Những ngày qua, hình ảnh biển người tại các khu vui chơi ở Vũng Tàu, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang khiến nhiều chuyên gia lo lắng nguy cơ bùng phát dịch ở những nơi này.
Khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, người từ các địa phương chuẩn bị đổ về thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Điều đó khiến những nơi này đối mặt nguy cơ bùng dịch Covid-19.
Sau nghỉ lễ, lượng người về TP.HCM và Hà nội rất lớn
Chia sẻ với Zing, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết cơ quan này chưa xác định được chính xác số lượng người dân từ các tỉnh sẽ trở lại thành phố làm việc sau nghỉ lễ. Tuy nhiên, số lượng dự báo có thể rất lớn.
"Do số lượng người về thành phố có thể rất cao, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM khuyến cáo người dân khai báo y tế tại nơi làm việc. Đối với người trở về từ địa phương có dịch Covid-19, thành phố áp dụng biện pháp cách ly tập trung và theo dõi sức khỏe tại nhà", đại diện HCDC nói.
Chiều 2/5, lượng người từ các tỉnh đổ về TP.HCM sau kỳ nghỉ lễ khiến đường dẫn vào phà Cát Lái kẹt hơn 2 km. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết cơ quan này nhiều lần phát đi các cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại thành phố.
Trong bối cảnh một số địa phương xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng, trong và sau kỳ nghỉ lễ, HCDC khuyến cáo người dân ghi chép lại lịch sử di chuyển, tiền sử tiếp xúc, đặc biệt là những người rời khỏi thành phố, đến tỉnh, thành khác.
Ngoài ra, trong bối cảnh này, người dân cần theo dõi thông tin, khuyến cáo, thông báo từ ngành y tế. Tùy trường hợp cụ thể, HCDC sẽ có kế hoạch theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 phù hợp.
Theo HCDC, TP.HCM chỉ áp dụng biện pháp cách ly tập trung đối với người đến từ một số thôn, xã thuộc tỉnh Hà Nam và Hưng Yên.
Cụ thể, người rời xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) từ 22/4 đến nay và các thôn Hoàng Xá, Hoàng Các, Nại Khê, xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) từ 29/4 đến nay sẽ phải áp dụng biện pháp cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm.
TP.HCM yêu cầu áp dụng biện pháp lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà đối với người rời Khu Trung (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội) tới thành phố từ ngày 22/4 đến nay.
"Thành phố sẽ còn nguy cơ rất cao. Do đó, chúng tôi yêu cầu và hy vọng người dân khai báo trung thực", đại diện HCDC chia sẻ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên cho người dân ở các điểm du lịch, vui chơi, trung tâm thương mại tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trao đổi với Zing, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, nhận định số lượng người đổ về Hà Nội khi kỳ nghỉ lễ kết thúc là rất lớn. Do đó, lãnh đạo CDC Hà Nội cũng đánh giá nguy cơ lây lan virus trong cộng đồng thành phố là rất cao.
Trước tình hình này, UBND thành phố Hà Nội đã phát công điện số 05 yêu cầu tất cả người dân khi quay trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 bắt buộc phải khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc mã QR code, ứng dụng công nghệ thông tin hoặc khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cứ trú.
“Không chỉ từ những địa phương có dịch, mọi người dân ở tất cả tỉnh, thành phố, khi ra khỏi Hà Nội trở về đều phải khai báo y tế”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, thủ trưởng các đơn vị, cơ quan trên địa bàn Hà Nội, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của cấp dưới, người dân trực thuộc.
Công an TP. Hà Nội cần chỉ đạo, phối hợp tổ Covid-19 cộng đồng lập danh sách người dân quay trở lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ để giám sát, đồng thời xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không khai báo hoặc khai báo không trung thực.
Cần kiểm soát người trở về sau kỳ nghỉ
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, đánh giá Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 cao do những ảnh hưởng từ quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng như Campuchia, Lào...
“Trước thực trạng số lượng người dân về quê, đi du lịch trong thời gian nghỉ lễ cao, nếu có một trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, virus này sẽ lây lan rất nhanh, gây khó khăn trong việc truy vết”, ông Phu nói.
Phố đi bộ Bùi Viện (TP.HCM) đông đúc sau thời gian tạm đóng cửa vì dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Với những trường hợp nhập cảnh hợp pháp, chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề trong khâu cách ly như ở Yên Bái hay Đà Nẵng. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch ở mọi nơi là rất lớn.
Ông Phu cho rằng trước khi kỳ nghỉ lễ kết thúc, các địa phương, đặc biệt là những thành phố lớn cần tăng cường biện pháp phòng bệnh, đẩy mạnh việc phát hiện ca nhiễm sau khi một lượng lớn người dân từ nơi khác trở về.
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhấn mạnh TP.HCM sẽ còn nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Đặc biệt, trong hoàn cảnh Covid-19 bùng phát tại Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội..., và nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận các trường hợp tiếp xúc gần.
"Những người rời TP.HCM để về quê, đi du lịch, nghỉ dưỡng sẽ nhanh chóng trở về thành phố khi kỳ nghỉ kết thúc. Lúc này, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM phải nâng mức độ phòng dịch lên cao nhất", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Tính từ 29/4 đến 15h ngày 3/5, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 24 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Việt Nam cùng lúc phải đối mặt 2 chùm ca bệnh tại Hà Nam và Vĩnh Phúc.
Tại Hà Nam, ca F0 là người đàn ông 28 tuổi, được phát hiện dương tính nCoV sau khi hoàn tất cách ly tập trung. Từ ca bệnh này, Hà Nam xác định thêm nhiều người mắc Covid-19 là F1 và F2 tại Hà Nam (9), Hưng Yên (2) và Hà Nội (3), TP.HCM (1).
Tại ổ dịch Vĩnh Phúc, 6 người liên quan chuyên gia Trung Quốc mắc Covid-19, trong đó 2 trường hợp cư trú tại Hà Nội. Các trường hợp F1, F2 đang tiếp tục được truy vết. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, số lượng người dương tínhcó thể chưa dừng lại.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, UBND TP.HCM chỉ đạo tiếp tục dừng các hoạt động massage, xông hơi, sân khấu ca nhạc, rạp phim, trò chơi điện tử, từ 18h ngày 3/5.
Tại Hà Nội, sau khi tạm dừng hoạt động quán bar, karaoke, massage, thủ đô tiếp tục yêu cầu dừng đón khách tại các điểm du lịch. Quán cà phê, quán ăn vỉa hè cũng được lệnh tạm thời đóng cửa.