Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bệnh lý khiến người bình thường trở thành ác thú

Một số bệnh lý tâm thần khiến con người bị mất kiểm soát, hành vi, thậm chí biến đổi về nhân cách.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ án giết người bằng những cách thức ghê rợn. Mới đây nhất là trường hợp thanh niên ở Vĩnh Phúc vì mâu thuẫn cá nhân đã chém lìa đầu bạn, hay sự việc thương tâm mẹ dìm con 35 ngày tuổi trong chậu nước ở Thạch Thất (Hà Nội). Điều gì đã biến những người bình thường trở thành sát nhân tàn bạo?

Những bệnh lý có thể biến người bình thường thành kẻ sát nhân

Theo PGS.TS, Đại tá Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những hành động giết người dã man tàn bạo không phải ai cũng có thể làm được.

Những đối tượng có thể xuống tay giết người một cách tàn độc thường rơi vào trường hợp có bệnh lý tâm thần. Khi đó, con người bị mất kiểm soát, hành vi và có sự biến đổi về nhân cách.

Bệnh lý thường gặp nhất là động kinh. Người bệnh có những hằn thù, trở nên dã man, tàn bạo… hay còn gọi là biến đổi nhân cách do động kinh.

Người bệnh lên cơn động kinh tâm thần vận động có thể không có cơn co giật nhưng có cơn mất đi ý thức. Bệnh lý thường gặp trong động kinh thùy thái dương. Trong cơn, người bệnh tiến hành những hành động dã man và mang tính tự động, chém giết bất kỳ ai.

PGS.TS Cao Tiến Đức cho hay những bệnh nhân tâm thần phân liệt thường bị hoang tưởng, ảo giác chi phối. Bệnh nhân có thể xuất hiện những hành vi hung bạo, chém giết người khác.

Sự tàn độc khi giết người còn có thể gặp ở bệnh nhân trầm cảm. Trước khi có ý định tự sát mở rộng, người bệnh sẽ có hành vi tấn công dã man với người thân thiết trong gia đình (con, vợ, chồng, bố, mẹ…). Hành vi, giết người dã man ở người trầm cảm thường hiếm gặp hơn so với các bệnh lý khác như động kinh, tâm thần vận động.

Benh ly tam than anh 1
PGS.TS Cao Tiến Đức. Ảnh: HQ.

Hung bạo, tàn độc đến từ thói quen tập nhiễm

PGS.TS Cao Tiến Đức cho rằng: “Một con người không thể tự nhiên trở nên hung bạo, tàn độc, giết người không ghê tay. Ngoài bệnh lý tâm thần, người bị rối loạn về nhân cách ở thể chống đối xã hội có thể gây ra hành vi hung bạo. Những bạn trẻ lạm dụng ma túy, chất kích thích đặc biệt là ma túy đá, chất hướng thần, khiến cho nhân cách bị biến đổi không thể kiểm soát. Điều đó dẫn tới những vụ việc giết người thương tâm do ngáo đá”.

Đặc biệt người không có bệnh lý tâm thần, không sử dụng chất kích thích vẫn có thể xuất hiện hành động dã man. PGS.TS Cao Tiến Đức lý giải những đối tượng này bị tập nhiễm sự tàn bạo ở phim ảnh, trò chơi bạo lực, thậm chí từ chính hành vi của người thân trong gia đình.

Các nhà khoa học chưa có bằng chứng xác nhận tính hung bạo của con người có tính di truyền. Tuy nhiên, một người sinh sống trong môi trường (cha, mẹ, ông, bà…) hung bạo lâu dần có thể bị tập nhiễm vào trong tính cách.

PGS.TS Cao Tiến Đức khuyến cáo một người đau bụng, đau đầu, mệt mỏi đều có thể nhìn thấy rõ ràng, nhưng một người biến đổi về cảm xúc tình cảm cần quan sát kỹ mới có thể phát hiện.  Để đề phòng những hành vi nguy hiểm, gia đình cần phải quan tâm tới người thân. Khi thấy con cái, cha, mẹ, ông, bà có những thay đổi bất thường, gia đình cần phải đưa đi khám và điều trị sớm.

Con đường dẫn người nghiện đến cái chết của ma túy đá Ma túy đá có thể đào thải khỏi cơ thể sau 7-10 ngày nhưng những tổn thương gây ra cho não vẫn tồn tại. Nhiều trường hợp ngưng sử dụng đã lâu bệnh tâm thần mới xuất hiện.

Phạm Loan

Bạn có thể quan tâm