Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM tổ chức năm học mới như thế nào khi dịch bệnh phức tạp?

TP.HCM có khoảng 6.600 học sinh các cấp học là F0, hầu hết không có triệu chứng nên việc học sinh tiếp tục tham gia học tập trên môi trường Internet là khả thi.

Chuẩn bị thế nào cho học sinh bước vào năm học mới là thông tin được ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đưa ra tại họp báo chiều 4/9.

Tại họp báo, Zing đặt câu hỏi về việc trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát, TP.HCM có nên lùi thời gian bắt đầu năm học sau 15/9 để học sinh cũng như giáo viên ổn định tinh thần, tập trung vào việc dạy và học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết để chuẩn bị cho năm học mới, ngành giáo dục đứng trước rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là tất cả học sinh không được đến trường mà phải học trực tuyến.

Nam hoc moi tai TP.HCM anh 1

Học sinh TP.HCM chuẩn bị bước vào năm học mới bằng hình thức học trực tuyến. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Không tựu trường, không khai giảng

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết toàn thành phố sẽ không có tựu trường, không khai giảng. Từ ngày 6/9, học sinh THCS, THPT sẽ bắt đầu năm học mới. Sở tiếp tục củng cố số lượng học sinh và rà soát điều kiện lớp học. Lớp nào thuận tiện sẽ bước vào chương trình, lớp nào khó khăn thì tiếp tục rà soát để tham mưu thành phố hỗ trợ học sinh.

Riêng tiểu học thì tập trung ngày 8/9 và có khoảng 2 tuần để làm quen với lớp và ôn tập, củng cố kiến thức. Sở đặc biệt chú trọng việc hướng dẫn học sinh lớp 1, 2 làm quen môi trường mới. Do đó, với lớp 1, 2, phụ huynh và học sinh phải phối hợp chặt chẽ để giúp các em làm quen môi trường mới, sở dành hơn 2 tuần cho 2 bên có thời gian chuẩn bị.

Sở đã phối hợp đài truyền hình, chọn các thầy cô có kinh nghiệm để giảng dạy các chương trình trên truyền hình. Hiện, sở đã ghi hình được khoảng 10 tuần. Theo kế hoạch, dự kiến dạy trực tuyến hết học kỳ I nên sở nghiên cứu tiết học trên truyền hình và sẽ phát hành cuối tháng 9. Học sinh có thể phối hợp học trên truyền hình và các hình thức khác.

Với giáo viên đang tham gia phòng, chống dịch, ông Hiếu cho biết các thầy cô có thể tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi kết thúc. Do thời lượng học không nhiều, các giáo viên có thể phân chia công việc với nhau.

Bên cạnh đó, do các trường dạy học trên Internet nên một giáo viên có thể dạy học cùng lúc nhiều lớp. Trường có thể chọn giáo viên có kinh nghiệm để một giờ dạy thì cả khối tham gia học.

Thầy cô có thể phân công, hướng dẫn việc học trên các phần mềm quản lý. Học sinh học tập trên phần mềm và giáo viên sẽ theo dõi, đánh giá quá trình học tập của học sinh.

“Giáo viên đang chống dịch rất khó khăn quay lại dạy học nên chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho các thầy cô thời gian nghỉ ngơi để tiếp tục giảng dạy trong học kỳ I”, ông Hiếu chia sẻ.

Với gia đình và học sinh F0, ông Hiếu cho biết chính ông từng tiếp xúc với các trường hợp này. Đa số học sinh là F0 thường không có triệu chứng. TP.HCM có khoảng 6.600 học sinh các cấp học đang là F0, hầu hết không có triệu chứng. Do đó, ông Hiếu cho rằng học sinh có thể tiếp tục tham gia học tập trên môi trường Internet trong thời gian cách ly.

Giám đốc Sở GDĐT cho biết có gia đình cả cha lẫn mẹ là F0, thậm chí không qua khỏi. Thầy, cô giáo đều biết các trường hợp này và đã gọi điện để chia sẻ, trao đổi, giảm bớt đau thương cho các em học sinh. Một số em đã quay lại lớp học từ ngày 1/9 và các giáo viên đều nỗ lực để giúp học sinh hòa nhập lại, giảm bớt đau thương khi ở trong môi trường tập thể, tiếp tục học tập, rèn luyện.

Nam hoc moi tai TP.HCM anh 2

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu. Ảnh: Thu Hằng.

Học sinh thiếu điều kiện học trực tuyến, sở xử lý sao?

Theo thống kê, khoảng 75.000 học sinh ở các cấp học thiếu điều kiện học tập trực tuyến. Trong đó, cấp tiểu học nhiều nhất với khoảng 31.000 em; THCS khoảng 22.000 và THPT hơn 15.000 em.

Sở đã làm việc với các trường để làm sao cho học sinh, phụ huynh dù gặp khó khăn trong thiết bị học tập. Với học sinh không có thiết bị học tập trực tuyến thì 100% các trường có sách điện tử và tất cả video clip ghi hình bài giảng đều đăng trên website trường. Với lớp 1, 2, sở đã tổ chức ghi hình bài giảng trên truyền hình.

Sở cho biết khoảng 5% học sinh không tiếp cận tất cả hình thức học trực tuyến. Sở sẽ dùng mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ từng nhà. Tất cả phường đều có mạng lưới cộng tác viên để đưa phiếu học tập, hướng dẫn học sinh từng tuần.

Sở cũng làm việc với nhà cung cấp thiết bị điện tử để hỗ trợ dạy học trên môi trường Internet và được các đơn vị sẵn sàng hỗ trợ đường truyền Internet, máy móc thiết bị. Qua đó, sở sẽ giới thiệu cho trường các gói vay trả góp không lãi, cung cấp đường truyền cho phụ huynh, học sinh...

Về sách giáo khoa, Bưu điện TP và Viettel Post đang hỗ trợ sở và từ nay đến 6/9 sẽ hoàn tất giao sách giáo khoa (SGK) cho các trường. Mỗi trường sẽ có 5 giáo viên được Công an TP.HCM cho phép đến trường để hỗ trợ các đơn vị vận chuyển SGK cho học sinh từ ngày 5 đến 6/9. Sở đã sắp xếp xong và thầy cô các trường nỗ lực đem SGK cho học sinh trong thời gian sớm nhất.

Sở xác định học trực tuyến đến hết học kỳ I và sẽ xây dựng kế hoạch dạy học sau khi kiểm soát được dịch. Theo đó, giáo viên sẽ ưu tiên củng cố kiến thức cho các học sinh thiếu thiết bị học tập hoặc học không hiệu quả trên Internet.

Ông Hiếu cho biết Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có kiến nghị Bộ GD&ĐT. Theo đó, dù thành phố học theo lịch của bộ đúng ngày 6/9, thời gian kết thúc có thể kéo dài khoảng 2 tuần để củng cố chất lượng cho học sinh khi học trực tuyến.

Ngày 6/9, học sinh THCS, THPT, giáo dục thường xuyên của TP.HCM sẽ chính thức bước vào năm học mới. Ngày 8/9, học sinh tiểu học sẽ làm quen với lớp mới, được hướng dẫn cách thức học tập trước khi bắt đầu chương trình năm học từ ngày 19/9.

Sở GD&ĐT cho biết khoảng 4% học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến. Ở bậc tiểu học, con số này là khoảng 8,5%. Ở bậc tiểu học, số liệu thống kê của sở đến sáng 3/9 cho thấy khoảng 53.349 học sinh (8,5%) không có điều kiện tham gia học trực tuyến.

Hơn 200 phụ huynh trường chuyên Trần Đại Nghĩa gửi đơn cầu cứu

Những năm trước, số học sinh lớp 9 của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đỗ vào lớp chuyên, không chuyên là khoảng 90% nhưng năm nay phải xét tuyển, tỷ lệ này chỉ khoảng 28%.

Thu Hằng - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm