Cậu con trai dù bị suy thận mãn tính vẫn ráng ngồi đan chữ trên bút, chắt chiu từng đồng tiền.
Con là tất cả
Chị là Phạm Thị Thu Vân (ngụ xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Hàng xóm bảo ngày xưa lúc con chưa bệnh, chị là người có nhan sắc: gương mặt thanh thoát, hiền lành, dáng cao gần 1,7 m.
Con bệnh, chị lao vào làm thuê quần quật và suy nghĩ gấp năm, gấp mười ngày trước, đôi mắt chị trũng sâu. Mặc, chị chẳng buồn quan tâm. Chị chỉ xót khi con đang teo tóp, sụt ký từng ngày. Chị rưng rưng: “Mới có hai năm mà nó xuống dữ quá. 19 tuổi mà giờ y chang đứa 15 tuổi”.
Ngày con phát bệnh, chị lên TP HCM chăm con suốt mấy tháng trời. Con ổn hơn, chị đưa con về và bắt đầu một hành trình mới: chạy thận. Thứ hai, thứ tư, thứ sáu hằng tuần là ngày chạy thận của con.
Con đường nhỏ xíu xiu dẫn vào ngôi nhà nằm sâu trong ruộng lúa của gia đình chị. Những lần con chạy thận xong, về tới nhà trời đã tối đen. Tay lái chị run run chỉ chực lao xuống ruộng. Chị bảo mình té chẳng sao, nhưng cánh tay con là vàng (tay đặt hệ thống để chạy thận, mỗi lần mổ lại rất tốn kém và đau đớn).
Con bị cao huyết áp, quãng đường xa làm con mệt lử. Suy tính, chị quyết định đi ở nhờ căn nhà thờ của dòng họ tại ngã tư Tân Trạch để dễ bề đi lại. Chồng chị làm thợ hồ, ngày ghé qua thăm con tí chút, tối về trông nhà vì còn mẹ già. Chị bảo anh không quen chốn đông đúc, mỗi lần lên viện anh đều thấy ngợp, mệt trong người vì mùi thuốc, mùi bệnh viện. Chuyện con bệnh, chị tự xoay xở...
Gần hai năm nay, con đường nối Tân Trạch (tỉnh Long An) - TP HCM chị đã thuộc lòng. Những ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu 6h sáng chị ra đồng làm thuê (trồng rau, hái thanh long, chặt thanh long...).
9h sáng chị vội vàng trở về khăn gói, cơm nước mang theo. Hai mẹ con bắt hai tuyến xe buýt tới bệnh viện. Chị cho con ăn uống, nghỉ ngơi đợi đầu giờ chiều chạy thận rồi về lại Long An. Những ngày con ở nhà, chị bươn bả làm thuê, ai mướn gì làm nấy. Chị tâm sự: “Bây giờ tui vẫn còn sức khỏe, còn khả năng lo cho con được. Nhiều lúc cũng mệt mỏi nhưng nghĩ đến con, thương con lại quên hết”.
Không buông xuôi
Huỳnh Tấn Mạnh là con đầu của chị Vân, năm nay 19 tuổi. Mạnh ít nói, chỉ cười. Căn bệnh suy thận mãn tính biến Mạnh từ một chàng trai cao lớn trở thành người ốm tong teo. Mặt mũi, chân tay Mạnh sạm đen, khô khốc, chỉ có hai lòng bàn tay trắng hếu với những nốt chai chi chít.
Mạnh ngồi trên giường, chiếc gối kê sau lưng, mắt chăm chú theo từng đường dây. Đôi tay “không được cầm vật nặng quá 4 kg” thoăn thoắt siết, quấn dây quanh thân bút. Mất hơn mười phút, Mạnh làm xong một cây bút. Công việc tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn vốn không hợp với bàn tay chai sần của Mạnh.
Thế nhưng những cây bút Mạnh đan dòng chữ, hoa văn đều tăm tắp. Mạnh cho biết một cây bút đan chữ lên như thế được bán với giá 12.000 đồng (tiền mua bút 6.000 đồng, tiền mua dây và công làm được 6.000 đồng). Những ngày lên TP chạy thận, hai mẹ con tranh thủ ghé Chợ Lớn mua dây, mua bút.
Mạnh bảo trước kia nằm một chỗ nên vừa đau đớn vừa suy sụp, chán nản. Thương mẹ, Mạnh ráng vui vẻ. Một hôm em gái mang về cây bút thắt dây rất đẹp, Mạnh tò mò gỡ ra rồi đan theo. Những cây bút đầu tiên được em gái mang lên lớp “khoe” với bạn bè và có người đặt hàng.
Kiếm được những đồng tiền đầu tiên, Mạnh thấy khỏe và vui thật sự. Những lần lên bệnh viện đợi chạy thận, cậu con trai say sưa ngồi đan bút khiến nhiều người tò mò và đặt hàng. Mạnh kể có người đặt làm cả trăm cây bút, tuy mệt nhưng vẫn giao đúng hẹn.
Mỗi ngày Mạnh chỉ ngồi được một lúc, tối cũng không làm được vì mờ mắt. Thế nhưng Mạnh đã tiết kiệm được mười mấy triệu đồng. Mạnh nói muốn phụ mẹ tiền chạy thận nhưng mẹ không chịu. Mạnh cho em gái mỗi tháng vài trăm ngàn đồng đóng tiền học thêm. Mạnh nói, giọng buồn buồn: “Mình không được đi học nữa, giờ ráng phụ mẹ lo cho em đi học” rồi bộc bạch em thích học những gì liên quan đến nông nghiệp, trồng trọt. Nếu còn thời gian, Mạnh sẽ dùng vốn tiết kiệm để trồng rau thủy canh.
Cuộc sống không biết còn kéo dài bao lâu, Mạnh hiểu điều đó. Mạnh nhẹ tênh đón nhận vì “chuyện gì đến sẽ đến” và vẫn lạc quan. Những ngày không đi chạy thận, Mạnh tranh thủ đan bút làm niềm vui và kiếm tiền. Chiều về, Mạnh lau nhà cửa, cho gà ăn và nấu nồi cơm đợi mẹ về...