Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trả hồ sơ, điều tra lại vụ phó đồn biên phòng phá rừng pơ mu

Xuất hiện chứng cứ mới mâu thuẫn với cáo trạng trong phiên xử cuối, Tòa án Quân sự đã tuyên trả hồ sơ, để điều tra bổ sung vụ phó đồn biên phòng phá rừng.

Sau 3 ngày xét xử, chiều 21/1, Tòa án Quân sự khu vực I (Quân khu V) đã tuyên trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án liên quan đến bị cáo Lê Xuân Chính (51 tuổi, nguyên Phó đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, kiêm Trạm trưởng Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, huyện Nam Giang) cùng 20 đồng phạm về tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

Dieu tra bo sung vu pha rung po mu lon nhat Quang Nam anh 1
Lần lượt nhóm bị cáo Lê Xuân Chính (người đầu tiên, bìa phải, nguyên Phó đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang), Nguyễn Văn Quang và Tiêu Hồng Tư, cùng các đồng phạm hầu tòa. Ảnh: Đắc Đức.

Theo cáo trạng, giữa Lê Xuân Chính, Nguyễn Văn Quang (36 tuổi, ngụ huyện Tiên Phước) và Tiêu Hồng Tư (51 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Minh Hà, chi nhánh Đà Nẵng) có mối quan hệ thân thiết. Khoảng đầu năm 2016, Quang vào rừng khảo sát, tìm gỗ pơ mu để khai thác.

Khi tìm thấy vị trí có gỗ pơ mu ở Tiểu khu 351 (rừng phòng hộ thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang), Chính và Quang thỏa thuận với nhau về giá tiền công khai thác, vận chuyển là 8 triệu đồng/m3 gỗ.

Quang sau đó thuê nhóm người từ Quảng Bình vào cưa xẻ gỗ, vận chuyển về cột mốc 717 (Nam Giang) để tập kết. Tại đây, nhóm Quang, Chính và Tư gọi cho nhau để liên hệ gửi gỗ ở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang nhưng bị từ chối.

Dieu tra bo sung vu pha rung po mu lon nhat Quang Nam anh 2
 Phiên tòa thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương. Ảnh: Đắc Đức.

Sau khi bị cơ quan công an phát hiện, Chính đã thông báo cho Quang, yêu cầu các đồng phạm trong đường dây về quê và hối thúc Quang trốn sang Lào. Tuy nhiên, khi trốn ở TP Hồ Chí Minh, Quang bị bắt.

Trước đó, ở phần xét hỏi ngày 19/1, bị cáo Chính liên tục phủ nhận vai trò chủ mưu vụ phá rừng, đồng thời cho biết Quang là người chủ động nói với Chính khu vực khai thác và Chính chỉ đồng ý với Quang là khai thác gỗ trên đất Lào chứ không phải trên địa phận Việt Nam.

Trong khi đó, Quang khẳng định chỉ là người làm thuê cho Chính và Tư, nhận tiền của Tư để tổ chức khai thác gỗ pơ mu rồi vận chuyển ra đường cho Chính tìm cách tiêu thụ.

Dieu tra bo sung vu pha rung po mu lon nhat Quang Nam anh 3
Nguyên Phó đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang được xác định vai trò chủ mưu trong vụ án phá rừng pơ mu. Ảnh: Đắc Đức.

Đại diện Viện kiểm sát quân sự khu vực 2 giữ quan điểm rằng Chính là người chủ mưu trong vụ việc, Tiêu Hồng Tư có vai trò giúp sức và Quang là người thực hành tích cực và các bị cáo  khác chỉ đóng vai trò thực hiện.

Trong phiên xử ngày  21/1, đại diện Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang cung cấp tài liệu chứng cứ mới, thể hiện hiện trường vụ việc chỉ có 35 gốc pơ mu bị chặt hạ. Tình tiết này mâu thuẫn với con số 41 gốc pơ mu thuộc nhóm IIA (thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp) mà cáo trạng của Viện kiểm sát đã quy kết.

Do xuất hiện tình tiết mới và vai trò của một số bị cáo trong vụ án chưa được làm rõ nên đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị trả hồ sơ để tiếp tục điều tra và được HĐXX chấp thuận.

Ở phần luận tội ngày 20/1, cơ quan công tố đề nghị mức án 30-42 tháng tù đối với Lê Xuân Chính; bị cáo Nguyễn Văn Quang bị đề nghị mức án tương tự do được xác định là người tham gia tích cực nhất trong việc khai thác, vận chuyển trái phép gỗ pơ mu; bị cáo Tiêu Hồng Tư bị đề nghị xử phạt 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Sanh và Lê Trọng Dương cùng bị đề nghị mức 24-30 tháng tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị mức án 24 - 30 tháng tù treo.

Đắc Đức

Bạn có thể quan tâm