“Ngôi nhà” của bố con anh Tuấn ở TP.HCM là chiếc dù thường thấy ở các quán cà phê vỉa hè, che chiếc sạp cây be bé không lớn hơn bóng mát chiếc dù là bao. Trưa 23/9, khi chúng tôi đến thăm, cũng là lúc hai chị em Huyền - Thoại tan học ở lớp tình thương. Chúng chạy ùa về quấn lấy chân anh Tuấn. Người bố ôm hai cô con gái, nhắc “thưa cô chú đi con”. Hai đứa nhỏ dạ ran, sau đó chạy đi cất cặp sách, thái độ rất ngoan ngoãn, lễ phép.
“Cha ơi, sao nhiều quần áo, nhiều bánh vậy cha”, cô con gái lớn hỏi. Anh Tuấn quay nhìn hai con gái cười cười: “Ờ, của các bác, các chú sáng giờ ghé thăm cha rồi tặng tụi con đó – anh Tuấn trả lời con rồi quay sang chúng tôi giải thích thêm - nhiều người biết về chuyện của cha con tôi trên mạng nên đã tìm đến giúp đỡ, họ cho khá nhiều quần áo, bánh kẹo cho các bé”.
Dán keo điện thoại, dán keo xe là cuộc mưu sinh của anh Tuấn hàng ngày để lo cho hai con gái bé bỏng. “Chắc do nghèo hay gì đó mà tới giờ tui cũng không biết rõ điều gì khiến cô ấy ra đi bỏ lại hai đứa con thơ dại…” - chuyện đã trôi qua khoảng 4 năm nay mà giờ nhắc lại anh Tuấn còn xốn lòng.
Anh Tuấn không còn nhớ rõ mình sinh năm 1971 hay 1972, từ khi vợ bỏ đi, đời bé Huyền, bé Thoại chính là cuộc đời anh.
“Mưa thì cha con vô dù chờ hết mưa lại ra vỉa hè trải chiếu mà ngủ. Tui có che cái rạp bằng mấy miếng tole nhưng ngủ không nổi vì gần rạch, muỗi dữ lắm. Trưa nắng nóng quá thì tui dẫn hai đứa nhỏ vô siêu thị gần đó cho mát mẻ. Còn việc dán keo xe, điện thoại thì bữa được bữa không, làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Sống cực là vậy nhưng trời thương hai đứa nhỏ cũng khỏe”, anh Tuấn tâm sự.
“Căn nhà dù” che mưa che nắng của ba cha con. |
Anh Tuấn kể, sau khi đi kinh tế mới trở về, gia đình anh có được căn nhà ở khu Mã Lạng (quận 1). Sống nơi đây được thời gian ngắn thì hỏa hoạn ập đến, nhà cháy rụi. Vụ cháy khiến cả gia đình anh Tuấn chẳng ai còn tờ giấy lận lưng.
“Đời tui không bằng không phẳng từ nhỏ. Nơi xóm Mã Lạng về đây, hồi đó khu này nói Tuấn “máu loãng”, Tuấn “quậy” ai mà không biết. Trong một sự cố, tui bị đẩy vô trại bởi là thành phần bất trị. Ở đó tui mới gặp được vợ tui sau này, rồi có bé Huyền, bé Thoại. Từ khi có con, tui ngán chuyện giang hồ lắm rồi. Rồi khi vợ rời đi, tui ngán thêm chuyện đàn bà nữa. Giờ nói cuộc đời hay ước mơ hay khát vọng gì đó, tui chỉ nghĩ cho tụi nhỏ…”, anh Tuấn thổ lộ.
Hiện anh Tuấn còn mẹ già (71 tuổi) sống trong căn phòng trọ nhỏ, hàng ngày đi nhặt ve chai mưu sinh. “Kiếm được ít tiền tui vẫn chia cho bà cụ. Hôm được 150.000-200.000 đồng thì tui chia cho bà cụ 50.000-70.000 đồng. Dạo này bà già cũng bệnh dữ rồi, không còn khỏe như mấy năm trước. Tui cũng hay đưa hai đứa nhỏ thăm cho bà nội vui, có điều không ở lại được vì phòng chật chội, đồ ve chai tùm lum”, anh Tuấn nói thêm về gia đình mình.
Chúng tôi hỏi anh, liệu có hướng đi nào mà anh từng nghĩ tới chưa, dẫu biết trong hoàn cảnh sống hiện tại của anh chuyện trước mắt còn khó lo tròn, bất ngờ giọng anh Tuấn trầm lại: “Tui nghĩ qua rồi, tui ráng dành dụm ít tiền rồi về quê thôi. Chỉ có đường đó thì hai đứa nhỏ mới có người thân bao bọc, chăm sóc”.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm dừng lại vì anh Tuấn có khách vào dán điện thoại. Anh Tuấn tay cầm kéo miệng ngậm keo thoăn thoắt làm, hai đứa nhỏ vô tư đùa giỡn ôm vai bá cổ cha. Dưới tàn cây trứng cá, ánh nắng trưa xuyên qua kẽ lá, rọi vào gương mặt ông bố lận đận, rọi cả vào ánh mắt trong veo của bé Huyền, bé Thoại.