Một cơ sở lọc dầu tại Saudi Arabia. Ảnh: Reuters. |
Một năm trước, vào tháng 6/2022, giá dầu Brent trung bình tháng ở mức cao 122,71 USD/thùng, một phần do căng thẳng địa chính trị sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Giá dầu Brent giảm sau đó, xuống mức trung bình 75,47 USD/thùng trong tháng trước, giảm khoảng 22% so với mức trung bình 97,13 USD/thùng vào tháng 2/2022.
Trong thập kỷ qua, thị trường dầu mỏ toàn cầu đã chứng kiến 2 lần giá lao dốc. Từ tháng 6/2014 đến tháng 1/2016, giá dầu Brent trung bình giảm hơn 70%, từ 112 USD/thùng xuống 31 USD/thùng.
Từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2020, giá dầu Brent trung bình cũng giảm hơn 70%, từ 71 USD/thùng xuống 18 USD/thùng, một phần do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu toàn cầu giảm.
Trong cả 2 lần, các nước sản xuất kỳ vọng việc cắt giảm sản lượng sẽ góp phần ngăn chặn đà giảm của giá dầu toàn cầu, do những khó khăn lớn về kinh tế khi xuất khẩu dầu là nguồn thu chính.
Saudi Arabia và các nước đối tác trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+, đã thông báo quyết định cắt giảm sản lượng mới nhất vào đầu tháng 6, hy vọng hành động tập thể này, cùng với việc triển vọng kinh tế cải thiện và tăng trưởng nhu cầu mạnh hơn, sẽ ổn định được giá dầu.
Nga cũng tham gia vào các nỗ lực trên và hồi tháng 4 đã thông báo sẽ tiếp tục tự nguyện cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng 5 cho rằng việc cắt giảm sản lượng là cần thiết để ổn định giá dầu trên thị trường thế giới.
Theo hạn ngạch mới mà OPEC+ đã nhất trí, sản lượng dầu thô của Saudi Arabia ở mức 10,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024, trong khi Nga sẽ sản xuất 9,8 triệu thùng/ngày.
Thị trường dầu mỏ đã có phản ứng tích cực ban đầu trước quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+. Giá dầu Brent tăng 6%, từ mức 72,6 USD/thùng vào cuối tháng 5 lên 76,95 USD/thùng vào ngày 6/6.
Tuy nhiên, trong tuần sau đó, giá dầu để mất hơn một nửa mức tăng trên. Vào ngày 12/6, giá dầu Brent ở mức thấp kỷ lục mới trong một năm là 71,84 USD/thùng.
Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn hồi tháng 6 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khi các nước OPEC+ nỗ lực cắt giảm sản lượng, Mỹ dự kiến đạt kỷ lục mới về sản lượng là 12,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023, tăng 6% so với mức 11,9 triệu thùng/ngày trong năm 2022.
EIA cũng nhận định giá dầu sẽ ổn định, với dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức 80 USD/thùng trong năm 2023 và 84 USD/thùng trong năm 2024.
Diễn biến giá dầu trong tương lai sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế trong tuần trước nhận định nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào năm 2028, với mức kỷ lục 102,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và đạt đỉnh 105,7 triệu thùng/ngày trong năm 2028, chủ yếu nhờ kinh tế Trung Quốc phục hồi.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất công bố đầu tháng này đã nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2023 lên 2,1%.
Mặc dù mức dự báo mới tăng so với con số 1,7% được đưa ra hồi tháng 1, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng 3,1% đạt được năm ngoái, khi thế giới đối mặt với lạm phát cao và những trở ngại khác.
Sách hay về bức tranh năng lượng thế giới
Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn hay về tình hình năng lượng thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Zing giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm: “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực”, “Tham nhũng dầu mỏ - Thế lực nhiễu loạn thế giới” và “Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân”.