Tháng 1/1912, giữa mùa đông lạnh lẽo, một khu chung cư mới được khánh thành tại Upper East Side, New York.
East River Homes được thiết kế để giúp các gia đình nghèo chống lại bệnh lao, một căn bệnh đáng sợ lây qua đường không khí, bằng cách biến đổi những căn hộ tối tăm, thiếu không khí. Các lối đi dẫn từ đường phố vào sân trong rộng rãi, nơi cầu thang ngoài trời dẫn lên từng căn hộ, theo New York Times.
Cửa sổ kính trong suốt mở ra ban công, nơi người bệnh có thể yên giấc ngủ với không khí trong lành. Ở bên ngoài, hiên có mái che và ghế tựa cho những bệnh nhân lao phổi nằm dưỡng bệnh.
“Người ta tin rằng loại nhà ở này không chỉ giúp điều trị các trường hợp bệnh lao mới nhiễm, mà còn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả mang lại lợi ích khổng lồ”, tiến sĩ Henry Shively, người điều hành một phòng khám bệnh lao, cho biết.
Tầm quan trọng của không khí
Bài học hàng đầu của đại dịch Covid-19 là không khí trong lành rất quan trọng. Các quan chức ban đầu miễn cưỡng thừa nhận virus lây lan qua không khí, nhưng điều này sớm trở nên rõ ràng. Khi đại dịch hoành hành, các chuyên gia bắt đầu kêu gọi các tòa nhà tăng cường hệ thống thông gió và người dân mở cửa sổ.
Đây không phải là ý tưởng mới lạ. Hơn một thế kỷ trước, khi các bệnh truyền nhiễm tàn phá châu Âu và Mỹ, những nhà cải cách y tế đã khẳng định giá trị của hệ thống thông gió. Sau đó, những ngôi nhà, bệnh viện và trường học thông thoáng mọc lên như nấm ở hai bờ Đại Tây Dương.
Nhưng trong thế kỷ qua, xã hội dần bỏ qua điều này. Những tiến bộ khoa học đã biến mầm bệnh thành những vấn đề có thể giải quyết ở cấp độ cá nhân, y sinh, bằng thuốc và vaccine, thay vì thông qua cơ sở hạ tầng và thay đổi xã hội.
Các tòa nhà trở nên đông đúc với hệ thống điều hòa. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã khuyến khích các kỹ sư thiết kế kiến trúc ngày càng chặt chẽ.
Bệnh nhân lao hồi phục ngoài trời dọc sông Thames ở London năm 1936. Ảnh: Fox Photos. |
New York Times cho biết vào thời điểm Covid-19 xuất hiện, người Mỹ đã dành cả ngày trong trường học, văn phòng và nhà với hệ thống không khí quá khép kín.
“Vì vậy, chúng ta phải đối mặt với một virus lây lan mạnh mẽ trong loại cơ sở hạ tầng không được thiết kế cho sức khỏe”, Joseph Allen, một chuyên gia về các tòa nhà lành mạnh tại Trường Y tế Công cộng TH Chan Harvard, cho biết.
Ba năm sau, nhiều người đã có cái nhìn mới về lợi ích sức khỏe của không khí sạch. Nhưng một số chuyên gia lo rằng bài học này không kéo dài.
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do Covid-19 đã chấm dứt. Sự chú ý của công chúng chuyển sang các mối đe dọa khác, chẳng hạn như khói cháy rừng. Điều này có thể khiến con người tiếp tục “niêm phong” các tòa nhà trở lại.
Các chuyên gia cho biết đây là sai lầm, đặc biệt trong thời đại những đại dịch sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và khủng hoảng chất lượng không khí gia tăng. Chuẩn bị cho tương lai đòi hỏi chúng ta phải tránh những sai lầm trong quá khứ.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang trên bờ vực một lần nữa quên đi tầm quan trọng của không khí trong lành”, Sara Jensen Carr, một kiến trúc sư tại Đại học Northeastern, cho biết.
Chìa khóa giải quyết mầm bệnh
Đầu thế kỷ XIX, những bệnh truyền nhiễm, như lao, tả, đậu mùa, sốt vàng da, thương hàn, là mối nguy hiểm luôn hiện hữu. Môi trường ô nhiễm và thiếu nước sạch đã thúc đẩy sự mở rộng của những đợt bùng phát dịch. Thông gió kém cũng là một nguyên nhân.
Trong các căn chung cư của New York, nhiều phòng thiếu cửa sổ hướng ra ngoài trời. Các tòa nhà được thiết kế kín đến nỗi đôi khi chỉ có một cửa sổ được mở.
“Không khí hôi hám, ẩm ướt, giống như những hầm mộ, không bao giờ thấy không khí trong lành hay ánh sáng Mặt Trời. Điều kiện này phù hợp với người chết hơn là người sống”, Hiệp hội Cải thiện Tình trạng người nghèo viết trong báo cáo năm 1853.
Lý thuyết mầm bệnh vào thời điểm đó vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Họ cho rằng bệnh tật bắt nguồn từ “không khí xấu”. Vì vậy, các nhà cải cách bắt đầu kêu gọi đại tu không gian đô thị, bao gồm cải thiện hệ thống thông gió.
“Nguồn cung cấp không khí trong lành với nhiệt độ thích hợp là điều kiện tiên quyết cho sức khỏe”, Hiệp hội Công dân New York viết trong một báo cáo xuất bản năm 1865.
Khu phố Elizabeth ở Manhattan năm 1912. Ảnh: Library of Congress. |
New York đã thực hiện một loạt các cải cách, bao gồm hạn chế các căn hộ ngầm, yêu cầu thiết kế cửa sổ và mở rộng không gian giữa các tòa nhà. Các thành phố và tiểu bang khác của Mỹ cũng phát triển quy tắc xây dựng và tiêu chuẩn thông gió mới.
Những cải cách tương tự được tiến hành trong các bệnh viện, một phần nhờ nỗ lực của y tá người Anh Florence Nightingale. Bà tin vào khả năng chữa bệnh của “không khí từ bên ngoài”, giúp phổ biến mô hình bệnh viện kiểu gian hàng.
“Toàn bộ tòa nhà được thiết kế nhằm thúc đẩy sự chuyển động của luồng không khí trong lành”, Annmarie Adams, một nhà sử học kiến trúc tại Đại học McGill, cho biết.
Không khí ngoài trời trở thành một phần của chế độ điều trị bệnh lao. Nó truyền cảm hứng cho việc thiết kế các nhà điều dưỡng và thúc đẩy phong trào hoạt động ngoài trời cho học sinh.
Xu hướng trái ngược
Trong những thập kỷ sau, nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng cải thiện thông gió, bao gồm tăng cường thông gió tự nhiên, có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm nhiều loại bệnh, bao gồm bệnh lao và cúm.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu đã đưa bệnh nhân mắc Covid-19 vào phòng bệnh có kiểm soát. Khi tăng hệ thống thông gió, lượng virus trong không khí đã giảm.
Nhưng những phát triển khác đã đẩy phương pháp chữa trị bằng không khí trong lành xuống phía sau. Các biện pháp như rửa tay và khử trùng hóa học đã trở thành chiến lược chính nhằm giảm sự lây lan của mầm bệnh, đặc biệt là trong môi trường đặc thù như phòng mổ.
“Một số bệnh viện sẽ có phòng không khí trong lành và cả phòng kín cho các bệnh nhân phẫu thuật”, Jeanne Kisacky, một nhà sử học kiến trúc, nói.
Hình vẽ một khu bệnh lao tại doanh trại Scutari ở Thổ Nhĩ Kỳ trong Chiến tranh Crimea. Ảnh: British Library. |
Những tiến bộ y tế tiếp theo lại càng làm giảm tầm quan trọng của không khí. Thuốc kháng sinh và vaccine có hiệu quả cao khi kiểm soát bệnh truyền nhiễm, khiến việc đơn giản như mở cửa sổ trở nên xa lạ.
“Trong trường học và trong bệnh viện, nơi làm việc và nhà ở, mong muốn về không khí trong lành đã được thay thế bằng các ưu tiên khác, đứng đầu là kiểm soát khí hậu”, tiến sĩ Carr cho biết.
Điều hòa không khí được phát minh năm 1902 và nhanh chóng phổ biến sau Thế chiến II. Công chúng cũng bắt đầu nhận ra không khí ngoài trời không phải lúc nào cũng trong lành. Đến giữa thế kỷ XX, ý kiến về không khí ngoài trời đã bị đảo ngược.
Sự chuyển đổi được phản ánh trong các tiêu chuẩn thông gió, nhấn mạnh vào chất lượng không khí bên trong và hạn chế tỷ lệ không khí ngoài trời. Các tiêu chuẩn xác định chất lượng không khí chấp nhận được là không khí có tỷ lệ chất gây ô nhiễm ở mức không thể gây hại cho con người. Nhưng bệnh truyền nhiễm không phải trọng tâm.
“Nó không nói gì về việc liệu chất lượng không khí này có bảo vệ con người khỏi nguy cơ lây nhiễm cúm mùa hoặc một dịch bệnh mới hay không”, William Bahnfleth, kỹ sư kiến trúc tại Đại học Pennsylvania, nhận định.
Các chuyên gia cho biết chúng ta có cơ hội tiến hành giải quyết vấn đề không khí với những công cụ và công nghệ hiện đại, vốn không có sẵn hồi thế kỷ XIX, nhưng tinh thần vẫn không đổi.
“Các tòa nhà của chúng ta nên được coi như một công cụ y tế công cộng”, tiến sĩ Allen khẳng định.
Năm cuốn sách về khí hậu nên đọc
Mục Thế giới giới thiệu với độc giả 5 cuốn sách mà các chuyên gia khí hậu của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cho rằng nên đọc về cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu.