Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số giáo dục - Từ cốt lõi đến toàn diện” diễn ra sáng 28/10, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho hay sử dụng AI để đánh giá và định hướng tổng quát hiện là một trong các mục tiêu chính trong chuyển đổi số của ngành Giáo dục TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến 2030.
"Sử dụng AI trong giáo dục không phải là sử dụng robot hình người thay thế giáo viên mà là sử dụng trí thông minh trong máy tính để giúp đỡ học sinh và giáo viên", ông Quốc bổ sung sử dụng AI để phân tích trên nền Big Data còn có thể giúp các nhà quản lý giáo dục có định hướng tổng quát và chính xác hơn.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc. Ảnh: Thuận Văn. |
Theo đó, sử dụng AI trong giáo dục sẽ tập trung vào 3 mục đích chính: phân tích nhu cầu và khả năng của từng học sinh, phản hồi thắc mắc và định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Ông Quốc cho hay sử dụng AI trong giáo dục có thể hỗ trợ giáo viên phân tích việc học, những nội dung, chủ đề nào học sinh chưa nắm vững, từ đó đáp ứng nhu cầu học tập của từng học sinh. Nhờ đó, học sinh ở mọi trình độ khác nhau có thể cùng nhau học tập trong một lớp học và có định hướng học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của riêng mình.
Với vai trò như trợ lý, AI chatbot có thể giúp giáo viên làm những công việc đơn giản nhưng tốn thời gian như phản hồi thường xuyên cho giáo viên và học sinh, truyền thụ kiến thức gián tiếp, chấm điểm, hướng dẫn giải bài tập cơ bản, lưu trữ thông tin điểm số hay theo dõi quá trình học tập của học sinh…
Không chỉ là công cụ hỗ trợ giáo viên, AI chatbot trong giáo dục còn giúp học sinh dễ dàng tìm kiếm thông tin, đặt câu hỏi liên quan đến bài học và nhanh chóng có được câu trả lời chính xác. Ngoài ra, phụ huynh có thể sử dụng AI chatbot để trao đổi về các vấn đề quản lý thường ngày trong trường học.
Cuối cùng, hệ thống AI đặc biệt hữu ích trong công tác định hướng giáo dục. Bằng các nhận xét cá nhân hóa, học sinh được gợi ý các ngành nghề phù hợp dựa trên dữ liệu học tập cá nhân AI thu nhận và phân tích trong toàn bộ thời gian học tập.
Ngoài sử dụng AI để đánh giá và định hướng giáo dục, giáo dục TP.HCM hướng đến sử dụng Blockchain để quản lý dữ liệu.
Ông Quốc đánh giá công nghệ này có thể hạn chế tối đa những vấn đề về gian lận điểm số, bằng cấp. Bên cạnh công tác xác thực bằng cấp, điểm số có thể được thực hiện tự động và đáng tin cậy, việc chuyển trường, liên thông văn bằng hay hồ sơ cũng có thể được thực hiện đơn giản, nhanh chóng và ít tốn công sức.