Thông tin được ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM nêu ra tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới được tổ chức vào sáng 7/7.
Theo ông Trị, tại TP HCM, tỷ lệ phá thai còn khá cao với 42,96 ca phá thai/100 trẻ sinh sống. Tuy vậy, con số này đã giảm rất nhiều so với năm 2010 tỉ lệ này từng lên đến 75,83 ca phá thai/100 trẻ.
Ông Trị cũng cho biết hiện nay tỷ lệ trẻ em trai/trẻ em gái ra đời tại TP HCM vẫn còn chênh lệch theo hướng nhiều trẻ trai hơn, tuy nhiên tỷ lệ vẫn nằm trong mức 106-107 bé trai/ 100 bé gái.
Tỷ lệ sinh ở TP HCM cũng đã tăng thêm trong vài năm qua, từ 1,3% lên 1,57% năm 2015. Tỷ lệ này vẫn cần được tăng lên vì chưa đạt mức sinh thay thế (2,1%) để bảo đảm cơ cấu dân số không bị già hóa.
Theo các thống kê, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có đến 59 triệu trẻ em gái phải kết hôn trước tuổi thành niên. Số trẻ gái từng sinh con trong tuổi 15-17 là 20.000 và có đến 3,2 triệu ca phá thai không an toàn ở độ tuổi 15-19.
Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê chính thức, tuy nhiên các thống kê sơ bộ cho thấy vị thành niên hiện chiếm đến 1/5 dân số và tỷ lệ phá thai ở nhóm vị thành niên ở TP HCM năm 2015 lên đến 3,5%.
Các chuyên gia về dân số nhận định, hiện nay trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng lứa. Tại nhiều quốc gia, các gia đình và cộng đồng vẫn còn quan niệm trẻ em gái đến tuổi dậy thì đã sẵn sàng kết hôn, mang thai và sinh con.
Theo thống kê của quỹ dân số Liên Hiệp quốc vào năm 2015, số trẻ em gái đã kết hôn trước tuổi 18 tại Châu Á-Thái Bình Dương là 59 triệu. Số trẻ em gái từ 15-17 tuổi tại các nước đang phát triển đã từng sinh con là 20.000 ca.
Ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca. Tỷ lệ trẻ em cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước tuổi 15 là 10%.
Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em gái từ 15-19 tuổi là tự tử và biến chứng thai sản. Nhóm trẻ em gái này chưa nhận được sự quan tâm thích đáng mà lẽ ra cá em phải được hưởng, các em chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết giúp vượt qua các bình đẳng và bị tước đi các cơ hội trong cuộc đời.
Không được đi học, sức khỏe không tốt và gần như không kiểm soát được cơ thể của mình, tương lai của các trẻ em gái vị thành niên có thể bị hủy hoại, năng lực cá nhân có thể sẽ không bao giờ được phát huy.
Các thách thức và trở ngại của một em gái vị thành niên phải đối mặt có thể sẽ nhân lên bội phần nếu em là người dân tộc thiểu số, sống ở nông thông và xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Nhưng khi các em được trao quyền, có thông tin và phương tiện để tự quyết định cuộc sống của mình thì các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng và trở thành một tác nhân tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình cộng đồng và quốc gia.