Tốt nghiệp THPT sẽ dựa vào quá trình học tập
Tiếp tục với việc công bố thông tin trong đề án đổi mới giáo dục, kết quả xếp loại bằng tốt nghiệp được đánh giá đồng thời dựa trên hai cơ sở: quá trình học tập và kết quả thi.
Phân loại bằng tốt nghiệp không chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp
Tại hội thảo quốc tế về Xây dựng và phát triển chương trình giáo dục phổ thông, nhiều vấn đề quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam đã được đưa ra, trong đó việc tổ chức và đánh giá kết quả tốt nghiệp THPT cũng được đề cập đến.
Trong dự thảo đổi mới toàn diện chương trình giáo dục được nêu tại hội nghị, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế thi, phôi bằng và xây dựng ngân hàng câu hỏi, bài tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT; còn Sở GD-ĐT sẽ có nhiệm vụ tổ chức thi và xử lý kết quả thi.
Bằng tốt nghiệp được đánh giá dựa trên hai tiêu chí sẽ giúp cho thí sinh đỡ vất vả trong thời gian ngắn của mùa thi. Ảnh Đặng Sinh. |
Bằng tốt nghiệp được cấp cho học sinh trên cơ sở kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi. Như vậy, kết quả xếp loại bằng tốt nghiệp được đánh giá đồng thời dựa trên hai cơ sở: quá trình học tập và kết quả thi.
Dự thảo thay đổi này thể hiện quan điểm đánh giá học sinh phổ thông đã có sự chuyển hướng từ việc đánh giá dựa trên khối lượng kiến thức học sinh thu được sang đánh giá dựa trên năng lực.
“Trước đây chúng ta đánh giá căn cứ vào khối lượng kiến thức học sinh thu nhận được, còn đánh giá năng lực ở đây là học sinh nào có năng lực thực hiện được những bài, hoạt động yêu cầu sáng tạo lớn nhất thì em đó sẽ được đánh giá cao hơn, đó là hai hệ tiếp cận khác nhau”, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học sư phạm cho biết.
Để làm được điều này đỏi hỏi một sự thay đổi đồng bộ từ mô tả chương trình, biên soạn sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học…
Về vấn đề này, GS.TS Đinh Quang Báo - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục khẳng định: “Để thực hiện được những đổi mới trong ngành giáo dục đòi hỏi phải có sự quyết định căn bản và toàn diện ở cấp vĩ mô”.
Hàng loạt vấn đề nan giải cần giải quyết để đổi mới thành công
Hiện nay thực trạng nền giáo dục của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khiếm khuyết, thậm chí là những khiếm khuyết trầm trọng.
Những nội dung được chia sẻ tại hội thảo nhận được sự đồng tình của khá đông dư luận. Ảnh Hoàng An. |
Giáo dục phổ thông đang vướng vào tình trạng, đó là tập trung trang bị cho học sinh một khối lượng kiến thức và làm cho nó quá tải. GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng “những kiến thức ấy mang tính hàn lâm và khả năng ứng dụng rất ít”.
Theo ông: “Chỉ khi nào học sinh được dạy cách vận dụng kiến thức ấy trong thực tiễn và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn thì lúc bấy giờ mới trở thành những kiến thức sống, kiến thức vốn có của học sinh”.
Có thể thấy, trước đây, chúng ta đã quá nặng nề về việc cung cấp kiến thức mà không coi trọng việc cung cấp cách xử lý, sử dụng kiến thức ấy, làm hạn chế năng lực của học sinh.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục phân luồng hay phân hóa theo ban: xã hội, tự nhiên và cơ bản trước kia để lại nhiều điều chưa giải quyết được. Vấn đề này sắp tới cũng phải được nghiên cứu và giải quyết, để người học với học vấn phổ thông cơ bản được chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào đời.
Vấn đề quan trọng nhất vẫn là đội ngũ giáo viên. Thực trạng hiện nay cho thấy đội ngũ giáo viên còn lúng túng trong việc dạy học theo hướng phát triển năng lực.
Phải khẳng định rằng, chất lượng phổ thông không thể vượt khỏi chất lượng nhà giáo. Tuy nhiên hậu quả từ giáo viên có thể không phải từ chính họ, bởi đánh giá trong giáo dục theo kiểu nào thì giáo viên phải dạy theo kiểu đó.
Chất lượng giáo viên là vấn đề cần được Bộ GD&ĐT hết sức quan tâm. Vừa qua, Bộ cũng đã đưa ra hệ thống chương trình phát triển giáo viên, phát triển hệ thống sư phạm.
Ngoài ra, việc xây dựng chương trình theo hướng Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng một chương trình chuẩn mà học sinh phổ thông cần đạt. Bởi chương trình bao giờ cũng phải xác định cái chuẩn, thì mới xác định các yếu tố để đạt chuẩn, đưa cách đánh giá để đạt chuẩn ấy.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng một chương trình cấp quốc gia, và là thể hiện của chuẩn còn sách giáo khoa do từng giáo viên và học sinh lựa chọn miễn là thực hiện đúng chương trình ấy để đạt được mục tiêu quy định.
Thực tế cho thấy tiến hành đổi mới việc đánh giá học sinh phổ thông còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Tuy nhiên, GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh: “Đánh giá là khâu làm rung chuyển tất cả, khi đánh giá khác thì học sinh cũng sẽ học khác, giáo viên cũng sẽ dạy khác”. Đổi mới là đúng đắn nhưng cần tìm ra và xây dựng một mô hình giáo dục phù hợp và đem lại lợi ích nhiều nhất cho người học.
Mong Bộ nhanh chóng áp dụng đề án đổi mới Đó là ý kiến của đại đa số độc giả trước những thông tin xung quanh Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. "Tôi rất mong mỏi sao Bộ giáo dục cải cách nhanh chừng nào tốt chừng ấu. Tất nhiên là giờ thì tôi không được hưởng cái cải cách đó nhưng mong mấy em sau này không phải học vất vả và có chút chút vô nghĩa như chúng tôi bây giờ" - thành viên Chienthanglx1995. "Cải cách là đúng rồi. Em thì đang học 12. Sau 12 năm học theo chương trình em cảm thấy nền GD VN đã quá lạc hậu. Chương trình học không còn phù hợp và logic nữa. Ví dụ như môn Lý, các công thức trong đó chỉ có thể áp dụng vào bài tập thôi chẳng thể áp dụng vào thực tế được. Còn Hóa thì chỉ có phản ứng trên giấy chứ thấy thực tế phản ứng chưa nhìn rõ ra sao để hiểu rõ. Còn các môn giáo dục về nhân cách, trí tuệ, thể chất phải được đầu tư hơn. Phải có sức khỏe, phải có nhân cách mới được" - thành viên Tmk VTT chia sẻ. "Mong đề án đổi mới căn bản toàn diện của Bộ Giáo dục thật sự hiệu quả và học sinh cần những quyển sách thật sự có chất lượng. Hãy chú trọng tới mức lương của giáo viên, người ta thường nói làm giáo viên là nghề cao quí nhưng mức lương thì chẳng 'cao' tí nào. Hãy nhìn mức lương của giáo viên nước ngoài, để thấy rõ mức lương của giáo viên Việt Nam 'cao' như thế nào" - thành viên Snowdrop. "Theo mình thì không nên tổ chức thi TNPT nữa, mà thay vào đó là một hình thức xét tuyển. Chẳng hạn như tính điểm bình quân 3 năm học phổ thông lấy trung bình, hoặc là chia nhỏ các môn ra mà thi, không nên thi cùng một lúc 6 môn. Nến giáo dục của Việt Nam còn nặng nề quá, học sinh đa phần là không theo kịp tiến độ bài giảng của giáo viên, vì thế phần lớn học sinh chọn cách học đối phó, lấy điểm... Thú thật, nếu thi Sử chung với Địa thì học sinh nào cũng lựa chọn là sẽ hi sinh một môn cả" - một ý kiến khác. "Không nên cho thi tốt nghiệp đồng loạt một lúc 6 môn. Nên thiết kế theo kiểu học xong môn nào thi kết thúc môn ấy. Càng đặt ra áp lực mạnh thì giáo dục càng cho ra kết quả giả. Tôi thấy học xong môn nào thi kết thúc môn ấy rất hiệu quả học sinh sinh viên vừa có thời gian ôn luyện kỹ và chuyên sâu. Giáo viên lại có thể nhàn về giảng dạy và coi thi, các câu hỏi khó hơn một chút học sinh cũng có thể làm được vì học chuyên về môn đó" - thành viên Dongphongmt. |
An Hoàng
Theo Infonet