bắc Jakarta có thể bị nhấn chìm hoàn toàn.
Đối với Tổng thống Widodo, Nusantara cũng là cơ hội để làm nên lịch sử.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: Jakarta Post. |
Nusantara “không chỉ là biểu tượng cho bản sắc quốc gia mà còn đại diện cho sự phát triển của Indonesia”, ông Widodo nói vào tháng 8/2019, khi công bố địa điểm xây dựng thành phố mới. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8 với Bloomberg, vị tổng thống cũng khẳng định Nusantara có khả năng “tạo lợi nhuận tốt và nhiều nhà đầu tư sẽ gia nhập”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại có quan điểm trái ngược.
“Các nhà đầu tư nước ngoài rất thận trọng, vì dự án vẫn đang ở giai đoạn đầu”, Dedi Dinarto, nhà phân tích hàng đầu tại công ty tư vấn chiến lược kinh doanh Global Counsel, cho biết.
Nhiều năm trì hoãn do đại dịch Covid-19 đã khiến các nhà đầu tư tiềm năng ngần ngại cam kết với dự án. Trong khi đó, phần lớn hoạt động phát triển ban đầu tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, khiến “các nhà đầu tư cảm thấy bất an về cơ hội thu lợi nhuận”, ông Dinarto nói.
Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế cũng là một yếu tố cản bước các nhà đầu tư. Trên thực tế, việc thắt chặt chính sách tiền tệ và giá nguyên liệu tăng trên toàn cầu đã khiến họ e ngại, theo Nikkei Asia.
“Nhiều quốc gia đang đối mặt với suy thoái kinh tế vì sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Trong vài năm tới, ngay cả những quốc gia giàu nhất cũng muốn ưu tiên chương trình nghị sự trong nước của họ (thay vì đầu tư ra nước ngoài)”, ông David Sumual, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Á, cho biết.
Hội nghị G20 diễn ra vào tháng 11 vừa qua được xem là cơ hội tốt để chính phủ Indonesia quảng bá kế hoạch dời đô. Bloomberg nhận định với chiến lược ngoại giao thận trọng, Tổng thống Widodo đã thành công nâng cao hình ảnh Indonesia trên sân khấu thế giới, kéo theo nhiều khoản đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng sạch, song hội nghị không mang lại nhiều tiến triển cho dự án Nusantara.
Các nhà phê bình lo ngại thủ đô mới sẽ phải đối mặt với số phận tương tự hệ thống vận tải nhanh quy mô lớn - dự án chậm trễ gần 30 năm do vấn đề thu hồi đất và tài chính. Và trong khi chính phủ Indonesia dự định tự chi trả cho giai đoạn xây dựng đầu tiên, họ vẫn chịu áp lực chi tiêu cho các ưu tiên khác.
Khó khăn liên tiếp
“Thử thách thực sự là làm thế nào để huy động nguồn vốn và hiện thực hóa (các công trình ấn tượng)”, Melinda Martinus, nhà nghiên cứu các vấn đề văn hóa xã hội tại Viện ISEAS-YUSOF ISHAK, có trụ sở tại Singapore, cho biết.
“Đây là một dự án dài hạn. Chắc chắn chúng ta sẽ không sớm nhìn thấy những gì được mô tả trong các bản kế hoạch”, vị chuyên gia nói thêm.
Tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo - nơi sẽ xây dựng thủ đô mới Nusantara. Ảnh: Nikkei Asia. |
Trở lại tháng 1/2020, nhà sáng lập Tập đoàn Softbank Masayoshi Son là một trong số rất ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến đề xuất xây dựng thành phố thân thiện với môi trường, sử dụng trí tuệ nhân tạo của Indonesia. Sau đó, ông Son đã gia nhập ban chỉ đạo dự án Nusantara, cùng với Hoàng tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà đầu tư đã bỏ qua tất cả dự án khó thành, không chỉ riêng Nusantara.
Những thách thức của Nusantara đã trở nên nghiêm trọng hơn vào tháng 3 năm nay, khi Softbank tuyên bố sẽ không tài trợ cho dự án. Đến tháng 10, tập đoàn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị ở nước ngoài của Nhật Bản rút khỏi dự án, theo các nguồn thạo tin. Cả hai đơn vị này đều từ chối bình luận.
Sau khi các nhà đầu tư Nhật Bản rút lui, Tổng thống Joko Widodo đã tìm kiếm đối tác trên toàn cầu.
Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết họ sẽ đầu tư thông qua cam kết hiện có trị giá 10 tỷ USD từ Quỹ tài sản nhà nước, và không ký kết hợp đồng ràng buộc nào liên quan đến dự án Nusantara. Bộ Ngoại giao UAE không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Tương tự, khi ông Widodo thu hút khoản tài trợ 11,9 tỷ USD từ Nhật Bản và Hàn Quốc trong các chuyến thăm vào tháng 7, không có khoản tiền nào dành riêng cho thủ đô mới.
Một số ít công ty ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã ký ý định thư - văn bản bày tỏ ý định tham gia dự án, một nguồn thạo tin cho biết. Tuy nhiên, những tài liệu này không ràng buộc và các công ty vẫn có thể rút lui.
Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc là một trong những công ty này. Một số cơ quan chính phủ Hàn Quốc cũng đang đàm phán về việc xây dựng tòa nhà cho nhân viên chính phủ Indonesia. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ lập kế hoạch và gây quỹ cho Indonesia, nhưng không đầu tư trực tiếp.
Trong khi đó, Bloomberg nhận định mức giá 34 tỷ USD để xây dựng thành phố Nusantara vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn thành phố mới, chẳng hạn thành phố Neom (Saudi Arabia) dự kiến có giá 500 tỷ USD.
Dù không tính đến chi phí, việc di dời thủ đô không phải điều dễ dàng. Các thành phố mới như Brasilia hay Naypyidaw thường mất hàng thập kỷ để ổn định, vì người dân cần việc làm, trường học và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở mức tối thiểu. Đây thực sự là một thách thức, theo Bloomberg.
Những cuốn sách nên đọc về G20
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về nền tảng mà G20 ra đời và hoạt động.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.
G20 Indonesia
Tổ chức quy mô lớn Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 với quy mô và tầm vóc lớn, gồm nhiều hoạt động nổi bật.
Thủ tướng chia sẻ về năm tháng tuổi trẻ tại Romania
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân thăm chính thức Romania từ ngày 20-22/1. Nhân dịp này, Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn Tập đoàn truyền thông Clever Group, Romania.
Thủ tướng: Việt Nam kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tổng thống Indonesia kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới VN
Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Indonesia đã kết thúc tốt đẹp; qua đó, thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác Chiến lược VN-Indonesia đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Indonesia sớm đạt 15 tỷ USD
Tại buổi hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn.