Chiều 29/7, Sở Y tế TP.HCM tổ chức họp báo thông tin tình hình dịch Covid-19 và công tác ứng phó của TP.HCM trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, cho biết chúng ta đang phải đối phó với tình huống mới của dịch Covid-19.
Hai ca bệnh mới ở TP.HCM
Chiều nay, theo công bố của Bộ Y tế, TP.HCM có 2 trường hợp được phát hiện mắc Covid-19, đó là BN449 và BN450.
BN499 là nam, 58 tuổi, sống ở Đà Nẵng, quốc tịch Mỹ, có dấu hiệu đường hô hấp từ cuối tháng 6. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân được chuyển qua nhiều khoa do viêm phổi, tràn khí màng phổi. Ngày 24/6, bệnh nhân chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Quốc tế City tối 24/7. Ngày 27/7, Bệnh viện Quốc tế City mới lấy mẫu chẩn đoán Covid-19.
19h ngày 28/7, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cách ly. Song song đó, HCDC đã lập tức khoanh vùng, xử lý trường hợp tiếp xúc, cách ly phòng, chống Covid-19.
Đi cùng bệnh nhân là người vợ. Ngày 26/7, người này này có triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi... Ngày 27/7, bệnh nhân được lấy mẫu và xác định mắc Covid-19.
Hiện tại, 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. BN450 ổn định, không sốt, sinh hiệu ổn, hy vọng không diễn tiến bất thường.
BN449 tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thở oxy, X-quang phổi tổn thương phế nang lan tỏa 2 bên và nhiều bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường, viêm khớp. Ngoài xét nghiệm SARS-CoV-2, bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng. Hiện tại, các bác sĩ sẽ phối hợp nhiều chuyên khoa điều trị cho bệnh nhân.
TP.HCM đang rà soát người từ Đà Nẵng về. Ảnh: Quỳnh Danh. |
TP.HCM rà soát người từ Đà Nẵng về
HCDC thống kê tổng cộng 104 trường hợp tiếp xúc gần, 55 tiếp xúc xa, 147 trường hợp được lấy mẫu, 121 âm tính, 26 chờ kết quả và 1 người đang truy vết.
Các mẫu tiếp xúc gần tại Bệnh viện Quốc tế City đều âm tính. 27 trường hợp tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho kết quả âm tính.
Bác sĩ Dũng đánh giá TP.HCM đã triển khai đồng bộ, khoanh vùng và truy vết đầy đủ, khống chế tình hình có thể lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố. HCDC khẳng định đã kiểm soát được tình hình.
Đây là 2 bệnh nhân trực tiếp đi vào TP.HCM trong bối cảnh cả nước có hàng nghìn người về từ Đà Nẵng. HCDC phân loại thành các nhóm triệu chứng có yếu tố dịch tễ, buộc phải vào khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán Covid-19.
Những trường hợp tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 được công bố hoặc đi vào 1 trong 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, bắt buộc cách ly tập trung.
Chiều nay, HCDC đã phối hợp với 24 quận, huyện để lấy số liệu. Thống kê có gần 6.000 người về từ Đà Nẵng đã được lấy mẫu, 9.000 người đã khai báo y tế.
Có gia đình một trường hợp đi Đà Nẵng nhưng cả gia đình đến đòi xét nghiệm. Nhiều trường hợp đi Đà Nẵng về nhưng cũng không khai báo y tế. Giám đốc HCDC kêu gọi người dân chủ động, đồng lòng khai báo y tế, đảm bảo không để dịch bệnh lây nhiễm.
Về năng lực xét nghiệm của TP.HCM, tổng cộng 13 đơn vị có khả năng làm xét nghiệm Covid-19. Riêng các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM có 5 đơn vị. TP.HCM có chạy 2.000-3.000 mẫu mỗi ngày.
Bệnh viện ở TP.HCM sẵn sàng đón bệnh nhân cách ly
PGS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố đang kích hoạt Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Điều trị Covid-19 sẵn sàng 500 giường điều trị bệnh nhân Covid-19.
47 bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng khu cách ly. Hệ thống điều trị Covid-19 tại TP.HCM sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân.
PGS Tăng Chí Thượng cho biết hiện nay, các bệnh viện tại TP.HCM tăng cường khai báo y tế, cập nhật thêm yếu tố dịch tễ là Đà Nẵng. Hầu hết bệnh viện, phòng khám luôn sẵn sàng khu cách ly hoặc phòng cách ly tạm nhằm hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân khác.
Trung tâm Cấp cứu 115 được huy động vận chuyển bệnh nhân nghi ngờ từ cơ sở y tế ban đầu đến bệnh viện chuyên tiếp nhận cách ly, điều trị Covid-19.
Ngay từ đầu, TP.HCM chủ động hình thành 2 bệnh viện dã chiến ở Củ Chi (quy mô 300 giường) và Cần Giờ (quy mô 200 giường). Điều này góp phần giảm tải cho các bệnh viện tại TP.HCM như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Phó giám đốc Sở Y tế cho biết TP.HCM đề cao phương chân 5 tại chỗ, làm thế nào để người dân cùng ý thức, giám sát và khai báo người có nguy cơ. Thực tế, ngành y tế không thể giám sát triệt để, do đó, sự giúp sức của cộng đồng góp phần ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn.
Ngành y tế TP quyết tâm cách ly triệt để các trường hợp nghi ngờ. TP.HCM kêu gọi người dân bình tĩnh nhưng không chủ quan, có trách nhiệm với bản thân cũng như cộng đồng trong việc chung tay phòng, chống dịch Covid-19.
Trả lời báo chí về chủng virus mới SARS-CoV-2, TS Nguyễn Hữu Lượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết theo một nghiên cứu trên nước ngoài, chủng virus mới đang nổi trội và tăng số ca mắc. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa đủ bằng chứng cho thấy sự thay đổi về độc lực, hướng điều trị.
Buổi họp báo có PGS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, BSCKII Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM và PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM.
Bệnh viện Quốc tế City tạm ngưng khám và tiếp nhận điều trị bệnh nhân nội trú mới. Ảnh: Quỳnh Danh. |