Là bệnh viện tuyến quận có đơn vị chạy thận nhân tạo ở TP.HCM, đồng thời là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm chạy thận nhân tạo ở trạm y tế phường, Bệnh viện Thủ Đức cho biết đã chủ động rà soát lại toàn bộ quy trình. Đơn vị này đang chạy thận cho 130 bệnh nhân tại bệnh viện, với 4 ca mỗi ngày, và 10 bệnh nhân đang chạy thận tại phòng khám đa khoa vệ tinh phường Bình Chiểu.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Vũ, Khoa chạy thận nhân tạo của bệnh viện, cho biết bên cạnh rà soát lại toàn bộ quy trình, các bác sĩ, điều dưỡng cũng phải thăm hỏi trấn an tâm lý cho bệnh nhân. Bởi sau sự cố y khoa khiến 7 người tử vong ở tỉnh Hòa Bình, nhiều bệnh nhân tỏ ra lo lắng và không yên tâm.
Đơn vị cũng tiến hành kiểm tra lại hệ thống nước, máy móc và xét nghiệm lại cho toàn bộ bệnh nhân. Một tuần qua, các bệnh nhân chạy thận tại phòng khám đa khoa vệ tinh phường Bình Chiểu đã tạm thời được chuyển về Bệnh viện Thủ Đức để tiếp tục chạy thận. Nguyên nhân là do phòng khám sửa sang lại toàn bộ hệ thống nước, sàn nhà.
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM. Ảnh: K.Q. |
Điều dưỡng trưởng của khoa - Trần Thị Xuân Giao - cho biết bình thường, việc rà soát lại quy trình chạy thận từ trước đến nay đều được thực hiện định kỳ hàng tháng. Ví dụ, cứ 3-6 tháng, khoa có kiểm tra lại hệ thống nước. Hệ thống máy móc được bảo trì hàng tháng bởi một đơn vị bảo trì đặt tại bệnh viện. Cả bệnh viện và trạm y tế đều được trang bị đầy đủ hộp thuốc chống sốc, những trang thiết bị phục vụ cho việc hỗ trợ chống sốc, kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Theo bác sĩ Vũ, vấn đề sốc phản vệ ở bệnh nhân chạy thận tỷ lệ không cao. Điều quan trọng là phải phát hiện và xử lý cấp cứu kịp thời. Do đó, các điều dưỡng nếu phát hiện bệnh nhân có các biểu hiện sốc phản vệ thì được quyền trực tiếp xử lý tại chỗ, trước khi nhận được y lệnh từ cấp trên để rút ngắn thời gian cấp cứu cho bệnh nhân.
Đơn vị chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Thủ Đức khẳng định từng có bệnh nhân ngưng tim tại đây. Tuy nhiên, bệnh nhân suy thận mạn thường đi kèm với các bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, huyết áp… Bệnh nhân tử vong nguyên nhân không phải do chạy thận mà do các bệnh lý nền.
BS Phạm Hữu Quốc - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quận Gò Vấp - cũng cho biết bệnh viện vừa rà soát lại quy trình chạy thận nhân tạo. Ông nói: “Chúng tôi tự rà soát lại quy trình từ nguồn gốc hóa chất tới các quy trình, từ nhận bệnh đến chạy thận, lọc thận, súc rửa dụng cụ sau lọc. Riêng hệ thống cấp cứu, khi có sự cố liên đới với các khoa liên quan luôn được chúng tôi chú trọng”.
Bác sĩ Quốc cho biết thêm đơn vị chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Quận Gò Vấp mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 và có khoảng 50 bệnh nhân cố định.