"Lồng tiếng cho diễn viên quần chúng không hề dễ. Chính những diễn viên lồng tiếng cho vai quần chúng mới là người sáng tạo nhất".
"Ủa, mình không được nói linh tinh cho xong hả thầy?".
"Không được, dù là vai quần chúng, mình cũng phải nói cho đúng bối cảnh, đúng thời đại. Hồi xưa thầy lồng tiếng cho phim 'Họa bì 2', vào cảnh chợ mua bán tấp nập, nhân vật này đang mời khách mua rau, tự nhiên có người nói 'ok', thế là cảnh đấy hỏng, phải làm lại".
Một buổi học lồng tiếng ở quận 2, TP.HCM bắt đầu bằng những bài giảng về lý thuyết lồng tiếng. Thầy Bình, giáo viên đứng lớp lồng tiếng nâng cao, thường dành ra khoảng 30-45 phút để nói về những lưu ý khi lồng tiếng cho nhân vật.
Đôi khi, ông pha trò, kể lại những câu chuyện khi làm nghề như một cách để tạo không khí vui vẻ, đồng thời lồng ghép những bài học về lý thuyết để học viên nhớ lâu hơn và tránh mắc lỗi tương tự.
Mất gần một giờ để lồng tiếng cho đoạn phim 30 giây
Trọng tâm của buổi học lồng tiếng là thực hành trực tiếp trên phim. Lệ Hằng (28 tuổi) vào vai một nữ sinh trung học phản nghịch, lớn tiếng cãi cha mẹ trong phim Hàn Quốc.
Khi thực hiện cảnh này, cô được yêu cầu phải dồn hơi mạnh để truyền tải được sự phẫn nộ của nhân vật. Cảnh phim chưa đến 30 giây, Hằng phải thu đi thu lại gần một giờ mới đạt yêu cầu.
Những câu thoại trong phân cảnh này chỉ khoảng 5-10 chữ, nhưng Lệ Hằng phải thực hiện 7-8 lần. Một số câu cô bộc lộ cảm xúc tốt, nhưng bị líu lưỡi, dính chữ nên phải làm lại.
"Dính chữ rồi con, làm lại", thầy Bình nghe lại đoạn thu rồi nói với Hằng.
Với những câu thoại phải gằn giọng hoặc hét lớn, Hằng cau mày, nhăn mặt, đôi tay điểm theo từng nhịp thoại. Đứng trong phòng thu chỉ rộng vài mét vuông nhưng Hằng diễn như đang ở trên phim trường rộng lớn, không ngần ngại bày ra những biểu cảm chân thực.
"Thầy rất thích năng lượng và cảm xúc này của con, nhưng con cần bật hơi mạnh hơn nữa. Nhân vật này ở tuổi phản nghịch, con phải thể hiện đúng cái phản nghịch của nó chứ không quá sướt mướt", thầy Bình tiếp tục nhắc nhở.
Hằng là học viên lớp lồng tiếng nâng cao của thầy Bình. Trước đó, cô đã học một khóa cơ bản kéo dài 3 tháng, bao gồm các bài lý thuyết, thực hành về đọc quảng cáo, xử lý văn bản, lồng tiếng phim.
Bước vào lớp nâng cao đã hơn một tháng, Hằng vẫn mất nhiều thời gian để xử lý một đoạn phim ngắn. Cô nói rằng lồng tiếng cho phim live action (phim người đóng) không hề dễ, đặc biệt là với phim Hàn Quốc.
Lệ Hằng được thầy Bình dạy cách lấy hơi khi lồng tiếng cho phim Hàn Quốc. Ảnh: Thái An. |
Trong khi Lệ Hằng đang thực hành trong phòng thu, Hải Yến (24 tuổi) cùng các học viên khác ngồi bên ngoài quan sát và ghi lại những lưu ý thầy Bình đưa ra. Yến là học viên lớp cơ bản, nhưng khi có thời gian rảnh, cô lại đến các lớp nâng cao để học và thực hành "ké".
Yến không cầm kịch bản mà chỉ nghe, ghi nhớ lời thoại và tập diễn theo. Dù chỉ học ké, Yến vẫn hăng say tập luyện như các buổi học thông thường. Cô tập ngắt chữ, gằn giọng và quan sát kỹ từng biểu cảm của diễn viên, từ đó rút ra những điểm cần phải bắt chước để tạo ra cảm xúc thật nhất.
Khó hơn tưởng tượng
Là học viên lớp lồng tiếng nâng cao, Lệ Hằng nhận ra những bài học và thực hành khó hơn lớp cơ bản rất nhiều. Cô được thử nhiều dạng vai, đòi hỏi phải bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc và biến hóa giọng nói liên tục.
Giáo viên đứng lớp cũng đặt tiêu chuẩn cao hơn cho các học viên lớp này, không cho phép mắc những lỗi nhỏ trong quá trình thực hiện lồng tiếng cho nhân vật.
Đến nay, Hằng đã được thử sức ở nhiều thể loại như lồng tiếng cho phim bộ, phim điện ảnh, đọc quảng cáo, sách nói, phim tài liệu... Cô đánh giá giọng của cô là giọng nữ mỏng, phù hợp với những vai diễn trong phim hoạt hình, phim Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Hằng cũng từng thử lồng tiếng cho diễn viên quần chúng, vai diễn tưởng chừng đơn giản nhưng rất khó để tạo ra nét tự nhiên, độc đáo.
“Hồi trước, ra rạp xem phim hoặc xem tivi, mình cứ nghĩ lồng tiếng dễ. Nhưng khi thử sức và tự làm rồi, mình mới thấy nghề này khó và rất vất vả”, Hằng tâm sự.
Những phân đoạn bộc lộ cảm xúc khiến học viên lớp lồng tiếng gặp khó khăn. Ảnh: Thái An. |
Chung suy nghĩ với Lệ Hằng, Hải Yến hiểu rằng con đường trở thành diễn viên lồng tiếng rất gian nan. Điều cô thấy khó nhất khi lồng tiếng là phải diễn đạt đúng cảm xúc của nhân vật và giữ được năng lượng đó cho đến khi cảnh phim kết thúc.
Với những học viên lớp cơ bản như Hải Yến, cô được thử những vai dễ, đoạn thoại ngắn để làm quen dần. Nhiều lần phải làm đi làm lại một cảnh cảnh phim, Yến nói nhiều đến mức cổ họng đau rát.
Học đọc quảng cáo cũng để lại cho Yến nhiều ấn tượng khó quên vì lời thoại quảng cáo thường dài và đòi hỏi người đọc phải luôn giữ được năng lượng ổn định, không được hụt hơi.
Nói về lồng tiếng phim, cả Lệ Hằng và Hải Yến đều nhận thấy lồng tiếng cho phim hoạt hình là dễ nhất vì nhân vật luôn được cường điệu hóa, người lồng tiếng có thể biến hóa sinh động để phù hợp hơn.
Phần khó nhất là lồng tiếng cho diễn viên phim Hàn Quốc vì người Hàn nói nhanh, khẩu hình nhỏ nhưng lực âm phát ra rất mạnh. Khi lồng tiếng, học viên phải dồn hơi mạnh, thậm chí phải hét to mới truyền tải đúng cảm xúc.
“Lồng tiếng đòi hỏi phải diễn theo nhân vật và khớp với khuôn miệng của nhân vật đó, chỉ cần lệch một nhịp thôi là cảnh đó sẽ bị bỏ”, Lệ Hằng chia sẻ.
Chi 8 triệu đồng để cải thiện giọng nói
Thầy Đạt Phi, người thành lập lớp lồng tiếng ở quận 2, cho biết học viên các khóa lồng tiếng không giới hạn độ tuổi, ngành nghề. Trong 5 năm mở lớp, ông từng dạy cho học viên chỉ mới 14 tuổi, có người đã ngoài 60.
Trước khi bắt đầu khóa đào tạo, học viên được làm bài kiểm tra giọng để xem chất giọng có phù hợp hay không. Đam mê, năng khiếu cũng là yếu tố được thầy giáo xem xét trước khi tuyển học viên.
“Đa số học viên đến đây không vì mục đích trở thành diễn viên lồng tiếng mà chỉ mong muốn cải thiện bản thân. Một số người là luật sư, giảng viên, tiến sĩ... Họ học lồng tiếng để cải thiện khả năng nói của mình”, thầy Đạt Phi nói.
Hải Yến dự định mở kênh kể chuyện sau khi kết thúc khóa học lồng tiếng. Ảnh: Thái An. |
Lệ Hằng là trường hợp học lồng tiếng để cải thiện giọng nói. Làm agency, phải tiếp xúc với nhiều người và thuyết trình thường xuyên, cô nhận ra giọng nói ảnh hưởng 50% sự thành công của con người, đặc biệt trong công việc. Vì thế, cô đăng ký khóa học này để thay đổi cách nói chuyện, cách truyền tải cảm xúc qua lời nói.
Sau khóa học cơ bản, Lệ Hằng đạt được hiệu quả vượt quá mong đợi. Cô được khen nói chuyện hấp dẫn, giọng nói hay hơn trước.
“Chưa cần nói đến việc mình có trở thành diễn viên lồng tiếng được hay không, nhưng riêng việc đi học lồng tiếng, mình đã cải thiện được giọng nói rất nhiều. Học lồng tiếng thực sự rất có ích cho công việc”, Lệ Hằng chia sẻ.
Ngô Thiên Phát (20 tuổi), sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng học lồng tiếng với mục đích trau dồi kỹ năng nói. Là sinh viên ngành Báo chí, có ước mơ làm việc trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, Phát tin khóa học lồng tiếng sẽ bổ trợ cho quá trình tìm kiếm việc làm sau này.
Thiên Phát nói thêm em học lồng tiếng vì muốn thử thách và khám phá khả năng của bản thân chứ không phải vì muốn trở thành diễn viên lồng tiếng. Bản thân em chỉ đơn giản là muốn tìm tòi học hỏi, qua đó giúp bản thân có thêm những kỹ năng mới, phục vụ cho việc học, việc làm.
Khác với Lệ Hằng và Thiên Phát, Hải Yến lại có mục đích lớn hơn là trở thành diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp. Từng làm người dẫn chương trình khi là sinh viên, Yến nhận ra bản thân có năng khiếu với các công việc liên quan giọng nói nên muốn thử thách bản thân nhiều hơn.
Điều khiến Hải Yến thích khi học lồng tiếng là giáo viên sẽ chỉnh toàn bộ những thói quen không tốt cho học viên, ví dụ phát âm chưa tròn chữ hoặc bị dính phương ngữ. Yến dự định sau khi hoàn thành khóa cơ bản, cô sẽ tiếp tục đăng ký học khóa nâng cao để trau dồi thêm.
“Mình dự định học xong đi casting cho các bộ phim truyền hình, phim điện ảnh hoặc tự mở kênh kể chuyện riêng”, Hải Yến chia sẻ thêm.