TP.HCM vừa phát hiện chùm ca bệnh phức tạp, có quy mô lan rộng nhất từ trước đến nay liên quan nhóm người sinh hoạt tôn giáo tại phường 3, quận Gò Vấp. Các bệnh nhân và người liên quan trải khắp 16 quận, huyện.
Bệnh nhân đầu tiên được xét nghiệm Covid-19 dù không có yếu tố dịch tễ
Ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết nhờ phản ứng nhanh của nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), thành phố mới phát hiện sớm chùm ca bệnh này.
Trước đó, sau khi nhận thông tin khai báo y tế của chị N.T.K.C. (38 tuổi, ngụ tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn), nhân viên y tế đã kịp thời hướng dẫn ngay người bệnh đến buồng khám sàng lọc. Người này không có yếu tố dịch tễ nhưng xuất hiện triệu chứng sốt, ho, mất khứu giác.
Các bác sĩ tạm thời giữ người bệnh ở buồng cách ly để lấy mẫu xét nghiệm. Khi người này có kết quả dương tính, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chủ động liên hệ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) và đưa chị C. về Bệnh viện dã chiến Củ Chi để điều trị.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng trực tiếp chỉ đạo truy vết tại khu vực liên quan 6 ca dương tính nCoV. Ảnh: Duy Hiệu. |
Với trường hợp 2 vợ chồng ở phường Thạnh Lộc, quận 12, cơ sở y tế này áp dụng biện pháp sàng lọc, lấy mẫu xét nghiệm tương tự. Tuy nhiên, người vợ có dấu hiệu mệt, huyết áp thấp, tình trạng diễn biến nặng. Vì vậy, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, thống nhất với Giám đốc HCDC đưa bệnh nhân về cơ sở y tế này theo dõi.
Trong đêm, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng và Phó giám đốc HCDC Phan Thanh Tâm trực tiếp đến tòa nhà Sogetraco, nơi làm việc của chị C. để chỉ đạo truy vết và xét nghiệm những người liên quan. Tại tòa nhà này, trong 9 người tiếp xúc gần với bà C., 6 trường hợp dương tính với nCoV.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết qua điều tra dịch tễ, ngành y tế tình cờ phát hiện được điểm chung của 3 người này là cùng sinh hoạt trong nhóm tôn giáo tại quận Gò Vấp.
Lực lượng chức năng phong tỏa con hẻm nơi bệnh nhân ở quận 3 sinh sống. Ảnh: Chí Hùng. |
"Như tia sáng, chúng tôi lập tức điều tra dịch tễ và xác định được nơi sinh hoạt của nhóm tôn giáo này. Toàn bộ hội viên, bao gồm mục sư, thư ký hội được lấy mẫu xét nghiệm. Cũng từ đây, ổ dịch này được ngành y tế phát hiện. Chúng tôi xác định đây sẽ là đêm rất dài của nhân viên y tế", bác sĩ Dũng nói.
Lúc gần 22h ngày 26/5, nguồn tin của Zing cho biết qua điều tra sơ bộ, nhóm tôn giáo có 24 người. Các bệnh nhân cho biết trong giáo phái có nhiều người bị sốt. Ngay lập tức, HCDC đã chỉ đạo Trung tâm Y tế quận Gò Vấp kích hoạt đội đáp ứng nhanh điều tra, truy vết ngay trong đêm.
Ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng nhất
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, sau khi phát hiện ổ dịch này, các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM cần rút thêm bài học kinh nghiệm qua trải nghiệm thực tiễn của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Hiện tại, toàn bộ nhân viên khoa Khám bệnh, Cấp cứu của bệnh viện này đã được kiểm tra xét nghiệm và có kết quả âm tính. Bệnh viện đang tiếp tục tầm soát mẫu gộp cho hơn 2.000 nhân viên và bệnh nhân đang điều trị nội trú.
Ông Tăng Chí Thượng nhận định khi dịch bệnh xuất hiện trong cộng đồng, việc phát hiện sớm ca mắc ngay từ khi người bệnh đến cơ sở y tế khám (do xuất hiện các triệu chứng) trở thành trách nhiệm quan trọng của các bệnh viện.
"Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của mỗi bệnh viện trong giai đoạn hiện nay là không để dịch bệnh lây lan trong cơ sở y tế, cung cấp thông tin để điều tra, truy vết, phát hiện ra các ổ dịch trong cộng đồng", ông Thượng nhấn mạnh.
"Ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng nhất từ trước đến nay" - đó là nhận định của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Chuyên gia này nhấn mạnh thành phố cần có biện pháp tương xứng thông qua việc khoanh vùng, truy vết. Bởi chúng ta vẫn chưa nắm chắc rằng nguồn lây nhiễm đến đâu. Hiện tại, dịch lây lan rất rộng, các F0, F1, F2 và người liên quan phân bố khắp 16 quận, huyện.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho gần 1.000 người dân quận Bình Thạnh. Ảnh: Hoàng Giám. |
Chuyên gia này cho biết thêm tình hình dịch ở TP.HCM hiện tại "khá phức tạp, chưa thể nói trước được gì". Tuy nhiên, trước yêu cầu tạm ngừng hoạt động không thiết yếu và dịch vụ không cần thiết, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, không quá lo lắng.
"Đây là những hành động quyết liệt của TP.HCM để ngăn chặn đỉnh dịch có thể xảy ra. Người dân nên tuyệt đối tuân thủ, tự xem xét nguy cơ, ghi lại nhật ký di chuyển", ông nói.
Tính đến chiều 27/5, thành phố đã ghi nhận 36 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2, trong đó, 29 người là hội viên, 7 trường hợp là F1 (4 người làm việc chung tòa nhà tại quận Phú Nhuận và 3 bệnh nhân tiếp xúc gần ở nơi cư trú). Các bệnh nhân cư trú phân bố ở 8 quận, huyện gồm quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè và TP Thủ Đức.
Theo HCDC, 19 trường hợp có triệu chứng. Các bệnh nhân có triệu chứng khởi phát sớm nhất được ghi nhận bắt đầu từ ngày 13/5. Bốn trường hợp không xuất hiện triệu chứng. 13 người không rõ triệu chứng.
Các quận, huyện có liên quan ổ dịch này là TP Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh, quận 1, 3, 4, 5, 10, 12.
Trước đó, TP.HCM có ghi nhận 7 ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Người đầu tiên là anh N.Q.N. (nam, 35 tuổi), BN4514, trú tại chung cư Sunview Town, đường Gò Dưa, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức.
Người thứ 2 là Đ.T.T.M., nữ, trú tại phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM. HCDC nhận định nguồn lây nhiễm nCoV của bệnh nhân 4514 là từ BN4583 do có yếu tố dịch tễ Hải Phòng.
Ca dương tính thứ 3 là bà Đ.T.T. (58 tuổi) trú tại hẻm 287, Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, TP.HCM. Bà chủ quán bánh canh. Sau đó, 3 người con gái và cháu ngoại của bà T. cũng nhiễm nCoV. Ngoài ra, một người bán hàng đối diện quán bánh canh cũng có kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính nCoV.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.