Mika là một lao động trong ngành công nghiệp giải trí người lớn ở Nhật Bản. Giờ đây, khi mọi người ưu tiên ở nhà và tránh tiếp xúc xã hội, cô trở thành kẻ thất nghiệp và thiếu tiền trang trải.
Cô cũng cố gắng tìm kiếm một công việc mới nhưng chẳng nơi nào tuyển dụng giữa thời kỳ khủng hoảng này.
“Tất nhiên, tôi cũng lo lắng cho sức khỏe của mình nên không thể cứ hành nghề vào lúc này. Thế nhưng giờ tôi còn lo lắng hơn về việc mình sẽ sống tiếp thế nào khi không làm gì cả”, cô nói.
Khi mọi người ưu tiên ở nhà và tránh tiếp xúc xã hội, lao động mại dâm thất nghiệp và phải vật lộn với cuộc sống. Ảnh: CNN. |
Lao động trong ngành này trên khắp Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc phong tỏa và giãn cách xã hội do đại dịch. Cả đất nước đang trong tình trạng khẩn cấp, nhiều doanh nghiệp được lệnh phải đóng cửa và mọi người được khuyên không nên ra ngoài.
Để vực dậy nền kinh tế đang tụt dốc, chính phủ Nhật đã đưa ra gói kích thích khổng lồ trị giá 108 nghìn tỷ yên Nhật (khoảng 989 tỷ USD). Sau một số tranh cãi, lao động tình dục đã được xác nhận là đối tượng đủ điều kiện xin viện trợ, nếu thỏa mãn một số điều kiện nhất định.
Nhưng phần lớn người hành nghề không cảm thấy tin tưởng gói hỗ trợ của chính phủ. Họ cho rằng các quy tắc để tính đủ điều kiện có vẻ không rõ ràng và còn nhiều hạn chế.
Đấu tranh để được công nhận
Mặc dù việc quan hệ để kiếm tiền là phạm pháp ở Nhật, các hoạt động mại dâm khác bao gồm trò chuyện 18+, khiêu vũ, massage, nhà tắm 18+ hay sản xuất phim người lớn vẫn được coi là hợp pháp.
Kabukicho - khu giải trí dành cho người lớn ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: CNN. |
Khi chính phủ Nhật Bản bắt đầu tập hợp các gói cứu trợ, họ đã loại trừ những lao động hợp pháp của ngành công nghiệp giải trí người lớn.
Việc này đã dấy lên một làn sóng chỉ trích từ các nhà hoạt động xã hội và đảng đối lập. Họ gọi hành động loại trừ này là "phân biệt đối xử nghề nghiệp".
Sau nhiều tranh cãi, nhà chức trách cuối cùng đã tuyên bố kế hoạch sẽ bao gồm những người làm việc hợp pháp trong ngành công nghiệp tình dục.
Theo hướng dẫn dự thảo, những người hành nghề mại dâm cũng có thể nộp đơn xin nhận tiền mặt nếu bị mất thu nhập do Covid-19.
Tuy nhiên, động thái này tiếp tục tạo ra hai luồng dư luận ở Nhật Bản, nơi thái độ đối với khái niệm “quan hệ tình dục” và “mại dâm” vẫn chịu những định kiến nặng nề.
Một số nhân vật của công chúng - bao gồm cả người nổi tiếng trên truyền hình – đã kịch liệt phản đối việc sử dụng tiền thuế của người dân để hỗ trợ những lao động ngành tình dục.
Đáp lại động thái đó, hashtag #NightWorkIsAlsoWork đã được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. “Night work” (tức “công việc ban đêm") là một cách nói khác của hoạt động mại dâm hợp pháp ở Nhật Bản.
Mắc kẹt ngay khi đăng ký xét điều kiện
Tuy vậy, phần lớn các quy tắc của chính phủ về hỗ trợ tài chính cùng với các điều kiện để được nhận trợ cấp còn mơ hồ và mâu thuẫn.
Một trong số đó là chính phủ yêu cầu người nộp đơn phải chứng minh tiền lương và thu nhập bị mất. Đây là một thách thức đáng kể đối với những người thường được trả tiền sau mỗi ca làm và mức thù lao luôn dao động.
Nhiều gái mại dâm không báo cáo nghề nghiệp của họ do tính chất công việc. Ảnh: Vox. |
Ngay cả khi một số hoạt động mại dâm được pháp luật công nhận, cảm giác xấu hổ và sợ kỳ thị khiến nhiều người không muốn tự khai công việc này trong lý lịch. Như trường hợp của Mika, ngay cả gia đình cô ấy cũng không biết con mình đang làm gì để kiếm sống.
"Tôi không rõ làm thế nào để những người lao động tự do không kê khai thu nhập với chính phủ được nhận viện trợ kinh tế. Tôi rất muốn đăng ký, nhưng không biết phải giải quyết ra sao. Tôi bị mắc kẹt”, Mika chia sẻ.
Giới chức vẫn đang soạn thảo các điều khoản của gói kích thích kinh tế. Một đề xuất sửa đổi đang được bàn bạc là sẽ cung cấp 100.000 yên (khoảng 928 USD) cho mỗi người, thay vì 300.000 yên (2.785 USD) cho mỗi hộ gia đình bị mất thu nhập.
Bangladesh là một trong số ít các quốc gia châu Á công nhận mại dâm là loại hình kinh doanh hợp pháp. Ảnh: CNN. |
Khó khăn của lao động mại dâm ở các quốc gia khác
Những người hành nghề mại dâm trên khắp châu Á phải đối mặt với những khó khăn tương tự. Ở một số nơi, ngay cả chính phủ cũng phải chịu gánh nặng kinh tế.
Bangladesh là một trong số ít các quốc gia châu Á công nhận mại dâm là loại hình kinh doanh hợp pháp, với các nhà thổ hoạt động có giấy phép.
Theo tuyên bố của truyền thông địa phương và cảnh sát, để hỗ trợ thiệt hại kinh tế, gái mại dâm ở một số thị trấn của nước này đã được tạm miễn tiền thuê nhà. Bên cạnh đó, mỗi người được phát 20 - 30 kg gạo.
Ở Malaysia, nơi tất cả các hoạt động mại dâm vẫn là bất hợp pháp, vẫn có một số gói viện trợ trong đại dịch cho đối tượng làm nghề này. Chẳng hạn, chính phủ đã thiết lập các khoản trợ cấp hàng tháng và chỗ ở tạm thời cho người vô gia cư và thất nghiệp, nhiều người trong số họ là gái mại dâm.
Nhiều gái mại dâm Thái Lan không có nơi làm việc và mất khách sau khi chính phủ đóng cửa quán bar. Ảnh: The Sun. |
Có lẽ câu chuyện tích cực nhất cho đến nay là ở Thái Lan.
Theo Liz Hilton - một thành viên của tổ chức Empower Foundation Thái Lan, ngành công nghiệp giải trí người lớn vẫn tạo ra khoảng 4 - 6 tỷ USD mỗi năm tuy là phạm pháp. Con số này chiếm khoảng 5-10% GDP của quốc gia.
Nhiều gái mại dâm Thái Lan không có nơi làm việc và mất khách sau khi chính phủ đóng cửa quán bar và các địa điểm giải trí dành cho người lớn vào tháng trước. Họ phải chật vật lo tiền thuê nhà và sinh hoạt phí.
Chính phủ Thái Lan đã mở gói cứu trợ đối tượng này. Tất cả đều được hỗ trợ tích cực để xét đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp.