Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Trà chanh giã tay đắt khách, 'đồng hương' cà phê ớt thì không

Sự tương đồng về khẩu vị, đồng thời được Kpop và Cpop lăng xê, các món ăn vặt Hàn, Trung nhanh chóng 'hot' tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng thu hút khách Việt.

Sự tương đồng về khẩu vị, hình thức và hương vị mới lạ, giúp các món ăn Hàn Quốc, Trung Quốc nhanh chóng 'hot' tại Việt Nam. Ảnh: Thuỵ Trang.

Chủ quầy hàng bánh đồng xu thanh lý thiết bị, trà chanh giã tay vãn khách, trà sữa nướng Vân Nam cũng hết cảnh xếp hàng..., hàng loạt trào lưu ăn vặt du nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc dần hạ nhiệt sau thời gian gây sốt.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận "sức nóng" của những món ăn, thức uống này đối với giới trẻ trong giai đoạn đầu mới xuất hiện. Trên mạng xã hội, hàng trăm cư dân mạng Gen Z kể việc phải xếp hàng hoặc đi rất xa, miễn sao check-in được với chiếc bánh hình đồng xu nhân phô mai kéo dài hoặc set trà ngập nguyên liệu, nghi ngút khói.

Đây không phải lần đầu tiên các món ăn đường phố của Hàn Quốc, Trung Quốc nổi tiếng tại Việt Nam. Trước đó, mì cay Hàn Quốc, lẩu tự sôi Trung Quốc... cũng được thực khách Hà Nội, TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành khác săn tìm.

Tại sao giới trẻ Việt mê mệt đồ ăn vặt Hàn, Trung?

"Sự tương đồng về khẩu vị giúp các món ăn Hàn Quốc, Trung Quốc nhanh chóng 'hot' tại Việt Nam", ông Hoàng Tùng, founder nhiều đơn vị F&B (Pizza Home Việt Nam, Coffee Bike…), nhận xét về những món ăn đường phố du nhập.

Theo ông, nền ẩm thực Hàn Quốc, Trung Quốc có bề dày phát triển và hương vị ổn định, dễ tiếp cận đến các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, người làm ẩm thực của Hàn, Trung cũng rất sáng tạo, nhanh chóng cho ra mắt nhiều món mới với hình thức và hương bị mới lạ. Những yếu tố đó tổng hòa khiến người Việt không ngại chi tiền trải nghiệm.

Trong khi đó, món ăn đường phố của một số nước như Indonesia, Lào, Campuchia… lại không mấy phổ biến bởi chú trọng vào hương vị truyền thống, vốn khó tiếp cận nhóm khách hàng trẻ nước ngoài.

mon an Han Quoc anh 1

Trà sữa nướng Vân Nam được lòng người trẻ Hà Nội khi xuất hiện vào giai đoạn mùa đông. Ảnh: Thụy Trang.

Đồng quan điểm, ông Trần Trung Hiếu (Ricky Trần), founder Trung tâm đào tạo kinh doanh nhà hàng, quán cà phê FnB Academy, cho biết ngoài có sự tương đồng khẩu vị, còn hai yếu tố quan trọng giúp ẩm thực Hàn Quốc và Trung Quốc thành công tại thị trường Việt Nam.

Thứ nhất, làn sóng văn hóa Kpop và Cpop ảnh hưởng đến sở thích, hành vi tiêu dùng của giới trẻ Việt. Điển hình, món thịt nướng, gà rán xuất hiện dày đặc trong phim ảnh, ca nhạc Hàn Quốc, sau đó trở nên phổ biến tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Há cảo Trung Hoa cũng là một ví dụ tương tự.

Thứ hai, mạng xã hội, đặc biệt là nền tảng video ngắn, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin về các món ăn lạ từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến người trẻ Việt Nam.

“Khách hàng khi xem các món ăn nổi tiếng bên nước bạn qua nền tảng mạng xã hội sẽ có xu hướng tò mò, muốn được nếm thử. Nắm bắt được xu thế này, nhiều quán đã mở bán để khách hàng có thể thưởng thức món ăn mới lại mà không cần tốn chi phí, thời gian đến nước ngoài”, ông Ricky Trần cho hay.

Ông Ricky Trần cũng đưa ra quan điểm rằng những món theo trào lưu thường 'sớm nở, tối tàn", doanh nghiệp cần linh hoạt và nắm bắt xu hướng để tăng doanh số ngắn hạn. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp cần có lõi mô hình kinh doanh, thương hiệu và sản phẩm riêng để giữ chân khách hàng, tạo dấu ấn riêng biệt.

"Nếu doanh nghiệp chỉ theo đuổi xu hướng mà không xây dựng lợi thế cạnh tranh với sản phẩm và thương hiệu của mình, họ sẽ liên tục phải chạy theo xu hướng mới", ông Ricky Trần nhận định.

Cà phê ớt "im hơi lặng tiếng"

Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào đang "gây sốt" tại Hàn Quốc, Trung Quốc cũng có thể thu hút được thực khách Việt. Đơn cử là món cà phê ớt.

Loại thức uống này được cửa hàng cà phê Jingshi (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) tung ra vào tháng 12/2023, kết hợp giữa latte đá truyền thống với bột ớt, bên trên rắc thêm ớt khô nguyên quả. Giá mỗi ly là 20 nhân dân tệ (tương đương 68.000 đồng).

Đến tháng 2, cà phê ớt "cháy hàng" tại Trung Quốc vì đáp ứng được nhu cầu ăn cay của người dân địa phương, đặc biệt là người dân sống ở tỉnh Giang Tây - nơi ăn cay giỏi nhất Trung Quốc. Mỗi ngày, quán Jingshi bán khoảng 300 ly.

Ông Võ Thanh Tân, chủ một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Lượng (quận Gò Vấp, TP.HCM), cho biết đối tượng khách hàng của quán chủ yếu là các bạn trẻ. Do đó, quán luôn cập nhật nhanh các xu hướng ăn uống như trà chanh giã tay, trà sữa nướng vào menu, nhằm tăng sự thu hút.

Khi trào lưu cà phê ớt nổi lên ở Trung Quốc, quán dự định thử sức với món đồ uống lạ miệng này, tuy nhiên quyết định không thực hiện bởi hương vị chưa phù hợp thị hiếu.

"Người Việt uống cà phê thường xuyên hơn người Trung Quốc nên khẩu vị có phần tinh hơn. Họ chỉ uống các loại cà phê truyền thống, quen thuộc nên thức uống biến tấu như cà phê ớt chưa được chào đón", ông Thanh Tân cho biết.

Nói về món cà phê ớt, theo ông Hoàng Tùng, cửa hàng Jingshi đã thành công trong việc dùng tính độc lạ của thức uống và sự lan tỏa của mạng xã hội Trung Quốc để kích thích sự tò mò. Nhưng tại Việt Nam, thức uống này khó lòng được chú ý.

"Cà phê ớt chỉ gây tò mò nhất thời ở tên gọi và nguyên liệu. Hương vị không có khả năng 'gây nghiện', người Việt lại không có thói quen ăn cay nồng nên thức uống này khó thành trend", ông Hoàng Tùng nói.

Để tạo thành trào lưu, thức uống phải ổn định về mặt hương vị và tần suất tiêu dùng. Chẳng hạn như trà chanh giã tay "hot" ở TP.HCM vì hương vị thơm ngon, phù hợp giải nhiệt. Ở Hà Nội, trà sữa nướng Vân Nam cũng thu hút đông đảo thực khách vì nung nóng trên bếp, các loại thảo mộc nấu cùng cũng giúp làm ấm cơ thể trong tiết trời se lạnh.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Việt Nam làm gì khi Thái Lan liên tục nới visa cho khách ngoại?

Nhiều nước Đông Nam Á có chính sách thị thực linh hoạt nhằm thu hút khách quốc tế. Việt Nam cũng có thể làm tương tự, nhưng trước tiên cần đảm bảo an ninh, theo chuyên gia.

Bản đồ quán xá ở Thảo Điền khiến khách Tây mê mệt

Với bản đồ ẩm thực dày đặc tại TP.HCM, các quán ăn từ bình dân đến hạng sang đều có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của thực khách nước ngoài.

Thu Trang - Trúc Hồ

Bạn có thể quan tâm