Tranh cãi về bộ tiểu thuyết tình ái '50 sắc thái'
Ngay từ khi xuất hiện tại Anh cuốn sách đã có nhiều ý kiến trái chiều giữa sách văn học và sách khiêu dâm. Tại Việt Nam tác phẩm cũng đang tạo sóng trong dư luận, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Tháng đầu tiên năm mới 2013, nhiều trang báo mạng nhắc tới sự kiện một cuốn tiểu thuyết khiêu dâm vừa được xuất bản tại Việt Nam. Đó là tiểu thuyết 50 Shades (bản tiếng Việt - 50 sắc thái với 3 tập - Xám - Đen - Tự do) của tác giả E.L. James.
Ngay khi ra mắt lần đầu tiên tại Anh, cuốn sách gặp rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Từ nội dung “khiêu dâm” quá trần trụi đến lối viết được cho là khá “bình dân” của một nhà văn chưa từng có tên tuổi, xuất thân từ một nhà sản xuất truyền hình không mấy danh tiếng. Thế nhưng, 50 Shades cứ “lừ lừ” leo lên vị trí top của khắp các bảng xếp hạng, trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Anh năm 2012.
Cuốn sách với những trang viết rất chi tiết, riêng tư về tình yêu - tình dục của cô cử nhân Văn học và đại gia đẹp trai. |
Tính đến thời điểm này, 50 Shades đã bán được hơn 60 triệu bản và đã được xuất bản ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Với những con số đó, tiểu thuyết ái tình “nhẹ nhàng” qua mặt các tác phẩm kinh điển thời hiện đại từ Mật mã Da Vici đến Harry Porter về số lượng xuất bản tại Anh.
Riêng nữ nhà văn E.L.James đã kiếm được 50 triệu đô từ tác phẩm đầu tay của mình. Riêng hãng Universal Picturesd đã chi ra tới 5 triệu đô để mua bản quyền chuyển thể 50 Shades thành phim của. Đó thực sự là những con số biết nói thay cho danh tiếng của cuốn tiểu thuyết này.
Ngay khi cuốn sách mới nằm trong kế hoạch xuất bản của Trung tâm sách Văn học Imone (thuộc Alpha Books - đơn vị mua bản quyền phát hành cuốn sách này tại Việt Nam) đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề “nên hay không” xuất bản cuốn tiểu thuyết nhạy cảm này ở Việt Nam – một quốc gia với bề dày phong tục truyền thống Á Đông.
Trên nhiều diễn đàn, chủ đề này được bàn luận gay gắt. Các thành viên diễn đàn dẫn ra nhiều minh chứng từ phương Tây, nơi có nền văn hóa và phong tục “thoáng” hơn Việt Nam, nhưng dư luận và báo chí còn phải gọi tác phẩm này là “bước lùi của loài người”, và “chỉ có tác dụng tăng dân số”...
Đến 70% các ý kiến trên diễn đàn, nạng xã hội đều “hạ bệ” tác phẩm, tỏ ý lo lắng cho “văn hóa đọc” nước nhà, và coi 50 sắc thái là “sản phẩm” đáng ném vào thùng rác.
“New York Times gọi cái này là "mommy porn". Nghe thế cũng đủ hiểu. Sách chẳng có gì để hấp thu nổi cả. Nam chính như bao truyện lãng mạn khác nhưng “bạo dâm”. Nữ chính thì hỡi ôi, kinh khủng, cô ta giống như con rối. Còn mua cho xe, iPad, iPod..l àm mình liên tưởng đến gái cao cấp. Nhưng mà tức nhất là nó bán chạy hơn cả Harry Potter”, thành viên Phuong225 nhận xét.
Trong khi đó, Tin Tống cho rằng: “Đồi trụy và bạo dâm. Tác phẩm này được đánh giá là làm tụt hậu nền phát triển của xã hội khi quá coi thường hình ảnh người phụ nữ. Văn phong tác giả thì khỏi phải nói. Nghiệp dư”.
Nick KenshinVn nói: “Khi mình qua Singapore công tác, trên tàu điện người ta cầm mấy quyển này đọc thản nhiên, rồi đi nhà sách bên đó thấy trưng một chỗ riêng để đến mua cho dễ. Thế là mình cũng xem, xem được 10 dòng đầu tiên thì mình chỉ muốn... sút nó đi. Thật không hiểu vì sao người ta nhảy xổ vào nó”.
Độc giả có nick TheblueSky88 cho rằng: “Không ủng hộ việc dịch và xuất bản 50 Shades tại Việt Nam, văn hóa mỗi quốc gia khác nhau hơn nữa chuyện phòng the ở Việt Nam là điều cấm kỵ”.
Nick name Ivory’s Drawer thẳng thắn nhận định: “Những cuốn như thế này rồi chết chìm theo năm tháng thôi. Xin lỗi các bạn chứ mình thấy cuốn này không có một gam văn học nào. Mình đã đọc vài đoạn trích, đúng chất truyện khiêu dâm. Cả tập truyện dày đặc các đoạn “having sex”… Chưa nói đến chuyện câu cú cụt lủn, sơ sài (chỉ thấy xuống dòng và thoại là nhiều). Và quả thực nếu Việt Nam xuất bản cuốn này thì quá đau lòng cho văn hóa đọc nước nhà”.
Bên cạnh những ý kiến phản đối hoàn toàn thì có nhiều độc giả cũng đưa ra một số quan điểm trung lập và vài điểm cộng dành cho tiểu thuyết này.
Độc giả có nick SuCullen cho rằng việc truyện không có giá trị văn học trở thành bestseller cũng giống như trường hợp nhiều bộ phim không mang “giá trị nhân văn sâu sắc” trở nên nổi đình đám, hay những bài hát thành hit không phải bài nào cũng “nghiêm chỉnh”. Đơn thuần đây chỉ là những sản phẩm mang tính giải trí. Độc giả thích là quyền của họ, chỉ cần NXB dán mác độc giả biết đâu là đối tượng phù hợp để đọc là được.
Độc giả có nick Blackpassio chia sẻ : “Mình thích phần âm nhạc trong truyện, rất hợp gu mình. Mình cực thích Try của Nelly Furtado và Cold Play hát The Scientist… Mình nghĩ, nội dung sách có thể để lại ấn tượng không đẹp lên những độc giả chưa có nhiều trải nghiệm sex".
Bạn đọc có nick June Autumn thẳng thắn: “Đây là một nguồn tư liệu để hiểu thêm về con người và văn hóa phương Tây. Cá nhân mình nhận thấy đa số người Việt mình hiểu rất ít về tình yêu và tình dục của người phương Tây”. Bạn cũng đề cập đến việc cần giới hạn độc tuổi độc giả cho cuốn sách.
“Nó không phải sách cho teen, không phải sách lãng mạn thông thường, nó nói về tình dục trần trụi như nó là thế. Nếu bạn ngại ngần khi nói về tình dục thì tiểu thuyết này nói về cuộc sống đó hộ bạn, giúp bạn bớt nhàm chán nó, nhìn về tình dục một cách thoải mái hơn. Đừng lên án vội, nếu bạn không thích truyện này thì đơn giản là nó không dành cho bạn. Đừng gán ghép nó là "bệnh hoạn, thiếu nhân cách. Nếu bạn không có một đầu óc mở, bạn đừng nên cố nhìn vào chỉ để lên án và đạp xuống, nó không làm bạn cao giá hơn. Nếu bạn không thích, thì đừng quan tâm dến nó. Đây là truyện erotic. Và nó đã cứu giúp hôn nhân của một người mà mình biết” - độc giả có nickname SocT chia sẻ nhận xét rất tích cực của mình về tiểu thuyết.
Khi một luồng tư tưởng mới xuất hiện lẽ tất yếu nó sẽ luôn nhận được những phản hồi từ cả hai phía, phía đồng tình và phía phản đối. Ngay cả ở phương Tây, tiểu thuyết này tuy không bị cấm, vì phương Tây có cái nhìn về tình dục khác với phương Đông chúng ta, nhưng đây cũng là một hiện tượng gây nhiều tranh cãi khi tiểu thuyết này đồng hành với nhiều tên tuổi lớn khác được trao giải thưởng văn học danh giá Booker năm 2012.
Thiên Thanh
Theo Infonet