Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trách ai nếu ta 'không còn sôi lên khi nghe trận Bạch Đằng'

Trách ai nếu một bộ phận giới trẻ không còn tự hào khi nghe trận Bạch Đằng, Chi Lăng, mắt không còn nhỏ lệ khi biết Bà Trưng, Bà Triệu bảo toàn khí phách trước mũi quân thù?

Mười hai năm học, rất nhiều các em chưa bao giờ hiểu Sử, yêu Sử, mà tất cả chỉ là đọc như một cái máy - như tôi chứng kiến thằng em tôi học ê a những ngày gần thi học kỳ, để “sống sót” mà lên lớp.

Tôi không hiểu nhiều về chuyên ngành sư phạm, về cách thức và mục tiêu các nhà làm sách đang giáo dục con em chúng ta về cả một chặng đường phát triển đất nước bốn thiên niên kỷ đầy nước mắt và đau đớn như thế nào. Nhưng tôi chắc các nhà viết Sử không bao giờ ghi chép lại đầy đủ các mốc thời gian để con em chúng ta hôm nay học như cái máy.

Bản thân tôi thời còn học phổ thông (dù chỉ là hệ bổ túc, tức là lượng kiến thức đã được giản lược ở mức tối đa) luôn học sử bằng những con số dầy đặc, và được viết như một công thức bất di bất dịch: “Ngày tháng - Sự kiện A, Ngày tháng - Sự kiện B”.

Thầy Lê Văn Trường đang dạy môn sử cho học sinh lớp 11D2 trường THPT Marie Curie Q3, TP.HCM. Ảnh: NHƯ HÙNG
Thầy Lê Văn Trường đang dạy môn sử cho học sinh lớp 11D2 trường THPT Marie Curie, quận 3, TP HCM.

Bộ GD&ĐT thừa nhận gây hiểu nhầm về tích hợp môn Lịch sử

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Ban xây dựng chương trình nhận thiếu sót đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm về việc tích hợp môn Lịch sử.

Xin đừng dạy học sinh học lịch sử bằng mẹo

Và cứ theo hướng đó, học sinh để qua được môn Sử thì lòng yêu của tụi nhỏ chết hẳn, và nhiều thế hệ con em chỉ là những cái máy đọc ngày tháng và chữ dính kèm ngày tháng đó. Nên mới có cảnh dở khóc dở cười là các giáo viên Sử phải chỉ cho các em vô vàn những mẹo để đi kiểm tra, đi thi đủ điểm đậu:

- Đếm số gạch đầu dòng mỗi phần để nhớ ý trong đầu.

- Học thuộc dãy ngày tháng trước, rồi học sự kiện sau, sau đó ráp vào.

- Học mốc thời gian đầu, nhớ số năm rồi cộng vào, ra được mốc thời gian cuối.

- Nhiều phần ý nghĩa và mục đích của một số chiến dịch giống nhau: học một chiến dịch, áp dụng cho các chiến dịch còn lại.

Và vô vàn những mẹo hay ho mà các thầy, các cô phải lao tâm khổ tứ tìm tòi, “sáng tạo” trong gượng ép, cốt làm sao cho các học sinh “nắm” được “dàn ý” để làm bài cho tốt.

Trận Bạch Đằng
Trận Bạch Đằng.

Và cũng đừng học chỉ để thi

Biết trách ai khi một bộ phận học sinh thời nay không còn cảm thấy máu tự hào sôi lên khi nghe trận Bạch Đằng, Chi Lăng; mắt không còn nhỏ lệ khi biết Bà Trưng Bà Triệu tuẫn tiết để bảo toàn khí phách trước mũi giáo quân thù; không còn những tiếng ồ, à thán phục cái cách Đại tướng Võ Nguyên Giáp dàn trận trên đỉnh Điện Biên?

Không còn những cung bậc ấy nữa, khi mà các em học sinh chỉ cần nhớ sai một mốc thời gian, thi môn Sử không có điểm và tương lai học vấn các em tự nhiên trắc trở!

Sử luôn luôn phải học, phải hiểu và phải tự hào. Xin hãy cải cách lại môn Lịch sử. Nếu làm SGK, lên giáo án Sử mỗi năm mà học sinh bao nhiêu năm không thể yêu nổi, thì đó là lỗi của những nhà làm sách, những nhà làm giáo dục.

Trẻ con không sinh ra đã ghét Sử, các giáo viên cũng không tự mình biến môn Sử thành cơn ác mộng của học sinh. Hãy biến Lịch Sử thành một dòng suối mát lành, dạy con em chúng ta HIỂU & YÊU đất nước, yêu người dân, yêu thành quả của cả một dân tộc. Chứ đừng biến Lịch Sử trở thành một thứ gì đó mà học sinh căm ghét, các nhà giáo dục...ngó lơ, tội lắm!

Ai trả lời cho người dân Việt câu hỏi đắng cay này?

Chúng ta đã đánh mất nhiều thứ và giờ định đánh mất luôn môn sử trong nhà trường nữa hay sao? Vì đâu nên nỗi, ai trả lời cho người dân Việt câu hỏi đắng cay này?

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151118/xin-hay-cai-cach-lai-mon-lich-su/1005319.html

Theo Đỗ Minh Hội/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm