"Ôtô bay" của hãng EHang Holdings của Trung Quốc tại Hanazono Expo, một sự kiện trước thềm Expo 2025 Osaka. Ảnh: Nikkei Asia. |
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và rapper Psy sẽ có mặt tại Paris (Pháp) trong tuần này để trình bày trước Đại hội đồng của Cơ quan Triển lãm Quốc tế, về việc thành phố cảng Busan tìm kiếm tấm vé đăng cai World Expo 2030 (Triển lãm Thế giới 2030). Thủ tướng Italy Giorgia Meloni dự kiến cũng ở đó để đấu thầu cho Rome.
Thái tử Saudi Mohammed bin Salman đã đến thủ đô của Pháp vào tuần trước để mở lời cho Riyadh. Thành phố Odesa của Ukraine cũng đang tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai World Expo 2030.
Thử nghiệm các ý tưởng mới
Được xem như một "Thế vận hội Kinh tế" của toàn cầu, World Expo vẫn là một sự kiến đáng thèm muốn, nhưng liệu nó có còn phù hợp trong một thế giới kết nối hơn bao giờ hết?
"Tôi cho rằng đúng như vậy, hoặc ít nhất có thể như vậy với một vài điều chỉnh", theo nhận định của giáo sư Carlo Ratti - chuyên gia về công nghệ và kế hoạch hóa đô thị - tại Viện Công nghệ Massachusetts. Ông cũng là đối tác sáng lập của công ty thiết kể và đổi mới CRA-Carlo Ratti Associati.
Thái tử Saudi Mohammed bin Salman đã đến thủ đô của Pháp tuần trước và có cuộc gặp với Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters. |
Triển lãm này khởi nguồn từ giữa thế kỷ XIX. Ở lần đầu tiên, Great Exhibition năm 1851, 6 triệu người đã đổ xô đến để chứng kiến những tuyệt tác khoa học, văn hóa và công nghiệp tại tòa nhà Crystal Palace mới được xây dựng ở Công viên Hyde của London (Anh).
Sự kiện này đã thể hiện trật tự toàn cầu lấy châu Âu làm trung tâm lúc bấy giờ, mời các vị khách tham gia lễ kỷ niệm những thành tựu của phương Tây - từ bồn cầu xả nước tới máy fax - đồng thời trưng bày các mẫu vật kỳ lạ của các nền văn hóa thuộc địa khác - từ voi cho đến viên kim cương Koh-i-noor lấy từ Ấn Độ.
Triển lãm đã thành công rực rỡ và trở thành khuôn mẫu cho hàng chục sự kiện tiếp theo trong những thập kỷ tới.
Phòng thí nghiệm sống
Ngày nay, với sự thống trị của truyền hình và Internet, một số tinh thần ban đầu của hội chợ đã trở nên lỗi thời và sự kiện không còn đóng vai trò duy nhất trong việc quảng bá nội dung và ý tưởng, đặc biệt là trong thời đại du lịch quốc tế tương đối thuận tiện. Các giá trị nền tảng của triển lãm, đặc biệt là sự thống lĩnh của phương Tây, đã sứt mẻ.
Để tiếp tục phát huy giá trị, trọng tâm của triển lãm nên chuyển từ phổ biến nội dung sang phát triển nội dung, giáo sư Ratti nói với Nikkei Asia.
"Chúng ta không cần triển lãm để giới thiệu các sản phẩm trên toàn thế giới, nhưng cần chúng như những hộp cát thử nghiệm để thử các ý tưởng và các khái niệm. Tập trung vào sự đổi mới sẽ không đòi hỏi tái tạo toàn bộ triển lãm, mà thay vào đó là sự tập trung lại vào một yếu tố vốn đã là một phần của triển lãm ngay từ đầu", giáo sư Ratti phân tích.
Các cuộc triển lãm đầu tiên, với tất cả sự thể hiện tinh thần dân tộc ở đó, đã tạo ra những bước đột phá thực sự về kiến trúc.
Great Exhibition năm 1851 tại Crystal Palace đã giúp khởi động kỷ nguyên xây dựng bằng kính hiện đại. Tại Paris (Pháp), triển lãm năm 1889 giới thiệu một công trình kiến trúc mới giúp mở ra kỷ nguyên thép - Tháp Eiffel.
Khu hội chợ gây tiếng vang của Triển lãm Columbian Thế giới năm 1893 ở Chicago (Mỹ) đã truyền cảm hứng cho phong trào City Beautiful (tạm dịch: Thành phố Đẹp), một mô hình thiết kế đô thị gây tranh cãi nhưng mang tầm ảnh hưởng lớn.
Triển lãm Futurama của General Motors tại Triển lãm Thế giới New York năm 1939 đã trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm về khả năng di chuyển của người Mỹ, báo trước thời đại của đường cao tốc, vùng ngoại ô và thậm chí cả ôtô tự lái.
Trong khi đó, Expo '70 ở Osaka đã đi đầu trong kiến trúc Metabolism (tạm dịch: Chuyển hóa luận) và giúp làm cho các hội chợ thực sự mang tính toàn cầu. Sự kiện thu hút một lượng khách kỷ lục lên tới 64 triệu khách qua cửa, vào trong bộ khung không gian khổng lồ do kiến trúc sư Kenzo Tange tạo ra. Tất cả đều kinh ngạc trước những tảng đá được mang về từ Mặt Trăng và và một số điện thoại di động đầu tiên đã được dùng thử ngay tại sự kiện này. Đó là tính năng vượt thời gian của triển lãm: Sức mạnh khuyến khích và cơ hội thử nghiệm.
Những triển lãm tốt nhất trở thành phòng thí nghiệm sống, đĩa petri cho các thí nghiệm đô thị không thể thực hiện được trong điều kiện bình thường. Ở đó, rủi ro và thất bại có thể được chấp nhận theo cách không thể có trong một thành phố đời thường, nơi mọi người sinh sống và làm việc. Chúng ta có thể hình dung phong cách mới, con đường mới, đèn đường mới, vật liệu mới.
Ban tổ chức Expo 2025 Osaka hiểu rõ điều đó. Ý tưởng nền tảng cho kế hoạch tổng thể của họ là biến hòn đảo nhân tạo Yumeshima thành "Phòng thí nghiệm sống của mọi người" để tạo điều kiện tiếp xúc với nhiều công nghệ và khả năng mới.
Ý tưởng nền tảng của Osaka Expo năm 2025 là biến hòn đảo nhân tạo Yumeshima thành "Phòng thí nghiệm sinh hoạt của mọi người". Ảnh: Kyodo. |
Kế hoạch tổng thể cho Expo 2030 Roma mà công ty CRA-Carlo Ratti Associati (của tác giả bài viết) có đóng góp, là một thử nghiệm dựa trên một thách thức đương đại: Sản xuất năng lượng đô thị. Thay vì khuyến khích sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia tham gia, kế hoạch này sẽ liên kết các quốc gia tham gia với nhau thành một "cộng đồng năng lượng".
Cộng đồng năng lượng sẽ là một lời nhắc nhở về sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta. Sự sắp xếp vật lý của các gian hàng dọc theo một đại lộ duy nhất, không có vị trí ưu tiên của quốc gia này so với quốc gia khác, sẽ thể hiện sự bao trùm của các quốc gia gặp nhau trên cơ sở bình đẳng.
Các cuộc triển lãm có thể không còn độc quyền về khái niệm gặp gỡ toàn cầu, nhưng chúng mang đến cơ hội hiếm có để các quốc gia tập trung và mọi người từ khắp nơi trên thế giới gặp mặt trực tiếp và cùng nhau tưởng tượng cách xây dựng một thế giới mới. Triển lãm cũng mang tầm cỡ đáng giá khi thử nghiệm với tầm nhìn dài hạn, điều mà thường có ít chính phủ chịu chi trả.
Nếu các triển lãm thế giới cam kết thực hiện những thử nghiệm như vậy, thì tương lai của sự kiện này có thể được đảm bảo và duy trì được vị thế nổi trội như một điểm tựa của sự đổi mới và văn hóa quốc tế.
Bằng cách kết hợp tham vọng thử nghiệm của "thành phố đặc quyền" của nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Romer với sức mạnh tập trung và sự phấn khích của lễ hội âm nhạc Burning Man hàng năm được tổ chức ở sa mạc Nevada, các cuộc triển lãm tươi mới có thể giúp khơi dậy một thế giới tốt đẹp hơn, gắn kết hơn.
Chuỗi triển lãm sắp tới có thể mang lại kiến trúc bền vững, tính di động tái tạo và hợp tác quốc tế. Khi thế giới của chúng ta trở nên bất bình đẳng và chia rẽ hơn, những sự kiện này có thể giúp toàn cầu hóa lấy lại động lực.
Tất nhiên, cam kết thử nghiệm thực sự có nghĩa là chấp nhận khả năng thất bại. Nó có nghĩa là từ bỏ những màn trình diễn an toàn, dễ dàng về những thành tích trước đây và thử những thứ có thể thất bại. Có lẽ những chiếc ôtô bay ở Osaka sẽ khiến người lái say xe hoặc các tấm pin Mặt Trời ở Rome sẽ bị đoản mạch. Nhưng đối với một sự kiện chỉ kéo dài vài tháng, đây chắc chắn là những rủi ro đáng để chấp nhận.
Không hề phù phiếm hay lỗi thời, có lẽ hơn bao giờ hết, các cuộc triển lãm thế giới có ý nghĩa sống còn đối với thế giới.
Nhà đô thị học nổi đanh người Mỹ Jane Jacobs từng viết: "Thành phố không vận hành giống như hội chợ". Nếu chúng ta đi đúng hướng, hội chợ có thể mang lại lợi ích cho thành phố, bắt đầu với Osaka vào năm 2025.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Zing giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.