Trong 2 ngày 27 và 28/3, Đoàn Công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc với các đơn vị công an, VKSND, bộ đội biên phòng, Cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm và Đoàn Luật sư TP.HCM về “Việc chấp hành Luật Tố tụng hình sự của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”. Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chủ trì buổi làm việc.
Cũng còn nhiều thiếu sót!
Thượng tá Võ Xuân Thanh, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM, đánh giá cơ quan hải quan, kiểm lâm, bộ đội biên phòng khi tiến hành một số hoạt động điều tra còn bộc lộ một số sơ hở, thiếu sót trong việc lập hồ sơ ban đầu; lấy lời khai đối tượng và người có liên quan; khám xét, thu giữ, bảo quản vật chứng và tài liệu liên quan đến vụ án. Bên cạnh đó, các vụ án do hải quan chuyển đến đôi khi không còn đối tượng (do đã xuất cảnh) hoặc công bố thông tin trên báo quá sớm khiến đối tượng liên quan kịp đối phó.
Ông Phạm Văn Gòn, Viện trưởng VKSND TP.HCM, báo cáo với Đoàn Công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. |
Cán bộ các phòng an ninh, cảnh sát thuộc Công an TP.HCM được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phần lớn có trình độ tương đương cử nhân luật, nắm vững quy trình tố tụng nhưng ít được cập nhật các hướng dẫn dưới luật nên đôi khi xác định không chính xác dấu hiệu định tội.
Trong 3 năm (2011-2013), có 1.098 vụ bị VKSND trả hồ sơ để CQĐT điều tra bổ sung. Nghiêm trọng nhất là những vụ xác minh không đủ tiền án, tiền sự (là tình tiết tăng nặng hoặc định tội) và kết luận sai lai lịch bị can dẫn đến phải điều tra lại. Từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2013, Công an TP.HCM có 26 trường hợp điều tra viên, cán bộ điều tra bị kỷ luật do làm sai công vụ.
Nhục hình tiền khởi tố ảnh hưởng quá trình điều tra
Báo cáo tại buổi làm việc, Thượng tá Võ Xuân Thanh khẳng định: "Trong 3 năm qua, toàn lực lượng CQĐT Công an TP.HCM không để xảy ra tình trạng phải bồi thường thiệt hại, bức cung, nhục hình. Nhục hình nếu có chỉ xảy ra chủ yếu ở giai đoạn tiền khởi tố". Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cũng cho biết: “Thường do các điều tra viên bị thách thức, không kiềm chế được; nóng ruột với kết quả, vì sức ép nên làm những việc quá trách nhiệm của mình hoặc đối với tội phạm nguy hiểm mới dẫn đến tình trạng bức cung, nhục hình. Giải pháp tốt nhất chính là bản chất, khí chất của cán bộ. Do đó, khi lựa chọn điều tra viên, cần chọn những người không xuất thân từ những gia đình có bạo hành hoặc cha mẹ chia tay”.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng: “Nếu trước khi khởi tố mà đã bức cung, nhục hình, đánh người ta đến mức phải nhận tội thì rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều tra”. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhìn nhận báo cáo của Công an TP.HCM khẳng định không có oan sai, không có bức cung, nhục hình là điều đáng ghi nhận. Công an TP.HCM cần phải nêu ra những biện pháp để giám sát việc chống bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, băn khoăn: “Hầu như trong thực tế, hành vi bức cung, dùng nhục hình chỉ bị truy tố khi bị can, bị cáo chết hoặc vụ việc oan sai được phát hiện. Thời gian qua, vẫn còn nhiều vụ bức cung, dùng nhục hình xảy ra trên cả nước. Phải chăng chỉ khi có chứng cứ chứng minh rất rõ ràng mới có thể khởi tố hành vi này? Nếu nói ở một địa bàn phức tạp như TP.HCM hoàn toàn không có bức cung, dùng nhục hình thì khó thuyết phục”.
Kết luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh: “Để hạn chế thấp nhất việc bức cung, nhục hình, có thể dùng camera để giám sát, tuyên truyền đối với đội ngũ điều tra viên, cho luật sư tham gia ngay từ đầu vụ án... Tất cả những phương pháp này đều cần phải được nhân rộng toàn quốc”.