Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu tăng có thể là cú hích cho điện tái tạo ở châu Á

Giá dầu tăng có thể tạo động lực cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở châu Á. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn đó.

Theo giới quan sát, các nước châu Á có thể phải tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng do những nước sản xuất dầu hàng đầu cắt giảm sản lượng. Ảnh: Shutterstock.

Quyết định cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày từ tháng 7 tới của Saudi Arabia dự kiến có tác động lớn đến châu Á - khu vực tiêu thụ nhiều dầu nhất của nước này.

Tuy nhiên, động thái trên cũng có thể là chất xúc tác cho tình hình phát triển năng lượng tái tạo trong khu vực, theo South China Morning Post.

Giá dầu tăng

Cam kết cắt giảm tự nguyện của Saudi Arabia là một phần trong thỏa thuận rộng hơn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm gia hạn cắt giảm sản lượng đến năm 2024 và thúc đẩy giá dầu.

Giá dầu thế giới đã tiếp tục tăng nhẹ 1% sau thông báo cắt giảm sâu sản lượng của Saudi Arabia và thông tin tồn trữ nhiên liệu của Mỹ ít hơn mong đợi, theo Bloomberg.

Cụ thể, giá hợp đồng tương lai dầu WTI lúc kết phiên ngày 7/6 giao dịch ở mức 72,64 USD/thùng - tăng 0,42 USD tương đương 1,1%. Trong khi đó, giá hợp đồng dầu Brent giao dịch mức 77,39 USD/thùng - tăng 0,84 USD/thùng so với đầu giờ sáng qua.

Trước đó, trong phiên ngày 5/6, cả hai loại dầu cũng đều tăng hơn 1 USD sau quyết định giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia.

“Quyết định của Saudi Arabia chắc chắn sẽ khiến giá dầu tăng, trở lại ngưỡng 80 USD/thùng. Điều này sẽ tác động đến các nhà nhập khẩu dầu ở châu Á, đặc biệt là trong bối cảnh đồng USD cũng tăng giá”, ông Viktor Katona, nhà phân tích tại công ty phân tích dữ liệu hàng hóa Kpler cho biết.

Theo giới quan sát, các thành viên OPEC dường như không để ý đến những sức ép từ bên ngoài. Tổ chức này có thể tiếp tục giảm sản lượng sâu hơn nữa để đặt mức giá sàn, phòng trường hợp nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm do suy thoái kinh tế.

gia dau tang anh 1

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman Al-Saud tại cuộc họp OPEC+ ngày 4/6. Ảnh: Reuters.

Vốn “đói” năng lượng, châu Á đã phải đối mặt với gánh nặng của nguồn cung dầu biến động sau cuộc xung đột Nga - Ukraine. Hai trong số những nước tiêu thụ dầu hàng đầu, Trung Quốc và Ấn Độ, đã cố gắng giảm bớt tác động bằng cách mua dầu giảm giá của Nga.

Hiện nay, trong bối cảnh Saudi Arabia cắt giảm sản lượng, Ấn Độ và Trung Quốc càng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung thay thế. Đặc biệt, nguồn cung từ Nga cũng dự kiến bị cắt giảm khoảng 500.000 thùng/ngày đến cuối năm, các nhà phân tích cho biết.

Một báo cáo của ANZ ngày 5/6 cho biết thị trường dầu mỏ dự kiến thắt chặt đáng kể trong nửa cuối năm nay và giá dầu Brent có khả năng đạt 100 USD/thùng vào cuối năm.

Thách thức trong chuyển đổi năng lượng

Theo giới quan sát, với rất ít lựa chọn thay thế, các quốc gia châu Á sẽ phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.

“Điều đó sẽ khuyến khích họ tìm các nguồn cung năng lượng thay thế, bằng cách tự sản xuất nhiều dầu hơn hoặc đẩy nhanh quá trình chuyển sang năng lượng tái tạo”, Christina Ng, nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích tài chính và Kinh tế năng lượng (IEEFA) cho biết.

“Tuy nhiên, thách thức đối với các quốc gia châu Á trong ngắn hạn là chuỗi cung ứng vẫn chưa hoàn thiện để thúc đẩy triển khai năng lượng tái tạo quy mô lớn”, bà nói.

gia dau tang anh 2

Các nước châu Á - Thái Bình Dương còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo của IEEFA, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đáp ứng 10-15% nhu cầu dầu khí toàn cầu. Đây cũng là khu vực tiêu thụ nhiều dầu khí lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, các công ty dầu khí trong khu vực chưa đạt được những bước tiến lớn trong chuyển đổi năng lượng.

“Các công ty dầu khí ở châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và các chiến lược đa dạng hóa doanh thu. Tuy nhiên, hầu hết mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình khử cacbon và không có kế hoạch thực hiện chi tiết”, báo cáo cho biết.

Mặt khác, nhiều tổ chức tài chính đang tham gia một liên minh toàn cầu cam kết giảm hỗ trợ tài chính và đầu tư cho các hoạt động sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

“Trong trung và dài hạn, chúng tôi nghĩ rằng thị trường sẽ có động lực để nhìn vào năng lượng tái tạo”, bà Ng cho biết.

Tiến độ không đồng đều

Tiến độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở châu Á cho đến nay không đồng đều. Trung Quốc đang vượt xa các quốc gia còn lại.

Ông Tim Buckley, Giám đốc Trung tâm Tài chính Năng lượng khí hậu có trụ sở tại Australia, cho biết Trung Quốc dẫn đầu thế giới về đầu tư năng lượng sạch, gấp khoảng 4 lần so với Mỹ.

Ấn Độ cũng đang có các bước chuẩn bị để sản xuất năng lượng Mặt Trời quy mô lớn trong nước, nhưng tiến độ triển khai trong 3 năm qua đã bị chậm so với mục tiêu đề ra.

Đông Nam Á có một số điểm sáng như Việt Nam và Philippines. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tụt hậu về năng lượng gió ngoài khơi.

“Nhìn chung, tiến độ chuyển đổi năng lượng không đồng đều, nhưng triển vọng là rất lớn”, ông Buckley nói.

Sách hay về bức tranh năng lượng thế giới

Để cung cấp cho độc giả những góc nhìn hay về tình hình năng lượng thế giới trong quá khứ, hiện tại và tương lai, Zing giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm: “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực”, “Tham nhũng dầu mỏ - Thế lực nhiễu loạn thế giới” và “Năng lượng: Lịch sử nhân loại từ than củi tới hạt nhân”.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Giá dầu tăng là chưa đủ với Saudi Arabia

Chuyên gia nhận định Saudi Arabia cần nhiều hơn việc giá dầu tăng để có thể tài trợ cho các kế hoạch đầu tư công lớn và đầy tham vọng của nước này.

Giá dầu thế giới bật tăng trở lại

Chốt phiên giao dịch ngày 7/6, giá dầu thế giới đã bật tăng trở lại vì tồn trữ nhiên liệu thực tế của Mỹ không như dự báo.

Lê Ngọc

Bạn có thể quan tâm