1. Cần đánh răng ngay sau khi ăn?
Theo MSN, bạn nên chờ 30-40 phút để nước bọt trung hòa một cách tự nhiên độ pH trong miệng rồi mới đánh răng. Nếu đánh răng ngay, axit trong miệng được chải vào răng gây mòn và mất lớp men, khiến chúng trở nên nhạy cảm, yếu dần theo thời gian. |
2. Có nên dùng răng để cắn vật cứng?
Nhiều người dùng răng để mở nắp chai, nhai nước đá, xé bao bì sản phẩm. Bất cứ hành động nào tương tự đều rất hại cho răng, chúng có thể làm mòn răng, mẻ và thậm chí rụng răng. |
3. Có cần cho trẻ làm sạch răng sau khi uống sữa ban đêm?
Bác sĩ Ngô Đồng Khanh, Phó chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt TP.HCM, cho biết ban đêm sau khi cho bé bú, phụ huynh thường mệt nên không vệ sinh răng miệng cho bé. Điều này có thể gây hại cho răng miệng của trẻ. Ngoài ra, khi bé trong giai đoạn ăn dặm, cha mẹ hoặc ông bà thường mớm thức ăn qua miệng rất dễ truyền vi khuẩn sang cho bé. Các chuyên gia khuyên sau khi trẻ bú bình nên súc miệng bằng nước sạch và không mớm thức ăn. |
4. Người lớn nên dùng bàn chải lông cứng?
Dù người lớn hay trẻ em, bạn cũng không nên sử dụng bàn chải lông cứng. Thay vào đó, bàn chải lông mịn và mềm sẽ tốt hơn cho răng. Bàn chải đánh răng lông cứng sẽ gây tổn thương cho nướu, chân và lớp men bảo vệ răng. |
5. Bé sẽ thay răng nên có thể dùng thức ăn nhanh, đồ uống có ga?
Theo bác sĩ Đồng Khanh, những thực phẩm này bám vào răng miệng mà không được vệ sinh đúng cách sẽ gây lên men, tạo ra axit phá hủy cấu trúc men răng. Về điểm này, bác sĩ khuyên phụ huynh nên cho trẻ ăn cân bằng các thực phẩm và giáo dục nhận thức để bé biết hạn chế dùng những thức ăn không tốt cho răng miệng. |
6. Đồ uống nào gây hại cho răng?
Những loại đồ uống sẫm màu như rượu rum và nước có ga là thủ phạm gây hại cho răng. Loại đồ uống này sẽ làm mòn răng vì chúng có độ pH thấp và tính axit cao. Những loại đồ uống có màu sáng là lựa chọn tốt hơn cho răng của bạn vì độ pH cao hơn và ít gây hại. |
7. Thói quen nào có thể khiến răng lung lay, viêm lợi, hôi miệng?
Tiến sĩ Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội), cho hay từng gặp nhiều bệnh nhân có thói quen xỉa răng bằng tăm. Chuyên gia về răng khuyến cáo không dùng tăm lấy thức ăn vướng trong răng. Thói quen này làm tiêu xương vùng kẽ răng khiến khoảng cách răng bị rộng, thức ăn dễ bám lại và tiếp tục phải dùng tăm. Lâu ngày, hành động này khiến răng thưa, thậm chí còn dễ lung lay, nha chu yếu. |