1. Chỉ người có hành vi điên dại mới mắc bệnh tâm thần?
Theo PGS.TS.BSCC Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), nhiều người vẫn tưởng rằng tâm thần có nghĩa là điên dại, hoảng loạn. Thực ra, đây là một loại rối loạn chức năng hoạt động của não với nhiều biểu hiện và mức độ khác nhau. |
2. Nói nhiều, quá khích là biểu hiện của tâm thần?
Bác sĩ Cao Tiến Đức cho biết đây là một biểu hiện của chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực, bệnh nhân này thiên về cực hưng cảm. Ở cực này, người bệnh luôn có biểu hiện hân hoan, vui vẻ, sung sướng cao độ không có lý do cụ thể. Một số người còn tự cao tự đại quá mức, tăng hoạt động yêu thích, sẵn sàng can thiệp vào chuyện người khác, nói nhiều, nói nhanh, nói suốt ngày đêm. Khi hưng cảm, người bệnh ngủ rất ít nhưng không mệt mỏi. Trạng thái này thường diễn ra trong 4-5 tháng rồi tự khỏi nhưng lại tái diễn suốt đời, buộc người bệnh phải duy trì uống thuốc liên tục. |
3. Thói quen nào chứng tỏ bạn đang mắc bệnh này?
Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, từng tiếp nhận những bệnh nhân mắc Trichotillomania - căn bệnh tâm thần nghiêm trọng với biểu hiện thích, nghiện giật tóc, ăn tóc. Ăn tóc quá nhiều có thể hình thành khối tóc lớn trong dạ dày, gây đau bụng và phải phẫu thuật điều trị. Tương tự, thói quen cắn móng tay cũng được khuyến cáo là dấu hiệu cho một rối loạn tâm thần nhưng dễ bị bỏ qua. |
4. Người tâm thần thường mất tập trung?
Con người thường cảm thấy stress hoặc mệt mỏi sau một ngày bận rộn với công việc, điều này ảnh hưởng tới sự tập trung của bạn. Tuy nhiên, nếu không thể hoàn thành các công việc thường ngày như mọi khi, bạn cần tự đặt câu hỏi “tại sao” cho bản thân. Làm việc không hiệu quả là do thiếu sự tập trung cần thiết, cơ thể đang mất đi sự phối hợp nhịp nhàng giữa suy nghĩ và hành động. Khi thiếu sự tập trung trong công việc bạn cần chú ý đến bệnh về tâm thần. |
5. Rối loạn nhịp sinh học giấc ngủ có thể do bệnh tâm thần?
"Bệnh nhân thường có biểu hiện khó ngủ, trằn trọc, thức dậy sớm hơn thường lệ, mất ngủ kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Một số người bệnh rối loạn chu kỳ thức ngủ (ngày ngủ, đêm thức) mà không phải do nghề nghiệp, thói quen hoặc công việc đặc biệt khác", PGS Đức cho hay. |
6. Biểu hiện tâm lý nào cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức?
Bạn thường mơ hoặc có những suy nghĩ đến các hành vi bạo lực, tưởng tượng mình gặp tai nạn xe hơi, nhảy từ sân thượng xuống hoặc dùng thuốc cấm,... Nói chung, bạn thường tưởng tượng những việc không có thật, thậm chí hoang tưởng, thấy người khác đang nói xấu, la mắng hay bắt ép mình làm một công việc nào đó. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn cần đến gặp bác sĩ tâm thần . |