Thời đi học, ai cũng mong ra trường thật nhanh để tận hưởng cuộc sống. Tới khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân, ta lại hoang mang không biết nên làm gì trong những tháng ngày sắp tới.
Tốt nghiệp đồng nghĩa với việc không còn những tháng ngày chỉ biết miệt mài đèn sách ôn thi, nhiệt huyết tham gia các câu lạc bộ hay cùng bạn bè tạo thật nhiều kỷ niệm đẹp ở tuổi thanh xuân. Tất cả những điều đó chỉ còn được gói gọn trong 4 chữ “hồi còn đi học”.
Phần lớn các sinh viên thường cảm thấy hoang mang sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Reuters. |
Giờ đây, mỗi cá nhân sẽ lựa chọn cho mình một định hướng, một con đường đi khác nhau.
Có những người quyết định đi làm, bắt đầu va chạm với cuộc sống. Thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ đã đi làm thêm tùy theo năng lực và quỹ thời gian của mình ngay từ khi mới bước sang năm 3. Một số lựa chọn công việc ở các công ty, doanh nghiệp phù hợp với ngành đang theo học, vừa để học hỏi thêm vừa tìm hiểu môi trường làm việc sau này.
Nhờ vậy, nhiều sinh viên dù mới tốt nghiệp nhưng có tới 1-2 năm kinh nghiệm. Điều này tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để các bạn trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm ưng ý ngay sau khi ra trường.
Nguyễn Thanh Hiền (1998), một sinh viên vừa ra trường. Ảnh: NVCC. |
Dù chỉ mới tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Thanh Hiền (22 tuổi) đã cộng tác ở một tòa soạn báo lớn gần một năm nay. Công việc chính của 9X là đưa tin về các vấn đề, sự kiện thời sự tại các Đại sứ quán, cơ quan nhà nước, tổ chức phi chính phủ...
"Với mình, công việc này không chỉ là trải nghiệm thú vị mà còn tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp sau này", Hiền nói.
Cũng có những người tiếp tục sự nghiệp "tìm con chữ", như học thạc sĩ, chứng chỉ nghề hoặc học thêm văn bằng 2 hậu tốt nghiệp đại học.
Những sinh viên này chia sẻ rằng họ cảm thấy chưa trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết hoặc muốn “làm đẹp” cho CV xin việc. Một số khác lại muốn tìm tòi thêm về những chuyên ngành khác để phục vụ công việc tương lai.
Theo một nghiên cứu của Đại học Virginia (Mỹ), khả năng nhận thức của con người đạt đỉnh cao ở tuổi 22 và giảm dần sau tuổi 27. Như vậy, các sinh viên vừa ra trường mà quyết định học tiếp sẽ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, nhất là khi vẫn còn đang trên đà học.
Hậu tốt nghiệp, một số sinh viên lựa chọn học tiếp. Ảnh: Wall Street Journal. |
Ngoài ra, gap year cũng là một lựa chọn không tồi cho những bạn trẻ chưa tìm được định hướng cho bản thân sau khi ra trường. Gap year không có nghĩa là nghỉ học rong chơi. Nó là cơ hội để các sinh viên học tập, trải nghiệm ở một đất nước khác.
Có thể nhận thấy, việc học hành không chỉ còn giới hạn ở những bài học trên trường, trên lớp. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng để trải nghiệm nhiều hơn, để học những bài học thực tế từ cuộc sống. Đó là lý do vì sao những năm gần đây, ở Việt Nam, từ khóa “gap year” lại trở nên phổ biến như vậy.
“Theo tôi, gap year là việc cực kì cần thiết. Đi không phải là để đi chơi, mà là đi để học. Sau mỗi lần đó, mình học hỏi được nhiều thứ, thế giới mỗi ngày đều thay đổi. Đó cũng là cơ hội để mình tìm thấy bản thân mình nữa”, Nguyễn Huy Tâm, tác giả cuốn sách du ký Through Asia: A whisper from the East chia sẻ.
Gap year là để khám phá bản thân, không phải rong chơi vô ích. Ảnh: Getty Images. |