Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Trả giá để có thu nhập tốt

Để có được mức thu nhập cao so với bạn bè đồng trang lứa, nhiều người trẻ phải đánh đổi bằng sức khỏe, thời gian và cả những cuộc tình.

nguoi tre thu nhap cao anh 1

Sau khi trừ các khoản thuế, thu nhập tối thiểu hàng tháng của Nguyễn Nhật Chung (quận Gò Vấp, TP.HCM) là khoảng 50 triệu đồng. Nhưng nếu “job” về liên tục, chàng trai 27 tuổi có thể bỏ túi gấp đôi hoặc gấp ba con số này.

Đây là mức tiền mà Chung kiếm đều đặn mỗi tháng trong khoảng 2 năm qua.

Nhưng cũng suốt 2 năm này, nam quản lý trong lĩnh vực truyền thông chỉ có thể ngủ 4-5 giờ một ngày. Anh phải đặt điện thoại gần giường nằm, chỉ cần nghe tiếng rung là bật tỉnh để kiểm tra thông báo, tin nhắn từ hàng chục nhóm chat công việc.

“Buổi sáng, tôi liên tục uống cà phê giúp tỉnh táo. Đến đêm, có một giai đoạn tôi phải dùng đến thực phẩm chức năng để có thể ngon giấc”, Chung nói với Zing.

nguoi tre thu nhap cao anh 2

Không ít người trẻ rơi vào cô đơn sau chuỗi ngày mải mê kiếm tiền.

Theo một khảo sát từ nền tảng nghề nghiệp LinkedIn được thực hiện vào năm 2018, việc kiếm được nhiều tiền hơn thực sự có thể gây hại đến thể chất và tâm lý của con người.

Những người kiếm được nhiều tiền có xu hướng đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn. Sự hài lòng của họ về công việc cũng chỉ tương đương với người có thu nhập hạn chế.

Số liệu cũng cho thấy thế hệ Millennials ít bị căng thẳng khi làm việc nhất, nhưng họ cũng ít vui vẻ nhất với công việc của mình.

Tình yêu trắc trở

Nguyễn Chung bắt đầu đi làm thêm từ năm 15 tuổi, khi chưa tốt nghiệp THPT. Hiện tại, anh là quản lý nội dung tại một đơn vị truyền thông, đồng thời còn tham gia các dự án quản lý nghệ sĩ, tư vấn chiến lược quảng bá cho một số nhãn hàng, sản phẩm giải trí…

nguoi tre thu nhap cao anh 3

Nguyễn Chung cho biết mình không may mắn trong tình yêu do tập trung nhiều thời gian cho công việc. Ảnh: NVCC.

Chung thừa nhận bản thân có mức thu nhập nhỉnh hơn bạn bè đồng trang lứa. Hiện tại, ngoài khoản tiền tiết kiệm đáng kể, anh còn cùng gia đình sở hữu một bất động sản tại Nha Trang.

Nhưng đối với Chung, để có được sự thoải mái về tài chính, anh cũng phải đánh đổi bằng không ít khó khăn. Đặc biệt trong số đó chính là chuyện tình cảm cá nhân.

“Tôi gọi đó là cái giá phải trả. Chuyện yêu đương, hẹn hò không mấy thuận lợi vì hầu hết thời gian và sự quan tâm của tôi đều đổ dồn vào sự nghiệp, công việc hết cả rồi.

Việc tạo nên những khoảng thời gian lãng mạn một cách trọn vẹn gần như là nhiệm vụ bất khả thi với tôi.

Dần dần, bản thân tôi cũng trở nên bị hấp dẫn bởi những người làm việc nhiều tương tự mình. Những lần hẹn hò, mỗi người chúng tôi đều mang theo máy tính như thể đối tác làm ăn, không ổn chút nào”, Chung bày tỏ.

Bán sức khỏe

Lưu Thu Hà (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng có mức thu nhập đáng nể so với độ tuổi của mình.

Sau 5 năm đi làm kể từ khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, cô hiện đứng tên sở hữu một căn hộ studio tại Đà Nẵng, một mảnh đất nền tại Phủ Lý (Hà Nam). Ngoài ra, cô cũng có sổ tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cùng các tài khoản chứng khoán và vàng.

Theo Hà, đây hoàn toàn là tài sản cô tích lũy nhờ công việc cá nhân, không có sự trợ giúp hoặc thừa kế từ gia đình.

“So với bạn bè cùng độ tuổi, có lẽ thu nhập của tôi ở mức khá cao. Nhưng so với nhiều bạn trẻ khác, tôi vẫn còn nhiều cột mốc để phấn đấu. Tuy vậy, ít nhất ở hiện tại, tôi tự tin rằng bản thân không mang nợ, có các khoản vay được gọi là ‘đòn bẩy tài chính’. Tôi cũng có thể sử dụng vốn vay, thẻ tín dụng hiệu quả. Chứng khoán và vàng là hai hình thức đầu tư duy nhất tôi tham gia”, Hà chia sẻ.

nguoi tre thu nhap cao anh 4

Tại các đô thị, nhiều người trẻ nhanh chóng nhận thấy sức khỏe suy yếu do làm việc liên tục, ít nghỉ ngơi.

“Tôi đang làm rất nhiều công việc và kết hợp với học tập. Tôi vừa quản lý các trang mạng xã hội cho một trung tâm ngoại ngữ, vừa làm việc với các kênh TikTok về công nghệ - lập trình tại Bắc Mỹ và Nhật Bản. Tôi cũng theo học một trường cao đẳng công nghệ thông tin vào ban ngày và học văn bằng hai đại học vào buổi tối. Mỗi ngày, tôi dành khoảng 18 giờ để làm việc và học tập, không có ngày nghỉ”, Hà kể thêm.

Với cường độ làm việc cao, Hà đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe. Cô cho biết bản thân gần như không thể suy nghĩ nếu như không được ngủ trưa. Buổi tối, cô cần uống nhiều rượu để có thể đi ngủ đúng giờ và thức dậy đúng 4h hôm sau.

Ngoài ra, công việc đòi hỏi phải túc trực trên mạng xã hội quá nhiều cũng lấy đi của Hà thời gian đọc sách, xem phim, tập thể dục và các hình thức giải trí không dùng tới thiết bị điện tử.

“Huyết áp của tôi luôn ở mức cao. Tôi còn mắc chứng trào ngược dạ dày khi phải nghe điện thoại”, cô thở dài.

Đối mặt

Tuy vậy, thay vì giảm tải khối lượng công việc, Hà chọn cách dùng tiền để giải quyết các vấn đề sức khỏe, đồng thời cố gắng xây dựng nhịp làm việc khoa học hơn.

Cô đăng ký liệu trình nắn xương khớp tại một phòng khám của Mỹ tại Hà Nội với chi phí không hề rẻ. Cô cũng mua máy sưởi để có thể thức dậy làm việc sớm giữa mùa đông, trang bị thêm một máy nước nóng giúp pha cà phê, ăn sáng nhanh chóng, làm ấm cơ thể.

Sau mỗi 3 giờ làm việc, cô chú ý nằm chợp mắt khoảng 30 phút để đỡ mỏi lưng và vai gáy.

“Áp lực duy nhất của tôi trong lúc này chính là sức khỏe không cho phép bản thân làm việc với cường độ cao hơn nữa. Nếu được lựa chọn lại công việc, tôi mong muốn trở thành một lập trình viên, kỹ sư dữ liệu hoặc kỹ sư cầu nối (BrSE) trong công ty ICT để vừa có thể giữ lửa với niềm đam mê ngoại ngữ, vừa được làm việc trong môi trường công nghệ thông tin đầy tiềm năng và không bao giờ lo thất nghiệp”, Hà cười và nói.

nguoi tre thu nhap cao anh 5

Các bệnh về xương khớp, tiêu hóa, tiền đình là các vấn đề người trẻ thường gặp phải do lao động quá sức.

Trong khi đó, Nguyễn Chung lại lựa chọn “mặc kệ” công việc để giảm tải áp lực cho sức khỏe và tinh thần.

Thời gian qua, anh luôn tắt điện thoại mỗi khi đi ngủ, vạch cho mình ranh giới giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Chung cũng tham gia lớp tập gym và yoga đều đặn, hy vọng đây là cách giúp mình tránh được “cơn ác mộng” đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay chưa kịp tìm đến.

“Trong đợt dịch bệnh vừa qua, tôi được ở nhà làm việc nhiều hơn, từ đó có nhiều thời gian tâm sự với bố mẹ và em gái. Tôi cảm thấy gia đình có thể động viên tinh thần mình rất nhiều, giúp tôi yên tâm làm việc hơn với những bữa ăn ngon mỗi ngày”, Chung bày tỏ.

Con ếch và nồi nước sôi

Tuy nhiên, khi được hỏi có hối hận hoặc cảm thấy tiếc nuối vì những gì đã đánh đổi để có được thu nhập tốt, cả Nguyễn Chung và Thu Hà đều trả lời “không”.

Với Chung, chặng đường lao động đã qua mang đến cho anh không chỉ nền tảng tài chính mà còn là các mối quan hệ, sự trưởng thành và tự tin. Nếu được chọn lại, anh vẫn sẽ đi theo con đường cũ, nhưng sẽ điều chỉnh để có chế độ làm việc khoa học, bền vững hơn.

Còn với Hà, mức thu nhập cao có thể khiến cô mệt mỏi nhưng đổi lại một cuộc sống đủ đầy, dễ chịu. Theo Hà, khi tài chính dư dả, mọi người thường có xu hướng ứng xử cởi mở, vui vẻ hơn. Từ đó, các vấn đề đều được giải quyết nhẹ nhàng, hạn chế nhiều mâu thuẫn.

nguoi tre thu nhap cao anh 6

Khi nhận ra các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm lý của mình, người trẻ phải dành nhiều tiền và thời gian để chữa trị.

Nhận định về vấn đề nêu trên dưới góc độ tâm lý học, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho biết sẽ là một điều tốt nếu như người trẻ có khát khao khẳng định bản thân, muốn đạt được thành tựu từ sớm.

Theo chị, những bạn trẻ sớm có thành công trong khía cạnh công việc hầu hết là người có năng lực. Họ trân trọng giá trị lao động, sẵn sàng lao động, làm việc để cống hiến giá trị cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, khi đặt mục tiêu thành công lớn, người trẻ cũng sẽ dễ say sưa với nó mà gây ảnh hưởng không tốt đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

"Đúng là những thành tựu, sự cống hiến của các bạn ngày hôm nay đều là những giá trị tốt đẹp. Nhưng nếu muốn đạt được thành tựu cao và bền vững hơn thì bên cạnh công việc, các bạn cũng cần nhìn nhận những cơ hội khác của bản thân như sự trưởng thành, học vấn cũng như sự cân bằng để có được năng lượng dẻo dai, bền bỉ", chị chia sẻ cùng Zing.

nguoi tre thu nhap cao anh 7

Theo chuyên gia, người trẻ không thể phát triển công việc một cách bền vững, lâu dài nếu như chỉ khai thác sức khỏe mà không tái tạo.

Cũng theo chị Hà Thành, việc những người lao động trẻ làm việc quá tải không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn ở hầu hết thành phố, đô thị lớn trên thế giới.

Tại các đô thị đều có một số lượng người lao động trẻ nhất định làm việc với cường độ cao, thậm chí dẫn đến kiệt sức, đột quỵ.

Áp lực cuộc sống ở đô thị rất lớn khiến họ đặt ra một hướng đi cho cuộc đời là nhất định phải thành công. Ở giai đoạn tuổi trẻ, họ say sưa làm việc, kiếm tiền mà quên đi những giá trị khác.

Chị Hà Thành cho biết không có giải pháp chung để giải quyết vấn đề làm việc quá sức ở người trẻ. Trong những bối cảnh riêng biệt, chính mỗi người mới có thể hiểu được mình cần làm gì để cân bằng công việc, cuộc sống.

"Tôi nhớ đến câu chuyện con ếch ngồi trong nồi nước. Đó là khi một con ếch bị bỏ vào nồi nước sôi, nó sẽ lập tức nhảy ra ngoài. Nhưng nếu người ta để con ếch vào nồi nước nguội, sau đó đun sôi dần, con ếch sẽ ngồi yên trong đó đến khi sức nóng làm nó chết.

Người trẻ hay tất cả người lao động khác cũng vậy. Nhiều người trong chúng ta nghiện công việc, mỗi ngày thích nghi với cường độ công việc cao cho đến mệt nhọc, kiệt sức. Nếu khai thác quá đà mà không tái tạo, một ngày chúng ta sẽ cạn kiệt mà bản thân không hay biết. Mỗi người đều cần những giấc ngủ, sự nghỉ ngơi để mình không rơi vào kết cục như con ếch", chị nói.

Du lịch trước Tết để tránh đông đúc, giá cao

Tận dụng khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán, nhiều bạn trẻ quyết định đi du lịch ngắn ngày, cho mình nghỉ ngơi sau một năm dài khó khăn.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm