Theo Khmer Times, đến nay, bệnh chikungunya đã lan rộng 15 tỉnh, thành tại Campuchia với hơn 2.000 người nhiễm. Trong đợt bùng phát này, Việt Nam đã nâng mức cảnh báo, đề phòng dịch xâm nhập. Là đầu mối giao thương với Campuchia và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh.
Nguy cơ dịch ở TP.HCM không cao
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho hay Việt Nam có 10 tỉnh giáp Campuchia. Từ năm 2017 đến nay, khu vực phía Nam có tổng cộng 22 chốt giám sát trọng điểm bệnh do virus chikungunya lồng ghép sốt xuất huyết dengue và Zika.
TP.HCM có 2 điểm giám sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM và Bệnh viện Hùng Vương. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus chikungunya. Do đó, nguy cơ xảy ra dịch chikungunya tại TP.HCM không cao.
TP.HCM phun hóa chất diệt muỗi tại trường học. Ảnh: HCDC. |
Chikungunya do muỗi vằn (Aedes) truyền bệnh. Do đó, bác sĩ Nga cho hay việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch này tương tự sốt xuất huyết dengue và bệnh do virus Zika.
"Các biện pháp ngăn chặn sốt xuất huyết đang tiến hành từ nhiều năm nay cũng là cách phòng, chống bệnh chikungunya", bác sĩ Nga nói.
Ngoài ra, thời gian tới, TP.HCM triển khai giám sát trường hợp mắc chikungunya trong các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng
Bệnh chikungunya nguy hiểm như thế nào?
Bác sĩ Lê Hồng Nga cho biết đây là bệnh do virus chikungunya có trong muỗi vằn gây nên. Các địa phương ở Campuchia giáp Việt Nam như Tbong Khnum, TaKeo, Kampot... ghi nhận nhiều người mắc bệnh.
Chikungunya từng gây ra các trận dịch lớn ở châu Phi và châu Á. Tại Việt Nam, chikungunya được phát hiện từ năm 1975. Đây là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng ngừa.
Bệnh nhân điều trị chikungunya tại Campuchia. Ảnh: Khmer Times. |
Bệnh có biểu hiện lâm sàng tương tự sốt xuất huyết dengue và có thể bị chẩn đoán nhầm. Chikungunya còn được gọi “makonde”, nghĩa là tình trạng “uốn cong người về phía trước”, xuất hiện ở các thể nặng của bệnh. Chikungunya hiếm khi gây tử vong nhưng khiến chất lượng cuộc sống người mắc suy giảm do bệnh kéo dài.
Bác sĩ Lê Hồng Nga khuyến cáo mỗi người dân, gia đình, cơ quan, công sở có thể dành 10-15 phút/tuần để dọn dẹp không gian sinh sống, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi.
Với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, người dân có thể thả cá diệt lăng quăng, tránh bị muỗi đốt. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, cơ, khớp hoặc chán ăn, buồn nôn... người dân nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.