Nhiều ngày qua, số ca mắc Covid-19 mới được Bộ Y tế công bố tại TP.HCM liên tiếp giảm mạnh dưới mức 1.000 người/ngày. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng và tử vong tại thành phố này vẫn chưa giảm nhiều.
Trong ngày 24/12, TP.HCM đứng thứ 8 cả nước về số ca nhiễm ghi nhận trong 24 giờ. Đây là tín hiệu rất khả quan sau nhiều tháng liên tiếp thành phố này luôn có số ca mắc mới cao nhất cả nước.
Tỷ lệ nhiễm ở TP.HCM đang giảm
Từ đầu tháng 12 đến nay, số ca nhiễm mới trên địa bàn TP.HCM có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt, trong 5 ngày qua, thành phố ghi nhận dưới mốc 1.000 ca bệnh/ngày, thấp nhất trong vòng hơn 170 ngày qua.
Bên cạnh sự mở rộng số lượng vùng xanh, các ổ dịch thu hẹp, tỷ lệ nhiễm/100.000 người/tuần tại địa bàn này cũng có chiều hướng giảm.
Ngành y tế thành phố xác định nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, có bệnh nền) chưa tiêm vaccine là một trong nguyên nhân lớn nhất khiến tỷ lệ F0 tử vong cao.
Từ đầu tháng 12, Sở Y tế TP.HCM chính thức phát động chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao. Trong 3 ngày qua, số ca tử vong ở thành phố giảm còn dưới 40 ca/ngày. Điều này cho thấy chiến dịch bảo vệ người nguy cơ của TP.HCM bước đầu cho kết quả khả quan.
10 tỉnh, thành phố có số lượng F0 cao nhất trong 7 ngày (18/12-24/12) | |||||||||||
Nguồn: Bộ Y tế. | |||||||||||
Nhãn | Hà Nội | Cà Mau | Tây Ninh | TP.HCM | Đồng Tháp | Bến Tre | Cần Thơ | Khánh Hòa | Vĩnh Long | Bến Tre | |
Trung bình số F0 trong 7 ngày | người | 1603 | 1277 | 941 | 854 | 785 | 771 | 778 | 727 | 707 | 564 |
TP.HCM thiếu nguồn oxy y tế
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM đã gửi văn bản đề nghị các đơn vị điều tiết trong việc tiêu thụ lượng oxy y tế.
Cơ quan này cho biết trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, lượng oxy sử dụng cho công tác điều trị người bệnh trên địa bàn dao động 300-350 tấn/ngày.
Tuy nhiên giai đoạn hiện nay, một số công ty trước đó cung ứng oxy y tế chuyển sang sản xuất oxy cho ngành công nghiệp, trong khi nhu cầu oxy y tế ở các tỉnh khu vực phía Nam có xu hướng gia tăng, do đó, có hiện tượng chậm cung ứng oxy y tế tại các bệnh viện.
Bình oxy lỏng với dung tích 6000l, phục vụ hoàn toàn cho việc cung cấp oxy cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện tầng 2 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Để đảm bảo không bị gián đoạn nguồn oxy trong công tác điều trị Covid 19 và các bệnh lý khác tại các bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM đề nghị tất cả bệnh viện cần tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, lựa chọn các phương tiện hỗ trợ hô hấp phải phù hợp với tình trạng bệnh.
Ngoài ra, các đơn vị cần đánh giá nhu cầu sử dụng oxy hàng ngày của đơn vị để xây dựng kế hoạch cung ứng oxy, đảm bảo không bị gián đoạn oxy trong điều trị.
Trước đó, ngày 23/12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cũng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc cung cấp oxy y tế phục vụ điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn.
Theo UBND TP, trong thời gian cao điểm, thành phố có 11 đơn vị cung cấp oxy y tế, công suất tối đa 842 tấn oxy lỏng/ngày. TP.HCM đã đầu tư hơn 15.000 giường oxy (khẩu thở) với lượng oxy tối đa khảong 719 tấn/ngày. Thực tế, lượng oxy lỏng tiêu thị trong giai đoạn cao điểm dịch là khảong 380 tấn/ngày.
Trong giai đoạn hiện nay, lượng oxy y tế được cung cấp chỉ chiếm tỷ trọng thấp, đạt khoảng 21% so với giai đoạn cao điểm dịch, có nguy cơ cao xảy ra tình trạng thiếu hụt oxy y tế trong thời gian tới.
Nhân viên y tế vác bình oxy đến phòng cấp cứu cho F0 nặng bị suy hô hấp (giai đoạn Bệnh viện dã chiến số 6 chưa có bồn oxy lỏng). Ảnh: Duy Hiệu. |
Thực tế thời gian qua, nhất là từ đầu tháng 12, có tình trạng một số bệnh viện tại TP.HCM rất khó khăn khi yêu cầu cung cấp oxy lỏng. Các đơn vị cung cấp cũng trong tình trạng sản xuất không đủ đáp ứng, không có oxy lỏng dữ trữ để cung cấp khi có tình huống cấp bách.
UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Công thương có biện pháp điều phối, tiết giảm nguồn khí công nghiệp cung cấp cho ngành sản xuất thép trong 3 tháng tới, nhất là thời gian Tết Nguyên đán năm 2022, nhằm đảm bảo đủ nguồn cung ứng oxy cho các cơ sở y tế tại TP.HCM để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
4 bệnh viện Trung ương chi viện TP.HCM
Sau đề nghị chi viện khẩn 3.000 nhân viên tế của UBND TP.HCM, ngày 24/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có văn bản phản hồi.
Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã phân công 4 bệnh viện trực thuộc gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các cơ sở y tế của TP.HCM.
Bệnh viện Trung ương Huế được Bộ Y tế chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ TP.HCM điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Chí Hùng. |
Do đó, Bộ đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với 4 bệnh viện nêu trên để được hỗ trợ về chuyên môn.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cảnh báo dịch trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, biến chủng Omicron đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, do đó, thành phố phải luôn trong tâm thế như "đã xuất hiện biến chủng mới".
Người dân cần thực hiện tốt nhất có thể các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là biện pháp 5K, cố gắng thực hiện các thói quen tốt như đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm bớt việc tụ tập, ngồi với khoảng cách gần để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.