Jae'lynn Chaney (26 tuổi), một KOL du lịch có 127.000 người theo dõi, đang yêu cầu các hãng hàng không ở Mỹ thay đổi chính sách “phân biệt đối xử” cho những vị khách ngoại cỡ, theo CNN Travel.
Tháng 4 vừa qua, cô cũng gây chú ý khi bắt đầu bản kiến nghị với nội dung kêu gọi chấm dứt chuyện tính thêm tiền ghế thứ hai cho các khách hàng có cân nặng quá khổ khi di chuyển bằng máy bay.
Theo Chaney, những người như cô phải "trả gấp đôi tiền cho cùng một trải nghiệm" và nhấn mạnh rằng việc này làm giá vé đối với nhóm khách này đắt đỏ hơn.
Các chính sách về cân nặng hành khách của các hãng hàng không khác nhau về mức độ và chi tiết. Về cơ bản, quy định chung nói rằng nếu khách không ngồi vừa ghế có dây an toàn (kể cả trường hợp đã cung cấp thêm dây nới rộng hơn) và phải hạ tay vịn xuống sẽ bị tính phí thành hai ghế hoặc không được lên máy bay, theo Smarter Travel.
Một số hãng có chính sách cung cấp miễn phí ghế thứ hai hoặc hoàn lại tiền vé nếu chuyến bay hết chỗ với khách béo phì.
Jae'lynn Chaney chuyên làm video chia sẻ kinh nghiệm du lịch cho những người có cân nặng quá khổ như cô. |
Mua thêm vé hoặc lỡ chuyến bay
"Việc phục vụ hành khách ngoại cỡ có thể phát sinh các chi phí liên quan, nhưng phải được cân nhắc tới lợi ích và tạo ra trải nghiệm du lịch thân thiện, toàn diện hơn", cô giải thích.
Trong bản kiến nghị của mình, Chaney kêu gọi Cục Hàng không Liên bang (FAA) yêu cầu tất cả hãng bay phải tạo ra một chính sách toàn diện “ưu tiên sự thoải mái và hạnh phúc của mọi hành khách”.
Gabor Lukacs, một chuyên gia du lịch ủng hộ Chaney, bày tỏ quan điểm "trở thành người ngoại cỡ không phải là một sự lựa chọn như nhiều người lầm tưởng".
“Thật không may, có rất nhiều sự chú ý và thành kiến tiêu cực đối với những có cân nặng quá mức. Ngược lại, các hãng hàng không đâu có giảm giá cho hành khách gầy hơn hoặc trẻ em", Lukacs nói.
Trong các video của mình, cô gái từng nhiều lần nhận về những lời lăng mạ về cân nặng của mình. |
Ngoài phát sinh tài chính, Chaney cho biết cô còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác, ví dụ như các tiếp viên hàng không hay các vị khách khác trên chuyến bay có thái độ kỳ thị.
Một blogger du lịch khác, Kristy Leanne, cũng gây chú ý sau khi đăng video về những vấn đề mà cô và những người ngoại cỡ khác gặp phải trên máy bay
“Tôi đang chia sẻ kinh nghiệm của mình nhưng nhiều người khác nghĩ rằng tôi đang phàn nàn, chê bai", Leanne nói với CNN.
Một mối quan tâm lớn đối với nhiều khách du lịch cỡ lớn là kích thước chỗ ngồi bị thu hẹp.
Trong hai thập kỷ qua, chiều rộng trung bình của ghế ngồi trên máy bay đã giảm từ 47 cm xuống còn 43 cm, ngay cả khi 38% dân số thế giới bị thừa cân hoặc béo phì, theo Liên đoàn Béo phì Thế giới.
Theo Lukacs, kích thước ghế nên phù hợp với tất cả khách du lịch, không chỉ những người có kích thước lớn.
“Việc bị nhồi nhét trong một chiếc ghế rất nhỏ, ngoài kém thoải mái, còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng ta đều mong đợi, khi lên máy bay, sẽ được đối xử với một số mức độ tôn trọng hợp lý", Lukacs nói thêm.
Trước đó, tháng 12/2022, một tòa án ở Brazil đã yêu cầu hãng hàng không Qatar Airways trả tiền trị liệu tâm lý cho khách hàng là một nữ người mẫu ngoại cỡ từng bị từ chối cho lên máy bay vì "quá béo", theo Business Insider.
Cụ thể, trên đường trở về Brazil, khi chuẩn bị rời Beirut (Lebanon) đến Doha (Qatar), Juliana Nehme (38 tuổi) không được phép lên chuyến bay với lý do cân nặng. Nhân viên hãng cho hay cô cần mua vé hạng thương gia với giá 3.000 USD để có thể ngồi vừa vào ghế có kích thước lớn hơn.
Cuối cùng, nữ người mẫu ngoại cỡ ở lại Lebanon với mẹ, trong khi chị gái và cháu trai tiếp tục hành trình trở về nhà.
Mỗi bộ quần áo mang đến một thông điệp riêng
Cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là sự chiêm nghiệm của tác giả David McRaney về thế giới quan của con người thông qua các câu chuyện tâm lý học hành vi rất gần gũi. Theo ông, cùng với các loại vũ khí và công cụ, quần áo đã được phát triển như một trong những loại hình nghệ thuật đầu tiên, và cũng là một trong những biểu hiện bằng vật chất đầu tiên từ thế thế giới nội tâm phong phú của con người.