Ngày 29/8, sau khi thưởng nóng 20 triệu đồng cho Ban chuyên án điều tra vụ phá rừng pơ mu lớn nhất tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Lực lượng công an phải điều tra làm rõ có hay không việc bảo kê cho lâm tặc phá rừng.
10 người ra đầu thú
Đại tá Nguyễn Viết Lợi - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, hiện cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ vụ phá rừng pơ mu xảy ra tại khu vực biên giới Việt - Lào thuộc huyện Nam Giang. Theo thống kê ban đầu, có 60 cây gỗ pơ mu bị chặt hạ với khối lượng 115,412 m3 gỗ nhóm IIA. Trong đó, có 41 gốc cây gỗ pơ mu bị chặt phá lấy gỗ xảy ra tại khoảnh 5, 8 Tiểu khu 351 thuộc rừng phòng hộ với khối lượng là 75,602 m3, còn lại 19 gốc thuộc lãnh thổ Lào.
Qua quá trình điều tra, cảnh sát đã bắt bắt giữ Nguyễn Văn Thắng (trú xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) là nhóm trưởng trực tiếp chặt phá rừng. Từ lời khai của Thắng, Công an tỉnh Quảng Nam xác định có khoảng 20 người liên quan đến vụ án này. Nhà chức trách đã khởi tố 9 bị can.
Đến sáng nay (30/8), đã có 10/11 người (ở tỉnh Quảng Bình) trong nhóm vận chuyển gỗ trái phép đến cơ quan công an khai nhận hành vi của mình. Người còn lại là Hoàng Văn Luận đang lẩn trốn.
Hiện trường vụ phá rừng pơ mu đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: Chí Đại.
|
Đánh giá cao kết quả đạt được của ban chuyên án, ông Thu nhấn mạnh, đây là chuyên án lớn, có thể nói là lớn nhất trong những năm gần đây, vụ án khó nhưng trong thời gian ngắn đã bắt được những kẻ cầm đầu.
Phải tìm ra kẻ bảo kê
Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng đã họp để thông qua kết quả kiểm tra công tác đảng tại Đảng bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, trạm kiểm soát cửa khẩu cùng Hải quan cửa khẩu đối với một số đảng viên có dấu hiệu buông lỏng quản lý để cho lâm tặc lộng hành tại khu vực cửa khẩu biên giới.
"Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp thể hiện quyết tâm đưa vụ án này ra ánh sáng. Lực lượng công an phải làm sáng tỏ việc có hay không các cá nhân, đơn vị tiếp tay cho những kẻ phá rừng? Nếu có thì lâu nay tiếp tay bao nhiêu vụ. Nếu tìm ra được kẻ bảo kê thì phải xử lý nghiêm, dù cho người này là ai, thuộc đơn vị nào", ông Thu chỉ đạo.
Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đây mới là kết quả ban đầu, vụ việc vẫn còn tiếp tục được điều tra. Mặc dù đã có nhiều người bị bắt giam hoặc ra đầu thú nhưng cơ quan điều tra chưa xác định được có kẻ đứng sau bảo kê cho lâm tặc phá rừng. Vị lãnh đạo này cũng hứa với người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Nam sẽ cương quyết điều tra đến cùng vụ việc để sớm trả lời những thắc mắc của dư luận.
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 25/8, các phóng viên cũng đề cập đến trách nhiệm của Biên phòng và Hải quan trong vụ phá rừng nghiêm trọng này. Tuy nhiên, theo đại tá Lợi, đến nay, công an chưa có chứng cứ để khẳng định nghi vấn trên.
Theo đại tá, đã có 3 cán bộ Biên phòng cửa khẩu Nam Giang và 1 cán bộ Hải quan cửa khẩu Nam Giang bị đình chỉ công tác để phục vụ việc điều tra. Ông nói: "Tuy nhiên, chúng tôi chưa xác định được những người này có tham gia vào đường dây phá rừng hoặc có hành vi bao che cho kẻ khác phá rừng".
Đại tá Huỳnh Sông Thu - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, liên quan đến các cán bộ Biên phòng bị đình chỉ trong vụ án thì chưa có kết luận cuối cùng. "Cơ quan điều tra đang phối hợp với Cơ quan điều tra của Bộ đội Biên phòng để làm rõ vấn đề này", đại tá Thu nói.
Tại hội nghị thường niên đánh giá tình hình thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Cục Kiểm lâm Việt Nam và Lào (diễn ra tại Đà Nẵng) sáng 30/8, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Nam cho rằng do địa hình hiểm trở và thiếu sự phối hợp tuần tra của lực lượng chức năng nên mới xảy ra sự việc.
Theo vị lãnh đạo này, để hạn chế tình trạng phá rừng trái phép, tỉnh Quảng Nam và Lào nên bàn đến giải pháp giao cho Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng ở khu vực giáp ranh giữa hai nước.
"Tôi sẽ đề nghị với tỉnh và Cục kiểm lâm, vùng biên giới này nên tổ chức giao lại cho lực lượng Biên phòng hai nước quản lý. Biên phòng đã được giao quản lý vùng biên nên giao cho họ quản lý rừng luôn để chúng ta triển khai đồng bộ việc bảo vệ biên giới và rừng", ông Tuấn nói.
Diễn biến vụ phá rừng pơ mu
- Ngày 9/7, người dân phát hiện, trình báo công an bãi tập kết hơn 280 phách gỗ pơ mu với khối lượng nằm gần Trạm Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang (thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang).
- Ngày 15/7, Hạt kiểm lâm Rừng phòng hộ Nam Sông Bung khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Công an huyện Nam Giang.
- Ngày 15, 16/7 và các ngày sau đó, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện hàng trăm phách pơ mu cất giấu sát Trạm Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang và trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang. Tính đến ngày 20/7, số gỗ pơ mu thu được hơn 590 phách với khối lượng hơn 44,3 m3.
- Ngày 19/7, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang bị đình chỉ công tác.
- Ngày 20/7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng đoàn công tác vào hiện trường và yêu cầu lập ban chuyên án
- Ngày 21/7, Đồn trưởng, chính trị viên và Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang bị đình chỉ công tác.
- Ngày 22/7, UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng về vụ việc, Công an tỉnh trong cùng ngày thành lập ban chuyên án, rút hồ sơ từ Công an huyện Nam Giang để điều tra.
- Ngày 25/8, Công an tỉnh Quảng nam họp báo thông tin về kết quả điều tra ban đầu của vụ án.