Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'TP HCM có nhiều ưu thế để học tiếng Anh đón đầu hội nhập'

Khi đầu tư nước ngoài vào TP HCM tăng, ông Phan Duy, Tổng giám đốc một trung tâm dạy tiếng Anh, dự đoán tiếng Anh cho người đi làm và học trực tuyến sẽ là 2 mô hình phát triển.

- Đối với những người không có điều kiện để thường xuyên học tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ, theo ông, TP HCM có những cơ hội cụ thể nào để họ rèn luyện việc sử dụng ngoại ngữ?

- Tôi cho rằng không thể hoàn toàn tự học tiếng Anh, vì trong ngôn ngữ có phần Viết, Nghe và Nói cần sự tương tác nên khó có thể học một mình. Học viên cần một người giúp họ phát hiện và sửa lỗi sai. Nhưng khi bạn đã có nền tảng tốt, việc tự học sẽ quyết định lớn đến khả năng thành công. Khi đó, giáo viên chỉ là người hướng dẫn. 

Ông Phan Duy, tổng giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Thông minh (YOLA). Ảnh: Hải An
Ông Phan Duy. Ảnh: Hải An.

Với sự phổ biến của Internet hiện nay, tôi nghĩ ưu thế về thông tin, nguồn học liệu để học tiếng Anh giữa TP HCM và các địa phương khác đã không còn quá khác biệt như nhiều năm trước. Tuy nhiên, thành phố vẫn có những lợi thế đặc thù để giúp một người rèn luyện ngoại ngữ.

Đầu tiên, TP HCM có môi trường học và sử dụng tiếng Anh rộng rãi hơn so với các địa phương khác. Môi trường rất quan trọng trong việc học. Khi bạn bè xung quanh đều học tiếng Anh, tự bản thân mỗi người sẽ có động lực tốt hơn.

Đối với những sinh viên từ các tỉnh khác mới đến TP HCM, các bạn có thể tới những địa điểm như Hội đồng Anh hoặc Trung tâm Mỹ để tìm hiểu về việc học hoặc các thông tin bổ ích liên quan. Rõ ràng, ưu điểm của TP HCM là nhiều tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại đây.

- Với những ưu điểm như trên nhưng rất nhiều sinh viên ra trường sau ít nhất 4 năm học tại TP HCM không thể sử dụng tiếng Anh trong công việc hay đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng. Ông có thể phân tích một số nguyên nhân?

- Đây là vấn đề chung của học viên Việt Nam. Các bạn học nhiều nhưng thực hành ít, và chủ yếu là ngại thực hành, đặc biệt phần Nói. Ngại nói sai, ngại nói không chuẩn theo giọng Anh hoặc giọng Mỹ... là những rào cản tâm lý khiến các bạn không thực tập thường xuyên.

Môi trường cũng là một nguyên nhân. Không phải trường đại học nào cũng đặt ra tiêu chuẩn tiếng Anh cao để sinh viên tốt nghiệp. Nghe - Nói cũng không hẳn chiếm trọng tâm lớn đối với các trường. Do vậy, nếu nói rằng sinh viên học tiếng Anh suốt quá trình học đại học, tổng thời gian này thực tế vẫn không đáng kể so với một trường quốc tế. Nhiều trường đại học trong khu vực sử dụng 100% tiếng Anh khi dạy, buộc sinh viên phải tiếp xúc thường xuyên với ngoại ngữ hơn.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong việc học thì sự quyết tâm của người học quan trọng hơn yếu tố môi trường.

Ấn Độ từng là thuộc địa của Anh, nhưng khi đó không ai có thể khẳng định họ nói tiếng Anh chuẩn. Tuy nhiên, họ giao tiếp bằng tiếng Anh hàng ngày, lâu dần hình thành một phong cách nói tiếng Anh theo kiểu Ấn Độ. Ngày nay, không ai chê người Ấn Độ nói tiếng Anh kém.

Do vậy, các bạn học viên Việt Nam cứ tự nhiên thực tập thôi. Đối với tôi, quan trọng nhất là có thể đạt mục đích cuối cùng là mọi người giao tiếp được bằng tiếng Anh.

- Ông dự báo thế nào về nhu cầu học tiếng Anh trong thời gian tới? Hàng trăm trung tâm dạy ngoại ngữ đang hoạt động ở TP HCM đã đủ đáp ứng nhu cầu chưa?

Hàng trăm trung tâm tiếng Anh đang hoạt động tại TP HCM. Bên cạnh điểm tích cực về sự lựa chọn nơi học đa dạng, các bạn phải đối mặt sự thiếu hụt thông tin để tìm một nơi thực sự tốt. Đây là điều rất khó, như khi bạn tra cứu trên Google nhưng không biết chắc chắn thông tin thực sự có ích hay không.

Khi Việt Nam tích cực hội nhập, ngày càng nhiều công ty nước ngoài sẽ đến TP HCM, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao cũng nhiều hơn. Do vậy, số lượng người học để đáp ứng các đòi hỏi công việc hoặc nhu cầu vươn ra nước ngoài sẽ tăng theo. Khi thị trường mở rộng, số lượng trung tâm tốt và có chất lượng ở TP HCM hiện tại vẫn chưa đủ đáp ứng.

Theo nhận xét cá nhân, tôi cho rằng, chúng ta chưa có nhiều cơ sở dạy tiếng Anh cho người đang đi làm hiệu quả. Phần lớn các trung tâm không thể đáp ứng tốt nhu cầu của công ty lẫn học viên.

Khi các công ty nước ngoài đến mở văn phòng tại TP HCM, họ chủ yếu sử dụng lãnh đạo là người nước ngoài. Do vậy, nhân viên cần học tiếng Anh để sử dụng hiệu quả trong công việc chứ không chỉ giao tiếp đơn thuần.

Bên cạnh đó, đối với những đơn vị chưa từng sử dụng tiếng Anh, nhu cầu này càng rõ nét nếu họ muốn hợp tác với công ty nước ngoài. Có rất nhiều nội dung để dạy, từ đơn giản nhất như soạn thảo hợp đồng hoặc gửi email cho các đối tác.

Tôi cũng tin rằng, học tiếng Anh trực tuyến đang và sẽ phát triển.

- Với kinh nghiệm từng xuất phát từ học trực tuyến, ông nhận định thế nào về mô hình học tiếng Anh trực tuyến?

- So với điều kiện hiện nay, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn thành lập khi xây dựng doanh nghiệp bằng con đường học trực tuyến cách đây khoảng 6 năm. Khi đó, những bất cập như chưa có nền tảng công nghệ thông tin, thói quen lên mạng hoặc lượng người dùng điện thoại thông minh chưa đáng kể như hiện nay. Do vậy, việc buộc một người phải ngồi trước máy tính để học trong khoảng thời gian dài là điều khó khăn.

Hơn nữa, học trực tuyến đòi hỏi học viên phải tập trung cao độ và nỗ lực đạt kết quả cao. Vì lên mạng học là bạn phải nghiên cứu một mình, không có môi trường như lớp học, nên có thể mau chán. Cho nên, mô hình này chủ yếu phục vụ hai nhóm. Nếu đối tượng là người đã đi làm và sinh viên, họ phải quyết tâm cao. Nhóm đối tượng thứ hai là những người chuẩn bị có kỳ thi và họ cần bổ sung kiến thức.

Tôi cho rằng, độ tuổi càng nhỏ thì càng khó học trực tuyến. Ở lứa tuổi này, các em cần sự tương tác nhiều hơn trong việc học. Tiếng Anh dành cho người lớn hoặc dành cho các đối tượng cần đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trước mắt sẽ phù hợp để xây dựng nội dung dạy trực tuyến.

Phan Duy (sinh năm 1987) là một trong những người sáng lập Trung tâm Ngoại ngữ Thông minh - YOLA cùng một nhóm du học sinh Mỹ trở về TP HCM lập nghiệp.

Ban đầu, họ thử sức với việc dạy tiếng Anh trực tuyến và tiếng Anh cho người lớn nhưng thất bại. Đến cuối năm 2009, việc kinh doanh mới dần ổn định khi họ chọn thị trường ngách: luyện tiếng Anh cho các học viên chuẩn bị du học.

Rủ nhau học tiếng anh tại... quán cà phê

Mô hình học tiếng Anh này không phân biệt học sinh hay người lao động. Bất cứ ai có nhu cầu đều có thể đến quán cà phê vào chủ nhật hàng tuần để cùng rèn luyện ngoại ngữ này.

Minh Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm