Đi sau nhiều năm so với thị trường âm nhạc thế giới, Vpop không tránh khỏi sự ảnh hưởng từ nước ngoài, đầu tiên là âm nhạc Trung Quốc vào cuối những năm 90, và sau đó là nhạc Hàn Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, nhạc Hàn Quốc và Âu Mỹ không chỉ được khán giả ưa chuộng mà còn được nhiều ca sĩ Việt Nam học hỏi, tiếp thu. Và không thể phủ nhận ảnh hưởng của nhạc nước ngoài đã giúp Vpop "lột xác" mới mẻ và đa dạng hơn.
Tuy nhiên, nó cũng tồn tại mặt trái, đó chính là những tranh cãi đạo nhạc mà hầu như năm nào cũng bùng lên. Thậm chí, gần đây nghi án đạo nhạc, sao chép ý tưởng có dấu hiệu gia tăng dù bị khán giả kịch liệt phản đối, tẩy chay.
Ca sĩ Việt thành danh nhờ nhạc Hoa lời Việt
Thập niên 90, khi những bộ phim như Bao Thanh Thiên, Hoàn Châu Cách Cách, Tân dòng sông ly biệt… "chiếm sóng" màn ảnh Việt, nhạc phim Hoa ngữ trở nên nổi tiếng và "ăn sâu" vào đời sống tinh thần của khán giả nước ta.
Như một cách chiều lòng công chúng, nhiều ca sĩ Việt lúc đó bắt đầu tìm đến nhạc Hoa lời Việt. Những ca sĩ đầu tiên hát thể loại này phải kể đến Huy Tùng, Hoàng Dũng, Thanh Tâm… Sau đó, Phương Thanh, Thanh Thảo, Minh Thuận… cũng gia nhập trào lưu.
Đan Trường thành danh nhờ những ca khúc nhạc Hoa. Ảnh: NVCC. |
Đan Trường là một trong những ca sĩ thành công nhất với trào lưu hát nhạc Hoa, đồng thời cũng giúp thể loại này ngày càng phổ biến. Nam ca sĩ sở hữu một "kho đồ sộ" các ca khúc nhạc Hoa chuyển lời Việt.
Có thể kể đến Đi về nơi xa, Bóng dáng thiên thần, Lời ru tình, Dòng sông băng, Email tình yêu, Phong ba tình đời, Bước chân lẻ loi, Hôn môi xa... Anh thậm chí còn thực hiện MV theo phong cách cổ trang Trung Quốc để minh họa cho sản phẩm của mình.
Vào đầu những năm 2000, khi phim Trung Quốc và đặc biệt là phim thần tượng Đài Loan phổ biến tại Việt Nam, nhạc Hoa lời Việt vẫn có chỗ đứng. Nhiều ca khúc thuộc thể loại này như Người đến từ Triều Châu, Cổ tích anh, Uyên ương hồ điệp mộng… đến giờ vẫn được khán giả yêu mến.
Thậm chí, câu hát "Hãy khóc đi, khóc đi đừng ngại ngùng" trong ca khúc Khi người đàn ông khóc do Lý Hải thể hiện còn là câu cửa miệng của nhiều người dân Việt đến tận bây giờ.
Kpop xâm lấn thị trường Việt
Cuối thập niên 2000, nhạc Hoa bão hòa, khán giả bắt đầu chứng kiến sự lên ngôi của nhạc Hàn Quốc. Khán giả trẻ dần chuyển hướng đam mê các nhóm nhạc Hàn như TVXQ, Super Junior, Big Bang, SNSD, Wonder Girls… Đến nay Kpop đã phủ sóng cả Vpop.
Ảnh hưởng của Kpop tới Vpop là rất rõ ràng, đầu tiên là qua phong cách âm nhạc trẻ trung, trang phục cá tính, cách dàn dựng MV cầu kỳ với bối cảnh hiện đại… mà hầu hết ca sĩ Việt hiện nay ưa chuộng, ví dụ như Noo Phước Thịnh, Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi…
Sơn Tùng thừa nhận anh chịu ảnh hưởng từ âm nhạc Kpop bởi anh nghe dòng nhạc này từ bé. Ảnh: Việt Hùng. |
Không chỉ học hỏi phong cách, ca sĩ Việt còn đang áp dụng rất nhiều phương thức quảng bá, hoạt động từ các đồng nghiệp xứ kim chi. Điển hình như việc tung teaser, tổ chức fansign giới thiệu album mà Sơn Tùng làm gần đây. Hay các nhóm nhạc 365, Lime, LipB, Monstar… đều áp dụng mô hình hoạt động kiểu Hàn Quốc.
Họ được đào tạo theo quy trình Kpop với số lượng môn học tăng gấp nhiều lần, bao gồm thanh nhạc, vũ đạo, giao tiếp, diễn xuất, thuyết trình… Trong nhóm, các thành viên cũng phân chia rõ vai trò, bao gồm cả người đảm nhận vai trò gương mặt đại diện.
Mô hình này vốn chỉ phổ biến tại Hàn Quốc. Còn ở Vpop, trước sự xuất hiện của nhóm 365, chưa từng có nhóm nhạc nào áp dụng. Một số trường hợp như Lime hay Monstar thời gian qua còn đến Hàn Quốc để giao lưu, học hỏi những hướng đi mới từ làng giải trí nước này.
Monstar phải ở chung và chịu sự quản lý nghiêm ngặt giống các nhóm nhạc Hàn. Ảnh: FBNV. |
Nói đến sức ảnh hưởng không thể không nhắc đến nhạc Âu Mỹ. Không gây sốt như Kpop hay Hoa ngữ, ảnh hưởng của nhạc US-UK tới Vpop là âm thầm và bền bỉ.
Từ năm 1997, Thu Phương đã thành công rực rỡ với ca khúc nhạc ngoại lời Việt Un-break my heart, Hồng Nhung tạo dấu ấn với Papa, ban nhạc Bức Tường xây dựng thương hiệu riêng cùng những bản nhạc rock sôi động…
Dòng nhạc EDM, dance, rap, hip hop, beat box… đang thịnh hành ở Vpop cũng du nhập từ thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới này.
Hệ lụy của việc học hỏi không đúng cách
Nhạc sĩ Khắc Hưng cho biết khi nghe nhạc nước ngoài, các nhạc sĩ trẻ có thể cập nhật và bắt kịp các xu hướng thế giới, từ đó nâng cao trình độ hiểu biết của mình.
"Tuy nhiên, khi nghe mà không có hệ thống bài bản và được học hành đoàng hoàng như các producer nước ngoài thì ta chỉ có thể học theo họ, chứ không biết được tính chất của vấn đề", Khắc Hưng phân tích.
"Rất nhiều bạn trẻ không biết mình đang làm gì và chỉ bắt chước những gì mình nghe thấy. Ngoài ra, khi Internet phát triển và ngày càng có nhiều thể loại nhạc, các bạn trẻ thường lấy chỗ này đắp vào chỗ kia", anh nhấn mạnh.
Theo nữ ca sĩ Mỹ Linh, tranh cãi đạo nhạc và ý tưởng ở Vpop nổ ra ngày một nhiều một phần cũng bởi beat nhạc nước ngoài được phát tràn lan trên mạng xã hội. Và không phải ai cũng đủ tỉnh táo, bản lĩnh để vượt qua ranh giới giữa học hỏi và sao chép.
"Với các giọng trẻ chưa được đào tạo bài bản thì việc chịu ảnh hưởng từ người này hoặc người kia một cách vô thức là rất dễ hiểu. Nhất là trong trường hợp beat nhạc ngoại được bán tràn lan trên mạng xã hội, mọi người có thể mang về để phát triển giai điệu và như vậy đã trở thành nhạc sĩ", Mỹ Linh nhận định.
Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn mới đây, Quang Anh, giọng ca trẻ đang bắt đầu sáng tác và cũng rất yêu thích các ca sĩ nước ngoài, trong đó có G-Dragon, đồng tình với quan điểm trên.
"Việc quá thần tượng một ai đó dễ khiến trong tâm trí, suy nghĩ của mình lúc nào cũng bị ảnh hưởng bởi người đó", quán quân Giọng hát Việt nhí mùa đầu khẳng định.
Trong một chương trình gần đây, Sơn Tùng cũng thừa nhận âm nhạc của anh có sự pha trộn giữa dân ca Bắc Bộ, nhạc Âu Mỹ và Hàn Quốc.
Đây có lẽ cũng là lý do khiến nam ca sĩ có ít nhất tám ca khúc bị tố giống các sản phẩm nước ngoài. Trong đó, Chúng ta không thuộc về nhau phát hành năm 2016 gây sóng gió dư luận với phần giai điệu bị cho là rất giống bản hit đình đám We Don't Talk Anymore của Charlie Puth.
Thời gian đó, ngay cả nhiều blogger và khán giả nước ngoài cũng bày tỏ sự nghi ngờ khi nghe ca khúc của ca sĩ gốc Thái Bình. Cũng vì nghi án đạo nhạc mà MV này có tới 270 nghìn dislike (không thích) và là MV Việt có lượt dislike cao nhất.
Trước đó, khi giải thích về tranh cãi đạo nhạc của một số ca khúc trong album 365000, nhóm nhạc rock Ngũ Cung thừa nhận một đoạn trong Lồng ngực tối giống sản phẩm nước ngoài.
Nhóm cũng cho biết sáng tác của mình thường chịu ảnh hưởng từ các bậc tiền bối của làng nhạc rock thế giới như Pink Floyd, Dream Theatre, Ozzy Osbourne…
Mới đây nhất, khi Bảo Anh phát hành In The Night, khán giả phát hiện nhiều cảnh quay trong MV này giống Don’t Let Me Be The Last To Know của Britney Spears. Một đoạn clip so sánh hai MV khi được chia sẻ trên mạng đã nhận nhiều ý kiến đồng tình. Bảo Anh phải đối mặt với vô số lời chê bai, chỉ trích từ khán giả.
Trong năm 2016, Dương Hiếu Nghĩa xuất hiện trên trang Allkpop với nghi án đạo A Million Pieces của Kyuhyun (Super Junior) trong MV Đêm không còn em. Bảo Thy bị nữ ca sĩ Tinashe chê bai trên trang cá nhân sau khi MV Lollipop của cô bị so sánh với Super Love (Tinashe) và I Luh Ya Papi (Jennifer Lopez).
Ngoài tranh cãi đạo nhạc, ca sĩ Việt còn nhiều lần bị tố sao chép phong cách thời trang và biểu diễn của đồng nghiệp nước ngoài. Điển hình như Sơn Tùng bị coi là bản sao của G-Dragon, nhóm nhạc Uni5 bị so sánh với bộ đôi G-Dragon - T.O.P hay Tóc Tiên nhiều lần khiến khán giả liên tưởng tới Miley Cyrus...
Ảnh hưởng từ âm nhạc thế giới dễ dẫn đến nghi án đạo nhạc. Do đó theo Mỹ Linh, mỗi bài hát khi được phát hành cần phải được xem xét rất kỹ bởi các chuyên gia. Các sản phẩm bị nghi ngờ đạo nhạc không chỉ ảnh hưởng đến người nghe mà còn khiến ca sĩ, nhạc sĩ mang tiếng xấu trong suốt sự nghiệp của mình.
Khắc Hưng cho rằng người nghệ sĩ cần hiểu được bản chất công việc mình đang làm và nên trau dồi kiến thức cơ bản để nâng cao vốn hiểu biết, tránh những tranh cãi sao chép và đạo nhạc.