Ngày 2/1, VKSND Tối cao quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đó, hôm 28/10/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can Trịnh Văn Quyết về hai tội danh trên.
Đồng thời, C01 đề nghị truy tố bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế (hai em gái ruột ông Quyết) và bà Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC.
Ông Nguyễn Thiện Phú, Phó tổng giám đốc kiêm kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng FLC Faros bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 15 người còn lại bị đề nghị truy tố tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Theo kết luận điều tra, từ ngày 26/5/2017 đến 10/01/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo hai em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cùng một số người dùng nhiều tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch để thao túng thị trường chứng khoán nhằm đẩy giá cổ phiếu FLC từ 15.500 lên 24.050 đồng/cổ phiếu, tăng 64%.
Cũng theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết, các nhân viên thuộc Công ty cổ phần chứng khoán BOS đã cấp khống hạn mức cho các tài khoản do bà Huế quản lý với tổng số tiền hơn 170.000 tỷ đồng. Bị can Huế đã sử dụng các tài khoản này mua 5 mã cổ phiếu: FLC, AMD, HAI, ART và GAB để tạo cung cầu giả nhằm thao túng thị trường.
Nhà chức trách cáo buộc, khi giá của 5 mã cổ phiếu trên được "thổi" lên cao, theo chỉ đạo của Quyết, Huế đã bán ra thị trường giúp cựu Chủ tịch FLC thu lợi 723 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra việc bán "chui" cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do cựu Chủ tịch FLC bán ra. "Với số tiền 723 tỷ đồng thu lời, ông Quyết đã sử dụng để mua cổ phần một số công ty, trả nợ và chi tiêu cá nhân", nội dung kết luận nêu.
Độc giả của Znews có thể tìm đọc những cuốn sách về Luật hình sự, Luật cư trú, Luật đất đai, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự tại Tủ sách pháp luật.