Trưa 5/10, nhạc sĩ Trần Tiến tham gia chương trình Bữa trưa vui vẻ cùng hai ca sĩ trẻ - Bảo Trâm và Nguyễn Trần Trung Quân. Với cách nói chuyện dí dỏm, thỉnh thoảng bông đùa, ông mang đến không khí thoải mái, tươi trẻ cho buổi trò chuyện.
Ở tuổi 68, dù sức khỏe không được tốt, Trần Tiến vẫn luôn giữ tinh thần trẻ trung, truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Nhạc sĩ chia sẻ, ông thích nhất trở về Hà Nội vào mùa thu vì "mùa đông cũng thích nhưng sợ bệnh".
Tuy nhiên, khi MC Quang Minh hỏi thăm tình hình sức khỏe của vị nhạc sĩ tài ba, ông lại gạt đi: "Trước công chúng là phải khỏe. Âm nhạc và nghệ thuật là tuổi trẻ. Chú năm nay mới hai mấy tuổi thôi".
Gã du ca của làng nhạc Việt chứng minh "sức trẻ" và tâm hồn phơi phới khi thể hiện Cô gái Sầm Nưa - bài hát ra đời trong khoảng thời gian nhạc sĩ Trần Tiến đi chiến trường tại Lào. Ông hát với giọng điệu vui vẻ và không ngừng lắc lư theo giai điệu.
Nhớ lại cái duyên đến với âm nhạc, tác giả Mặt trời bé con tâm sự, trước khi trở thành ca sĩ, ông rất mê học Toán và tưởng mình sẽ đi theo khoa học. "Không ngờ cuộc đời biến đổi thế nào đó, tôi lại đi làm hậu đài cho Đoàn văn công Hà Nội" - Trần Tiến nói.
Với chất giọng trầm, ban đầu ông được đưa vào hát bècủa dàn đồng ca. Sau quá trình học hỏi, một năm sau, ông được hát tốp ca, song ca rồi lên đơn ca.
Trần Tiến chia sẻ, năm 17 tuổi, khi viết ca khúc Thanh niên ra tiền tuyến, ông không biết nốt nhạc và phải nhờ bạn ghi lại nhạc. Thế rồi, ca khúc bất ngờ nhận giải Nhất cuộc thi Tiếng hát át tiếng bom, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận chính là người chủ động mang ca khúc đi dự thi. Nhưng đến khi nhận giải, ông mới thông báo cho tác giả biết.
Trong chương trình, ca sĩ Bảo Trâm và Nguyễn Trần Trung Quân thể hiện nhiều ca khúc của Trần Tiến, nhưng để lại cảm xúc lắng đọng nhất vẫn là Mẹ tôi. Bản thân MC Quang Minh cũng không giấu được sự xúc động khi nghe những lời ca chân thực mà da diết.
Nói về hoàn cảnh ra đời bài này, Trần Tiến bộc bạch, ông mong viết về mẹ từ lâu. Đúng hôm giỗ mẹ, ông đi diễn với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu và viết một nửa bài hát trong cánh gà. Trong lúc sáng tác nhạc sĩ đã khóc. Nhưng phải nhiều năm sau, bài hát Mẹ tôi mới hoàn thành.
"Tôi để bài hát trên bàn thờ mẹ, không mang đi đâu hát vì dễ khóc. Rồi cũng không nhớ vì sao bài này ra đời. Cháu Hà (ca sĩ Trần Thu Hà - PV) hình như là người đưa ra đầu tiên" - nghệ sĩ nhớ lại.
Trong suốt sự nghiệp âm nhạc, Trần Tiến cho ra đời rất nhiều ca khúc với màu sắc đa dạng. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu như Chiếc vòng cầu hôn, Điệp khúc tình yêu, Tiếng trống Baranưng, Giấc mơ Chapi, Mưa bay tháp cổ, Ngẫu hứng sông Hồng, Lá diêu bông... Không ít khán giả thắc mắc ông lấy cảm hứng từ đâu mà viết nhiều đến thế? Nhạc sĩ đáp: "Trời cho, tôi cứ đi đâu hứng thì viết". Bởi ông là người thích phong cách du ca, đi đến đâu thì viết và hát đến đó (có thể chơi nhạc giữa cánh đồng hay trên thảo nguyên), không thích truyền hình, không quan tâm đến sự nổi tiếng.
"Tôi mơ được đi lang bang khắp nơi, viết và hát cho sướng" - Trần Tiến bộc bạch.