Cụ bà Nguyễn Thị Tài cùng một số người con kiện chia tài sản với mục đích để sau đó bà ở với một người con gái mà bà ưng bụng, thấy hòa hợp. Cấp sơ thẩm đã tuyên cơ bản như ý nguyện của bà nhưng cấp phúc thẩm lại có phán quyết ngược lại.
Cụ bà trên trăm tuổi đứng đơn khởi kiện
Theo hồ sơ, vụ án cụ cụ Nguyễn Thị Tài (sinh năm 1912) và chồng có 10 người con chung và có một căn nhà chung ởphường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu. Năm 1992, chồng cụ Tài mất, không để lại di chúc, căn nhà vẫn được cụ Tài và gia đình hai người con gái tên Lan và Hồng cùng ở chung. Những người con khác đã có gia đình và ra sống riêng từ mấy mươi năm qua.
Năm 2001, căn nhà này hư hỏng nhiều, bà Lan, con gái thứ chín của cụ Tài, bỏ tiền xây một căn nhà mới, trị giá 90 triệu đồng.
Năm 2006, cụ Tài họp gia đình, nói rõ phần đất tài sản chung nên được chia hai, cụ Tài một nửa, còn nửa kia là của cụ Thời để lại cho các con. Riêng căn nhà thì của bà Lan vì do bà bỏ tiền xây cất. Tuy nhiên, cũng trong năm này, phần đất nói trên được cấp chủ quyền theo dạng cấp cho hộ gia đình do cụ Tài đứng tên đại diện.
Cuối năm 2016, cuộc sống chung có những mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra. Cụ Tài, bà Lan và 13 người khác là các con cháu của cụ Tài đứng nguyên đơn khởi kiện chia tài sản thừa kế. Bị đơn là bà Hồng, con gái út của cụ Tài (đang sống chung).
Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chia phần đất này làm ba phần cho cụ Tài, bà Lan và bà Hồng (mỗi người 1/3); đồng thời các nguyên đơn yêu cầu tòa tuyên giao căn nhà cho bà Lan ở để thờ phụng và chăm sóc cụ Tài, bà Lan sẽ trả bằng tiền phần di sản 1/3 cho bà Hồng.
Hai cấp tòa phán quyết trái ngược nhau
Ngày 11/5/2018, TAND thị xã Giá Rai xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tức bà Lan được sở hữu căn nhà này cùng quyền sử dụng đất sau khi trả cho bà Hồng 1/3 di sản (trị giá 91,5 triệu đồng). Nguyện vọng của cụ Tài cũng được thỏa mãn, tức cụ được cho bà Lan số tài sản của mình và được ở chung để bà Lan chăm sóc tại căn nhà này.
Tuy nhiên, ngày 12/10/2018, TAND tỉnh Bạc Liêu xử phúc thẩm đã tuyên xử hầu như ngược lại bản án sơ thẩm. Theo đó, bà Hồng được sở hữu và ở lại căn nhà này, bà Lan phải ra đi sau khi nhận phần di sản bằng tiền (1/3 giá trị di sản). Bà Hồng được tuyên có quyền xác lập chủ quyền nhà, đất chung với cụ Tài.
Sau khi bị tuyên như vậy, cụ Tài và các con (trừ bà Hồng) đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Cụ Tài cho rằng mình đã bị tòa tước đi quyền chọn lựa được ở với người con nào. Cả quyền tặng phần tài sản 1/3 của mình cho bà Lan cụ cũng không thực hiện được.
Cụ bà Nguyễn Thị Tài và người con tên Lan. |
Hội Người cao tuổi lên tiếng
Từ đơn kêu cứu của cụ Tài và sáu người con còn sống khác, ông Nguyễn Hiền Lương, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bạc Liêu, đã cất công xuống địa phương xác minh để nắm rõ sự tình. Sau đó, ông Lương đã có kiến nghị gửi các cơ quan tố tụng cấp trên.
Theo đó, ông Lương cho rằng giữa cụ Tài và bà Hồng có quyền lợi đối lập. Từ đó, cụ Tài và các người con khác mới khởi kiện, mong bà Hồng nhận phần di sản rồi ra đi, trả lại cho cụ Tài cuộc sống yên ổn bên bà Lan. Ông Lương bày tỏ sự đồng thuận với phán quyết của bản án sơ thẩm.
“Quyền lợi của cụ Tài - nguyên đơn và bà Hồng - bị đơn là đối lập. Tòa lại tuyên bị đơn phụng dưỡng, chăm sóc nguyên đơn là trái với nguyện vọng của cụ Tài, không phù hợp với quy định của pháp luật” - ông Lương nói.
Ông Lương cũng xác minh được bà Lan là con gái sống với cụ Tài từ nhỏ đến lớn, chăm sóc tốt nhất cho cụ. Còn bà Hồng khi có chồng đã về sống bên chồng, thuộc tỉnh Cà Mau, một thời gian sau mới về nhà mẹ ruột xin ở tạm để sinh đẻ rồi ở luôn tại đây.
Ngoài ra, VKSND tỉnh Bạc Liêu cũng có báo cáo, đề nghị VKSND Cấp cao tại TP.HCM xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Theo đó, VKSND tỉnh Bạc Liêu đề nghị cấp trên kháng nghị theo hướng đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm và công nhận bản án sơ thẩm của TAND thị xã Giá Rai.
Lập luận của VKSND tỉnh Bạc Liêu
Trong báo cáo gửi VKSND Cấp cao tại TP.HCM, VKSND tỉnh Bạc Liêu cho rằng ý muốn của cụ Tài là cho lại bà Lan toàn bộ giá trị phần tài sản mà cụ được hưởng. Cụ Tài cũng xác định bà Lan là người chăm sóc cụ từ trước đến nay, ý muốn của cụ là muốn ở với bà Lan.
“Tuy nhiên, bản án phúc thẩm lại tuyên xử giao cho bà Hồng được quyền sở hữu căn nhà, quyền sử dụng đất và có trách nhiệm chăm sóc cụ Tài là không phù hợp. Bởi cụ Tài và bà Hồng có mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày, cụ Tài không thể ở chung được với bà Hồng nên khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung; quyền lợi của cụ Tài và bà Hồng là đối lập nhau. Bản án tuyên bị đơn có trách nhiệm chăm sóc nguyên đơn là trái với ý chí của cụ Tài, không phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội” - VKSND tỉnh Bạc Liêu nhận định.
Lập luận của hai cấp tòa
Tòa sơ thẩm nhận định bà Lan là người có công đóng góp, nâng cấp, cải tạo và sửa chữa căn nhà. Cụ Tài cũng đã tự nguyện thỏa thuận tặng cho bà Lan phần di sản (1/3) của mình. Vậy bà Lan có 2/3 di sản nền đất, căn nhà cũng do bà Lan xây cất. Từ đó, tòa sơ thẩm tuyên giao căn nhà cho bà Lan ở chăm sóc cụ Tài sau khi trả phần di sản 1/3 cho bà Hồng.
Tòa phúc thẩm thì lập luận do bà Lan đã có một căn nhà khác bên ngoài, là nơi bà Lan kinh doanh trang trí nội thất, trong khi bà Hồng không còn chỗ ở nào khác. Đó là một trong những lý do khiến TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên bà Hồng được ở chung với cụ Tài và được xác lập quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất chung với cụ Tài.