Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP HCM vận động phụ nữ toàn thành phố mặc áo dài

Với những hoạt động rầm rộ và đa dạng, Lễ hội Áo dài sắp tới được kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện đặc biệt tôn vinh tà áo dài và nét đẹp Việt.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Du lịch thành phố phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội Áo dài TP HCM lần 3 – năm 2016, từ ngày 5/3 đến hết ngày 19/3 trên địa bàn thành phố. 

Với chủ đề năm nay là “Thành phố Hồ Chí Minh – Thành phố áo dài”, lễ hội được tổ chức với mục đích tôn vinh nét đẹp của áo dài Việt, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

TP HCM đang vận động phụ nữ toàn thành phố mặc áo dài. Ảnh: BTC cung cấp

Lễ hội cũng sẽ là hoạt động phục vụ đời sống văn hoá, tinh thần của người dân thành phố, tạo môi trường giao lưu văn hóa giữa công chúng với các nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài.

Sự kiện được kỳ vọng góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Trong dịp này, TP HCM cũng sẽ vận động người dân thành phố mặc áo dài trong các sinh hoạt đời thường nhằm làm nổi bật nét đẹp và giá trị sử dụng của áo dài.

Nội dung tháng Lễ hội Áo dài

1. Tổ chức hành trình “Thành phố áo dài – Thành phố tôi yêu” từ Nhà Văn hóa sinh viên đến các di tích văn hóa, lịch sử dành cho sinh viên, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân “Chung tay vì môi trường du lịch” vào các ngày chủ nhật 6/3,13/3 và 20/3.

2. Các hoạt động chủ đề “Lịch sử áo dài”, gồm:

- Nói chuyện chuyên đề về áo dài, trình bày nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về lịch sử hình thành và biến đổi của áo dài Việt Nam, về giá trị sử dụng của áo dài, các nét văn hoá liên quan đến áo dài; trao đổi thảo luận về áo dài, từ ngày 5/3 đến ngày 20/3.

- Triển lãm ảnh “Áo dài qua từng thời kỳ” tại Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, bắt đầu từ ngày 5/3 đến ngày 31/3.

- Tổ chức Hội chợ Áo dài với các hoạt động triển lãm và trao đổi, mua bán các phụ kiện (giỏ xách, guốc, nón,…) và áo dài tại Nhà Văn hóa Thanh niên, từ ngày 18/3 đến 20/3.

- Các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Áo dài tại Bảo tàng Áo dài từ ngày 5/3 đến 31/3.

- Hội thi “Duyên dáng áo dài” lần 3 với nội dung thi biểu diễn áo dài, chia làm 3 bảng: tập thể, cá nhân và cơ quan ngoại giao Đoàn. Đối tượng tham dự gồm các đơn vị trường học, sinh viên các trường, các gia đình, doanh nghiệp, các Tổng lãnh sự, Hội doanh nghiệp nước ngoài tại TP HCM. Số lượng dự kiến: 500 người.

- Thi vẽ áo dài trên giấy. Đối tượng tham gia là học sinh cấp 1, 2 trên địa bàn thành phố, tại thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM.

Học sinh thành phố hào hứng với hoạt động thi vẽ áo dài trên giấy từ mùa lễ hội trước. Ảnh: BTC cung cấp

- Thi ảnh “Duyên dáng áo dài” bằng hình tập thể và cá nhân trong trang phục Áo dài gửi ảnh dự thi đến website Ban Tổ chức trong thời gian từ ngày 5/3 đến 20/3.

- Tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài dành cho sinh viên các trường đại học trên địa bàn từ ngày 5/3 đến 20/3.

- Hội thi kết hoa trên áo dài và biểu diễn áo dài hoa cho các nhà tạo mẫu hoa Việt Nam và quốc tế vào các ngày 19 và 20/3.

3. Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật “Áo dài – vẻ đẹp bất tận” diễn ra vào lúc 18h30 ngày 8/3 tại Sân 4A Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố. 

4. Hoạt động mua sắm dành cho du khách: giảm giá may áo dài cho du khách, may áo dài lấy ngay trong thời gian lễ hội, giảm giá bán vải áo dài, các phụ kiện và trang sức đi cùng với áo dài…



Phương Ly

Bạn có thể quan tâm