Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trải nghiệm Lotus Evija 2020 – chiếc hypercar mạnh 2.000 mã lực

Với công suất xấp xỉ 2.000 mã lực, Lotus Evija là siêu xe điện công suất lớn mạnh nhất thế giới. Siêu xe được thiết kế đẹp, khí động học tối ưu và sử dụng công nghệ xe đua F1.

Quá trình phát triển Lotus Evija từng gặp nhiều trắc trở, chủ yếu do thiếu tiền. Hãng xe Anh cuối cùng phải bán mình cho hãng xe khổng lồ Trung Quốc Geely.

Vấn đề tài chính sau đó được giải quyết. Lotus Evija gần như không gặp khó khăn nào khác. Đột phá về thiết kế và công nghệ chắc chắn sẽ giúp Lotus Evija giữ vững ngôi vị siêu xe công suất lớn (hypercar) mạnh nhất thế giới trong thời gian dài.

Ngoại thất

Lotus Evija là bước tiến lớn của Lotus từ công nghệ tới thiết kế. Có thể nói Lotus Evija là biểu tượng ngầu nhất gắn với hãng xe Anh quốc chuyên sản xuất xe thể thao hạng nhẹ.

Từ đường vuốt sắc nét bao quanh thân xe tới nắp capô cong gợi nhớ mẫu xe đua trong quá khứ của Lotus. Thiết kế của Lotus Evija sánh ngang các tên tuổi xe thể thao và xe đua được coi là chuẩn mực như Ferrari, McLaren, và Lamborghini.

Theo cách nào đó, Lotus Evija hội tụ điểm nhấn thiết kế của các thương hiệu trên, từ cách phân chia mặt trước, nắp capô tới các chi tiết khí động học bên hông.

Thiết kế Lotus Evija phần nào đó giống với mẫu xe đua công thức 1 Type 72. Mặt trước mang dáng dấp các mẫu xe hiệu suất cao trên thị trường. Mũi xe cơ bắp giống Ford GT.

Các đường cắt và chi tiết hầm hố đều phục vụ cho hai mục đích: thẩm mỹ và khí động học. Lotus Evija là một trong hypercar có thiết kế khí động học nhất trên thị trường hiện nay.

Về thẩm mỹ, thiết kế kiểu đường hầm Venturi mang lại hình dáng bắt mắt nhất cho Lotus Evija. Hệ thống đèn LED đỏ chạy dọc theo thân xe.

Cánh gió sau của Lotus Evija hoạt động giống hệ thống giảm sức cản (DRS) kiểu F1. Bộ phận này cung cấp trợ giúp khí động học chủ động cho xe theo thời gian thực một cách tự động hoặc người lái chủ ý kích hoạt. Ở chế độ đường đua, DRS tự kích hoạt. Ở các chế độ còn lại, người lái phải tự kích hoạt.

Nói chung, thiết kế ngoại thất của Lotus Evija là sự tổng hòa giữa yếu tố thẩm mỹ và khí động học. Nhiều hãng xe đã đi theo con đường này nhưng chưa thể sánh với Lotus Evija.

Nội thất

Bước vào Lotus Evija như bước sang thế giới hoàn toàn khác. Khoang lái tối giản hết mức để giúp siêu xe nhẹ nhất có thể.

Cabin sử dụng chủ yếu chất liệu sợi carbon, vừa nhẹ vừa sang. Ghế ngồi cũng bằng sợi carbon, tiện nghi và thoải mái. Dây đai an toàn 3 điểm tiêu chuẩn, dưới thân xe là hai khoang chứa đồ riêng.

Có lẽ bảng điều khiển Lotus Evija mỏng nhất trong số hypercar hiện nay. Thiết kế tuy đơn giản nhưng không đánh mất vẻ sang trọng của khoang lái.

Khu trung tâm giống thiết kế của Porsche 918 Spyder và McLaren P1 nhưng sang hơn và sành điệu hơn. Ngoài ra, nó giống như trạm điều khiển từ xa khổng lồ, trong khi 918 Spyder và P1 trông cũ và lỗi thời.

Nhiều nút điều khiển hình lục giác xuất hiện ở khu trung tâm. Nó là dạng nút cảm ứng xúc giác cực nhạy. Điều đó có nghĩa Lotus Evija không cần sử dụng các nút vật lý và cần gạt như McLaren P1.

Thiết kế này trông đã mắt hơn, và thực ra lấy cảm hứng từ Porsche và McLaren, chỉ có điều trông hiện đại, đơn giản và đẹp mắt hơn.

Vô lăng cũng là điểm nhấn đáng chú ý, trông giống siêu xe F1 hoặc xe đua LMP. Chất vải cao cấp Alcantara phủ kín vô lăng.

Nút bấm được thiết kế rất đẹp, dễ điều khiển. Màn hình số sau vô lăng hiển thị mọi thông tin cần thiết của siêu xe như chế độ lái, mức pin, khoảng cách di chuyển còn lại.

Chỉ thông tin cơ bản được hiển thị trên màn hình. Nếu muốn chi tiết, bạn cần phải nhấn nút xem tương ứng.

Thông tin sẽ mờ dần nếu lâu không được sử dụng. Nên nhớ Lotus Evija là siêu xe tốc độ nên các chức năng này được thiết kế tránh làm tài xế sao nhãng. Thậm chí siêu xe còn không có màn hình thông tin giải trí.

Động cơ

Siêu xe công suất lớn được trang bị 4 môtơ điện, kết hợp với khối pin lithium-ion 70 kWh đặt ngay dưới ghế, cho công suất tổng cộng 1.972 mã lực, mô-men xoắn 1.700 Nm.

Lotus Evija là cỗ xe mạnh nhất thế giới, khiến những cái tên như Ferrari, McLaren, và Lamborghini cảm thấy nhỏ bé nếu so về công suất.

Siêu xe có 4 hộp số 1 cấp, mỗi hộp số truyền sức mạnh tới từng trục truyền động. Lotus Evija tăng tốc 0-100 km/h dưới 3 giây, tốc độ tối đa 322 km/h.

Pin của siêu xe là sản phẩm hợp tác giữa nhà sản xuất và công ty Williams Advanced Engineering. Mỗi lần sạc, xe có thể di chuyển được 402 km.

Thời gian sạc 0-80% chỉ trong 12 phút bằng bộ sạc 350 kW. Khoảng không gian dưới xe còn khá nhiều nên nhà sản xuất có thể nâng cấp pin nếu muốn.

Lotus Evija có 5 chế độ lái gồm Range (đường dài), City (đô thị), Tour (du lịch), Sport (thể thao), và Track (đường đua). Nhà sản xuất không công bố chi tiết nên chỉ có thể đoán chế độ lái qua tên của chúng.

Riêng Tour, Sport, và Track là các chế độ lái hiệu suất cao. Mỗi chế độ có thiết lập tính năng và hiệu suất riêng.

Khối pin công suất lớn của Lotus Evija rất quan trọng và cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Đáng tiếc Lotus không công bố chi tiết. Chỉ biết rằng chúng được bảo vệ bằng gói làm mát riêng giữ cho nhiệt độ pin luôn ở mức cho phép.

Ngoài ra, siêu xe còn được bổ sung hệ thống ESP và hệ thống đánh lái điện – thủy lực nhằm đảm bảo xe vận hành tối ưu trên đường thường và đường đua.

Hệ thống treo trước sử dụng thiết lập thể thao. Mỗi trục xe được gắn 3 ống giảm chấn thủy lực. Bánh trước và sau sử dụng la-zăng cỡ 20 và 21 inch, lốp Pirelli Trofeo R.

Hệ thống phanh của siêu xe cũng rất đặc biệt. Đó là hệ thống phanh xe đua dùng đĩa phanh gốm carbon cho cả bánh trước và sau, phù hợp cho siêu xe công suất lớn di chuyển tốc độ cao.

Chỉ 130 chiếc Lotus Evija được sản xuất, giá 2,2 triệu USD chưa tính thuế và chi phí khác. Trong khi đó, đối thủ Rimac C_Two có giá 2,3 triệu USD (chỉ sản xuất 150 chiếc).

Dù con số hơn 100 chiếc nhưng mua được các siêu xe này không phải dễ. Toàn bộ xuất mua Rimac C_Two đã bán hết dù xe chưa sản xuất.

Trong khi đó, Pininfarina Battista đắt nhất trong số 3 hypercar chạy điện – 2,5 triệu USD. Cũng như Rimac C_Two, chỉ 150 chiếc Pininfarina Battista được sản xuất, riêng thị trường Mỹ nhận được 50 chiếc.

Đối thủ cạnh tranh

Với công suất 1.914 mã lực, Rimac C_Two từng là siêu xe điện mạnh nhất thế giới tới khi Lotus Evija xuất hiện. Dù xếp sau Lotus Evija, siêu xe Croatia không hề lép vế.

Về sức mạnh, Rimac C_Two tương đương với Lotus Evija nhưng vượt trội về khoảng cách di chuyển. Khối pin 120 kWh cho phép siêu xe di chuyển tới 643 km, lớn hơn nhiều pin công suất 70 kWh (402 km) của Lotus Evija.

danh gia sieu xe dien manh nhat the gioi Lotus Evija 2020 anh 45

Siêu xe điện Rimac C_Two.

Trong khi đó, Pininfarina Battista tỏ ra không hề kém cạnh về sức mạnh và hiệu suất hoạt động. Siêu xe sử dụng 4 môtơ điện gắn cho từng bánh xe, đạt công suất tổng cộng gần 1.900 mã lực, mô-men xoắn 2.299 Nm.

Pininfarina Battista tăng tốc 0-96 km/h dưới 2 giây, nhanh hơn cả xe đua công thức 1 hiện nay. Siêu xe được trang bị khối pin 120 kWh, đạt khoảng cách di chuyển 482 km.

danh gia sieu xe dien manh nhat the gioi Lotus Evija 2020 anh 46

Pininfarina Battista.

Vậy còn điều gì chúng ta chưa nói về Lotus Evija? Đó thực sự là bước nâng cấp lớn tiếp theo của hãng xe vốn gắn với các mẫu xe thể thao hạng nhẹ, lái thú vị. Như đã nói, tham vọng của Lotus rất khác. Hãng không phải gánh trên vai ràng buộc tài chính hay hạn chế phát triển.

Siêu xe điện Lotus Evija 1.972 mã lực có thể thay đổi cách thức đánh giá xe hiệu suất lớn trong tương lai, và chắc chắn trong thời gian dài nó sẽ là hypercar ảnh hưởng nhất khi xuất hiện trên phố.

Thử nghiệm phá nát siêu xe 2,1 triệu USD

Nhà sản xuất Rimac Automobili (Croatia) thử nghiệm va chạm với siêu xe C_Two trị giá tới 2,1 triệu USD.

Ford kien hang do xe hinh anh

Ford kiện hãng độ xe

0

Hãng độ Vintage Modern bị Ford kiện vì chỉnh sửa và bán những chiếc Ford Bronco hiện đại dưới vẻ ngoài cổ điển.

Gia Nguyễn

Ảnh: topspeed

Bạn có thể quan tâm