Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM có cơn 'mưa vàng' đầu tiên trong năm Giáp Thìn

Chiều 27/2, nhiều quận huyện tại TP.HCM xuất hiện mưa lớn. Đây là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm nay, giúp giải nhiệt sau chuỗi ngày nóng bức kéo dài.

Cơn mưa chiều 27/2. Ảnh: Duy Hiệu.

Từ khoảng hơn 14h30, ngày 27/2 tại TP.HCM, mưa bắt đầu xuất hiện bất ngờ ở một số quận huyện tại TP.HCM như Bình Thạnh, Thủ Đức, Phú Nhuận, quận 1, 3, 4, 7...

Nhiều người đi đường không chuẩn bị kịp áo mưa phải dừng xe vào các mái hiên để tránh.

"Cơn mưa vàng"

Trên mạng xã hội, nhiều người ở nhiều quận huyện khác nhau trong thành phố đều chia sẻ sự bất ngờ về trận mưa đầu tiên của năm Giáp Thìn ở TP.HCM. Một số người ướt sũng vì "hứng trọn cơn mưa" khi nước trút xuống quá nhanh và cũng qua nhanh.

Cơn mưa lớn bất chợt đổ xuống sau chuỗi nắng nóng gay gắt ở TP.HCM và miền Nam kéo dài từ ngày 9/2. Nguyên nhân xuất phát từ nhiễu động gió đông trên cao hoạt động mạnh.

Nam Bo nang nong anh 1

Cơn mưa lớn bất chợt đổ xuống giúp thành phố giải nhiệt sau chuỗi ngày nắng nóng kéo dài. Ảnh: Duy Hiệu.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, ảnh ra đa thời tiết và ảnh định vị sét, đơn vị này ghi nhận mây dông phát triển, gây mưa, mưa rào trên khu vực huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức...

Theo đó, trong chiều 27-2, mây dông tiếp tục phát triển và gây mưa rào, có nơi kèm theo dông những khu vực trên. Mây dông có khả năng lan sang các khu vực lân cận như quận 7, Bình Tân...

Trả lời Tri thức - Znews, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo - Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đánh giá nắng nóng gay gắt sau 13h sẽ tiếp diễn những ngày tới, dù mưa có thể xảy ra vào chiều tối do nhiễu động gió Đông.

Nam Bộ nắng nóng gay gắt 20 ngày liên tục

Trước đó, từ ngày 5/12/2023, nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày của TP.Biên Hòa là 35 độ C; riêng ngày 14/12 lên đến 36 độ C. Sang đến tháng 1, nhiều tỉnh thành Nam Bộ và TP.HCM thường xuyên xuất hiện những ngày có nhiệt độ trên 35 độ C.

Từ 9/2 đến nay, tình trạng nắng nóng liên tục đã kéo nhiệt độ không khí của TP.Biên Hòa lên mức 36-37 độ C, thậm chí chạm ngưỡng 38 độ C vào hôm 15/2. TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ngoại trừ Bà Rịa - Vũng Tàu, có mức nhiệt phổ biến dao động từ 35-36 độ C.

Dựa trên quy định, nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày từ trên 35-37 độ gọi là nắng nóng, từ trên 37-39 độ là nắng nóng gay gắt, trên 39 độ là đặc biệt gay gắt.

"Đây được coi là đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài và hiếm gặp trong tháng 2 trên khu vực Đông Nam Bộ", ông Quyết nói với Tri thức - Znews.

Nếu so sánh cùng thời điểm năm ngoái, ông Quyết cho biết nắng nóng năm nay xuất hiện sớm hơn, cường độ mạnh hơn và thời gian của đợt nắng nóng (2 ngày liên tục có nắng nóng với mức nhiệt độ không khí cao nhất trong ngày trên 35 độ C - PV) dài hơn.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự đoán nắng nóng tiếp tục kéo dài; những ngày nắng nóng đỉnh điểm lên đến 39 độ C có thể rơi vào các tháng 3, 4, 5. Giai đoạn này cũng sẽ ít mưa, dễ dẫn đến hạn hán.

Do đó, ông Quyết khuyên bà con cần đề phòng cháy nổ, chập điện, cháy rừng, đồng thời có biện pháp canh tác phù hợp để duy trì năng suất cây trồng, phòng tránh hạn hán, xâm nhập mặn...

Đặc biệt, người dân cần lưu ý các vấn đề về sức khỏe như say nắng, sốc nhiệt, mắc các bệnh về hô hấp... trong thời gian nắng nóng nguy hiểm.

Nam Bo nang nong anh 4

Để đối phó với nắng nóng, tránh tia cực tím gây hại cho da, nhiều người phải mặc nhiều lớp áo khoác, đeo khẩu trang, kính khi ra đường. Ảnh: An Huy.

Đối lập với tình cảnh nắng nóng gay gắt kéo dài ở Nam Bộ, thời tiết Bắc Bộ được dự báo có nhiệt độ giảm thấp, xảy ra rét đậm diện rộng do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường.

Không riêng Việt Nam, một số nước thuộc khu vực châu Á như Thái Lan, Philippines, Nhật Bản cũng bước vào giai đoạn nắng nóng lịch sử mà nguyên nhân chính có thể là ảnh hưởng của Elnino và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Giá trị của việc đọc kỹ

Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến ​​thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.

Mai Vũ

Ảnh: Duy Hiệu

Bạn có thể quan tâm