Khái niệm EQ (Emotion quotient) chỉ số đo “trí thông minh cảm xúc”, được đưa ra vào đầu những năm 1990, miêu tả khả năng hiểu được cảm xúc của chính mình, cũng như của người khác, và cư xử thích hợp dựa trên những thấu hiểu đó. Người ta cho rằng, EQ quan trọng hơn IQ nhiều trong những thành công của bạn.
Mỗi câu hỏi trong phần trắc nghiệm miêu tả một tình huống giả định. Bạn hãy chọn câu trả lời gần với cách phản ứng thật sự của mình nhất nhé.
1. Một người bạn mượn một món đồ nhỏ, nhưng có giá trị tinh thần lớn (ví dụ một cuốn sách do một người bạn ở nước ngoài tặng). Sau ít lâu, bạn đòi lại món đồ đó nhưng mãi người đó vẫn chưa trả.
a. Bạn nói với người bạn ấy rằng món đồ đó rất quan trọng và tại sao bạn muốn lấy lại, và đề nghị bạn ấy phải đem trả ngay.
b. Chấm hết tình bạn. Bạn không cần người bạn không biết tôn trọng mình và những cảm xúc của mình.
c. Bạn bỏ qua. Tình bạn quan trọng hơn những món đồ vật chất.
d. Bạn làm mặt lạnh cho đến khi người bạn kia trả lại đồ.
2. Vì hiểu lầm, bạn thân từ hồi mẫu giáo bỗng giận bạn và không chơi với bạn nữa. Bạn rất buồn và:
a. Ngồi nhà ủ rũ.
b. Tìm những cách giải toả tích cực, như tập thể thao chẳng hạn, để khi nào bạn ấy đỡ giận thì sẽ nói chuyện bình tĩnh sau.
c. Tìm ngay một nhóm bạn mới để chơi.
d. Tìm thật nhiều việc để làm, để khỏi phải nghĩ ngợi linh tinh.
3. Em bạn rất bừa bãi, luôn làm lộn xộn phòng chung của hai đứa, và điều đó ngày càng làm bạn khó chịu.
a. Bạn doạ tống em ra ở phòng khách nếu không chịu thay đổi.
b. Bạn quyết định sống chung với lũ! Dù gì thì chính bạn cũng có những thói quen chưa tốt kia mà.
c. Bạn nói rõ ràng cho em nghe tại sao thói quen của nó làm bạn không thể chấp nhận được, và cần phải sửa.
d. Bạn cố tìm cách làm bẽ mặt nó để nó phải thay đổi.
4. Bạn tìm được học bổng du học rất lớn, nhưng để giành được nó phải làm một bài luận rất khó.
a. Bạn rất lo lắng và hy vọng sự lo lắng sẽ khiến mình làm cẩn thận hơn.
b. Bạn để nó sang một bên, lúc nào tâm trạng thoải mái thì làm.
c. Bạn dành cả tuần để lên kế hoạch làm bài luận, viết ra cẩn thận từng chi tiết và lặng lẽ không nói với ai.
d. Bạn hít thở sâu, suy nghĩ kỹ để phác thảo ý tưởng trong đầu, ghi ra giấy, bàn bạc với một vài người mà bạn tin tưởng, rồi mới làm.
5. Bạn đang đi trong sân trường thì bị trượt chân, suýt ngã dập mặt.
a. Bạn đứng lên, cười phì, và đi tiếp.
b. Bạn ngó quanh và lườm những người đang nhìn bạn.
c. Bạn đỏ mặt vì ngượng, cúi gằm mặt, đi tiếp và hy vọng không ai để ý.
d. Bạn cáu điên và thầm nguyền rủa.
6. Tưởng tượng nhé, nếu bạn đến buổi prom (dạ hội của trường), đứng nói chuyện với một hot boy và rồi thấy rằng cậu ta có vẻ không được thoải mái.
a. Bạn cứ nghĩ mãi là hẳn phải có vấn đề gì đó với chính mình.
b. Bạn cố hỏi chuyện để hiểu thêm về cậu ấy.
c. Bạn kết luận rằng cậu ấy không có hứng thú, nên bạn bỏ đi nói chuyện với người khấc.
d. Bạn quyết định rằng lần sau sẽ rủ cậu ấy tham gia một hoạt động gì đó mà cậu ấy thích, dù bạn không thích cũng được.
7. Cô bạn thân của bạn đã có bạn trai, và lại… mới chia tay. Và bạn ấy rất buồn.
a. Bạn cũng bắt đầu lo lắng rằng sau này mình có thể cũng gặp những chuyện trục trặc như thế và nghĩ mình sẽ… không dám yêu đương gì hết.
b. Bạn nói xấu anh chàng kia và bảo với bạn mình thà sống một mình còn hơn thích người như thế.
c. Bạn thẳng thắn hỏi bạn mình rằng bạn có thể làm gì để giúp đỡ bạn ấy vượt qua.
d. Bạn rủ bạn ấy đi chơi, ăn uống um xùm để bạn ấy quên bớt đi.
*Bạn hãy so sánh những câu trả lời của mình với đáp án nhé:
1a, 2b, 3c, 4d, 5a, 6b, 7c.
Tại sao những câu trả lời trên là đúng?
Mỗi câu trả lời là đại diện cho khái niệm về EQ. EQ tức là có sự thông cảm với người khác, đứng lên bảo vệ những gì mình tin tưởng, theo một cách lịch sự và tôn trọng người khác. Nó đòi hỏi bạn không vội vã kết luận, mà phải có cái nhìn toàn cảnh trước khi quyết định.
Có chỉ số EQ cao giúp bạn có những quyết định quan trọng trong cuộc sống, biết giới hạn của mình, và giao tiếp tốt hơn với mọi người.
Tất nhiên, bạn có chỉ số EQ càng cao càng tốt, nhưng dù bạn vừa đúng được bao nhiêu câu, thì cũng nhớ rằng EQ-có-thể-thay-đổi.
Tip tip cho bạn đây:
– Tập thể dục thể thao để giảm căng thẳng, stress.
– Tham gia những hoạt động có bao gồm việc tương tác với nhiều người.
– Hoạt động tình nguyện.
– Viết nhật ký.
– Kiềm chế lúc cáu giận.
– Tham gia học các khoá về kỹ năng giao tiếp, nếu có thể.
– Đọc sách.
– Hỏi bạn bè thân thiết hoặc gia đình về những thói quen chưa tốt của bạn mà bạn cần sửa.
Cuối cùng thì chúc bạn thật may mắn trên hành trình cuộc sống của mình.